“Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần nhanh chóng thu hút nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ và vốn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao theo hướng phát triển xanh, bền vững”.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT Tô Việt Châu phát biểu tại Diễn đàn.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT Tô Việt Châu đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm, đầu tư xanh cho tăng trưởng xanh ngành nông nghiệp - Tiềm năng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp công nghệ, nông nghiệp thông minh Nhật Bản. Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản phối hợp tổ chức hôm nay, 13/12, tại Hà Nội.
Sự kiện nhằm tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai nước cùng chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ tiên tiến và mở ra các cơ hội hợp tác mới theo hướng hiện đại, trách nhiệm và bền vững.
Tăng cường hợp tác
Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, từ lâu Nhật Bản đã là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Nhật Bản có thế mạnh về công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý. Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh, điều mà Việt Nam rất cần để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
10 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27 tỷ USD, và con số này tăng lên 31 tỷ USD vào cuối tháng 11, cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó, Nhật Bản chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư, Việt Nam hiện đang có những điểm sáng mới, chuyển đổi trong cơ cấu đầu tư, nguồn lao động dồi dào, tăng cường tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Bên cạnh đó, cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) cũng đang mở ra dư địa lớn cho hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài, hướng tới một tương lai tốt đẹp cho cả hai quốc gia.
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đánh giá một yếu tố quan trọng nữa trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là các chính sách ưu đãi và 3 hiệp định thương mại tự do là CPTPP, RCEP và AJCEP và hợp tác song phương VJEPA mà hai nước đã ký kết. Việt Nam hiện nay có độ mở nền kinh tế cao, với nhiều cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các FTA giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu trong ngành nông nghiệp.
Về phía Nhật Bản, ông Sato Fumiaki, Phó Giám đốc Cục Xuất khẩu và quan hệ quốc tế (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản) khẳng định nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản khi cả hai quốc gia có nhiều điểm chung về khí hậu và thiên nhiên phong phú, đặc biệt trong việc trồng trọt và sản xuất lương thực, với gạo là một mặt hàng lương thực chính.
Ông Sato Fumiaki, Phó Giám đốc Cục Xuất khẩu và quan hệ quốc tế (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Việt Nam với tài nguyên thiên nhiên phong phú là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Nhật Bản cam kết sẽ chia sẻ kiến thức và công nghệ với Việt Nam giúp thúc đẩy nền nông nghiệp thông minh, bền vững. Cam kết hợp tác xanh, giảm phát thải carbon giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ là tiền đề cho hợp tác sâu rộng hơn giữa hai quốc gia, góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại và phát thải thấp.
Những bước chuyển mạnh mẽ
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV Vĩnh Phúc Nguyễn Viết Xuân bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt rau, hoa, cây ăn quả, nấm ăn, bảo quản sau thu hoạch... như hỗ trợ các giải pháp tưới thông minh trong sản xuất trồng trọt; trồng nấm kiểu Nhật sử dụng hệ thống giám sát môi trường và các trang thiết bị, máy móc (bình inox vi sinh để làm giống, máy cấy giống, máy đóng giá thể …để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Vĩnh Phúc.
Chi cục trưởng Nguyễn Viết Xuân cho biết, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều nội dung về đẩy mạnh chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác ngày một tăng, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như đã áp dụng trồng rau, hoa trong nhà lưới, bằng kỹ thuật thuỷ canh, canh tác trên giá thể không đất; sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô cho hoa lan, cây cảnh, cây lâm nghiệp,... Ứng dụng ghép cà chua lên gốc cây cà tím, sử dụng chất điều hoà sinh trưởng thực vật trong điều khiển cây trồng; sản xuất nấm và các chế phẩm vi sinh. Từng bước thực hiện cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch, sơ chế,... để đảm bảo kịp mùa vụ, chất lượng nông sản và giải phóng sức lao động.
Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV Vĩnh Phúc Nguyễn Viết Xuân bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt rau, hoa, cây ăn quả, nấm ăn, bảo quản sau thu hoạch...
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ số trong sản xuất cây thanh long, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nấm từ khâu nhân giống, nuôi trồng, thu hoạch, đóng gói, ứng dụng nhân giống, nuôi trồng sâm Hàn Quốc, ứng dụng công nghệ xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp: Triển khai mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh (Tricoderma) xử lý rơm rạ trên cây lúa...
