Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024 | 19:30

Lợi ích kép từ nuôi sâu canxi, trùn quế

Nuôi sâu canxi giúp tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường và tạo thành ấu trùng sâu làm nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm.

Biến chất thải thành tiền

Ngày nay, nguồn phụ phẩm, chất thải, rác thải hữu cơ trong sản xuất và sinh hoạt được xem là tài nguyên quý giá, là "mỏ vàng" có thể tận dụng để hái ra tiền. Theo đó, bà con nông dân ở xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang áp mô hình biến rác thải thành tiền từ sâu can xi.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A, cũng là một nông dân đang có mô hình biến rác thành tiền cho biết: Ở địa phương đang có hơn 10 hộ nuôi sâu canxi và 20 hộ dân nuôi trùn quế rất hiệu quả nhờ tận dụng các chất thải từ sinh hoạt gia đình, quán ăn, chất thải gia súc. Trong đó, có nhiều hộ nuôi cả sâu canxi lẫn trùn quế.

Qua đó, đã gia tăng thu nhập cho nông hộ, tận dụng được công nhàn rỗi, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra. Đây cũng là thành quả bước đầu của dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động trên địa bàn xã.

Sâu canxi và trùn quế ăn các loại rau củ quả hư thối, xác động vật, phân gia súc... giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Rác thải hữu cơ như cơm thừa, canh cặn ở gia đình và quán ăn, xác cơm dừa, bã đậu, chuối cây xắt mỏng đến xác chết động vật, phân gia súc… đều là thức ăn ưa thích của sâu canxi (ấu trùng của ruồi lính đen) và con trùn quế.

Sản phẩm thu được là phân hữu cơ và nhộng (đối với mô hình nuôi sâu canxi), trùn thịt (đối với mô hình nuôi trùn quế). Nhộng sâu và trùn thịt thu được có thể dùng làm thức ăn cho cá, gà, vịt. Phân hữu cơ được tận dụng bón cho dừa, cây ăn trái, hoa kiểng, rau màu... thay cho phân hóa học. Nếu người dân không sử dụng có thể đem bán để tăng thêm thu nhập.

Tương tự, anh Anh Hoàng Tiến Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hợp Hòa, Sơn Dương, Tuyên Quang đã nghiên cứu tìm hiểu mô hình nuôi sâu canxi với trang trại chăn nuôi của gia đình. Từ ý định “làm cho biết”, đến nay, mô hình đã là nguồn thu nhập chính cho anh. Từ một lọ con giống nhỏ có thể nuôi thành công được hàng chục kg sâu. Khi sâu bắt đầu nở, sau khoảng 15 - 20 ngày tùy vào thời tiết là có thể thu hoạch làm thức ăn cho đàn gà, vịt. 

Nói thêm về hiệu quả kinh tế mang lại, anh Quang cho biết: “Gia đình tôi nuôi trang trại gà, ngan. Trước đây, chi phí về thức ăn chăn nuôi tốn khá nhiều. Sau thời gian nuôi bằng sâu canxi, tôi thấy vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, lông mượt hơn, chất lượng thịt thơm, ngon hơn. Giá bán gà, ngan cũng cao hơn so với nuôi thông thường 20 - 30 nghìn đồng/kg. Chăn nuôi gia cầm bằng sâu canxi giúp hỗ trợ 40% lượng thức ăn, nhờ đó gia đình tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm”.

Ông Lê Đại Dương, thành viên trong HTX bắt đầu theo mô hình nuôi sâu từ cuối năm 2023. Ông kể: “Nuôi loại sâu này vô cùng dễ, sử dụng thức ăn chủ yếu là bã đậu, rau, hoa quả rụng, các loại lá, cây cỏ cùng với cơm thừa... Những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi này giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Sau khoảng 15 - 20 ngày nuôi, sâu chuyển hóa thành nhộng, thời điểm mà hàm lượng canxi trong chúng cao nhất. Bữa ăn của hàng trăm con gà trong trang trại chỉ cần một vốc sâu là đủ thay thế cho 3 gáo ngô hạt, tiết kiệm được tiền mua thức ăn chăn nuôi so với trước đây”.

Sâu canxi chính là ấu trùng của ruồi lính đen. Gọi là sâu canxi bởi đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác để trở thành ruồi lính đen thì vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp, hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi rất tốt cho sự phát triển của vật nuôi. Ngoài việc làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt. HTX Nông nghiệp Hợp Hòa cũng đã thử làm thức ăn cho cá và đem lại hiệu quả rõ nét.