Địa phương đã cấp 92 mã số vùng trồng nội địa và 28 mã số vùng trồng xuất khẩu (các nước châu Âu, Mỹ, New Zelan, Úc, Trung Quốc) đối với sản phẩm thanh long, bưởi, chuối, ớt, rau củ quả các loại…
Đối với chăn nuôi, Vĩnh Phúc đã thực hiện ứng dụng KHKT trong sản xuất giống vật nuôi (thụ tinh nhân tạo); xây dựng chuồng trại cảm biến với môi trường, hệ thống ăn, uống tự động cho vật nuôi, đệm lót sinh học vi sinh…
Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV Vĩnh Phúc Nguyễn Viết Xuân cho biết, những năm vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; kết quả đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu trên trên địa bàn. Song, việc đầu tư các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC cần nguồn vốn lớn, trong khi thị trường nông sản không ổn định, có tính rủi ro cao. Bởi vậy hiện, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít và nhỏ lẻ; người nông dân vẫn còn thụ động trong việc tiếp nhận giống, công nghệ mới. Đặc biệt, công tác bảo quản, chế biến nông sản còn hạn chế, mang tính tự phát, phân tán trong dân, công nghệ lạc hậu, chất lượng hàng hóa thấp, nhất là khâu chế biến nông sản vẫn khá đơn giản, sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu dưới dạng thô nên giá trị kinh tế thấp và nguồn nhân lực có trình độ cao, có thể làm chuyên gia trong việc hướng dẫn, chuyển giao khoa hoạc kỹ thuật CNC trong nông nghiệp chưa nhiều…
TS Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) phát biểu tại diễn đàn.
TS Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cũng cho rằng, nguồn nhân lực có trình độ cao, có thể làm chuyên gia trong việc hướng dẫn, chuyển giao khoa hoạc kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp ở Việt Nam chưa nhiều. Đây là một yếu tố gợi mở với góc nhìn chuyển giao công nghệ qua các cơ sở đào tạo.
“Nhà trường bám sát Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và những nội dung của Luật Thủ đô vừa ban hành. Nhà trường sẽ tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm như AI, công nghệ bán dẫn, công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ khí chế tạo – tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon… phát triển nhà trường trở thành trường học số, trong đó có trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước. HHT sẽ vươn tầm trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và châu lục, như sự kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố và hy vọng thông qua diễn đàn sẽ có những hợp tác phù hợp giữa các bên, nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến phát triển sản xuất xanh, bền vững”, TS Phạm Xuân Khánh khẳng định.
Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT Tô Việt Châu đkhẳng định diễn đàn đã mang đến những cái nhìn sâu sắc về công nghệ tiên tiến, giải pháp thông minh và những mô hình nông nghiệp bền vững. Đồng thời, kinh nghiệm và thực tế từ địa phương cũng khẳng định tiềm năng to lớn và định hướng phát triển rõ ràng của ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Tăng cường đẩy mạnh đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Vụ Trưởng Tô Việt Châu, qua diễn đàn này, một số thông điệp quan trọng đã được nhấn mạnh đó là, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Và tầm quan trọng của công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các giải pháp nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tăng cường giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Đồng thời khẳng định, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản với những thế mạnh vượt trội của doanh nghiệp Nhật Bản trong công nghệ nông nghiệp và sự tương đồng trong định hướng phát triển.
“Đây không chỉ là một diễn đàn trao đổi mà còn là cơ hội để doanh nghiệp hai bên kết nối, tìm hiểu và mở ra các cơ hội hợp tác mới. Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của chính phủ hai nước, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan, nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, trách nhiệm, xanh và bền vững.
Qua đây, tôi cũng rất mong Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Ngư nghiệp Nhật Bản, JICA, Jetro sau diễn đàn này sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào nông nghiệp thông minh và nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam", Phó Vụ trưởng Tô Việt Châu nhấn mạnh./.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, chuỗi giá trị dừa là điểm sáng nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nỗ lực trong xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói đối với cây dừa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Huyện Di Linh (Lâm Đồng) đặt mục tiêu chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả chủ lực tập trung phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng tiểu vùng sinh thái. Qua đó tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu và thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.