Theo ông Đỗ Duy Hướng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Hòa: “Việc xây dựng trang trại hữu cơ của HTX từ mô hình nuôi sâu canxi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giúp chất lượng sản phẩm tăng cao giúp giảm thiểu chi phí và tăng thu nhập cho người dân trong vùng. Đây là cách làm  khẳng định tư duy mới trong phát triển nông nghiệp bền vững mà xã đang hướng đến”.

Tác động tích cực đến môi trường

Ưu điểm nổi bật của mô hình nuôi sâu canxi chính là khả năng xử lý rác thải hữu cơ. Với sự gia tăng của các mô hình nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tại các vùng nông thôn, lượng rác thải hữu cơ, bao gồm thực phẩm thừa, các phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi, đang là một vấn đề nan giải.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, Sơn Dương, Tuyên QUang cho biết: “Mô hình nuôi sâu canxi cũng đã được xã quan tâm và mong muốn triển khai rộng trên địa bàn. Nhờ vào việc áp dụng phương pháp nuôi khá dễ dàng, kết hợp với việc sử dụng nguồn thức ăn thừa và hiệu quả kinh tế mang lại nên các hộ gia đình có thể tham gia mô hình này. Bên cạnh đó, sâu canxi lại có thể tận dụng những nguồn rác thải, thức ăn thừa giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải, đồng thời biến chúng thành nguồn dinh dưỡng dồi dào cho vật nuôi. Điều này giúp giảm chi phí và tăng năng suất, giá trị thương phẩm”.

Sản phẩm nuôi sâu canxi của HTX Nông nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương).

Bên cạnh đó, mô hình nuôi sâu không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn, dễ triển khai và không cần xây dựng chuồng trại phức tạp. Nông dân chỉ cần chuẩn bị bể nuôi và có nguồn rác thải hữu cơ là có thể bắt đầu nuôi. Anh Ma Văn Binh, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa chia sẻ: “1 kg sâu canxi sinh trưởng trong tầm 2 tuần tiêu thụ hết khoảng 6 kg chất thải động vật. Mỗi con lợn trong quá trình phát triển đến khi xuất bán thải ra từ 250 - 300 kg phân.

Vì vậy, áp dụng nuôi sâu canxi để phân hủy lượng chất thải của vật nuôi vừa là giải pháp hữu hiệu giúp xử lý triệt để môi trường, vừa tạo nguồn thức ăn chăn nuôi “0 đồng” chất lượng cao, giảm thiểu chi phí sản xuất”. Mô hình nuôi sâu canxi đem lại những hiệu quả kép về cả kinh tế lẫn vấn đề môi trường. Với những lợi ích về kinh tế và bảo vệ môi trường, mô hình nuôi sâu canxi có khả năng trở thành xu hướng phát triển nguồn thức ăn mới trong ngành chăn nuôi. Khả năng ứng dụng rộng rãi, làm phân bón hữu cơ, sản xuất thực phẩm bổ sung cho thức ăn chăn nuôi, sâu canxi đang dần khẳng định vị thế là một giải pháp bền vững và hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và đóng góp vào việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Trùn quế bảo vệ môi trường

Bên cạnh sâu canxi, các nông hộ chăn nuôi gia súc còn lựa chọn con trùn quế để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường cũng như tăng thêm thu nhập bởi trùn quế thuộc nhóm trùn ăn phân. Trùn quế trưởng thành rất giàu đạm. Hàm lượng chất khô trong trùn quế chiếm từ 15 - 20%, trong đó lượng protein chiếm tới 70%. Đây là loại thức ăn chăn nuôi chất lượng cao và rẻ tiền. Nuôi trùn quế cũng không mất quá nhiều diện tích và thời gian chăm sóc.

Để nuôi trùn quế, cần chuẩn bị chuồng trại chắc chắn, có mái che. Tùy theo nhu cầu mà xây dựng diện tích chuồng phù hợp. Nền chuồng nên được cán xi măng. Chuồng cần được tạo độ ẩm 75 – 80%, nhiệt độ từ 20 – 28 độ C, mỗi ngày cần tưới nước 1 – 2 lần. Quá trình nuôi nếu phát hiện có thiên địch như kiến, cóc, ếch, chim, chuột cần phải phòng triệt để, đặc biệt nên có mùng bảo vệ. Kỹ thuật chăn nuôi trùn quế được Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức tập huấn rất kỹ càng cho bà con nông dân trước khi cung cấp con giống.

Gia đình ông Trương Văn Quắn tại ấp Thành Long, xã Thành Thới A sau khi tham dự lớp tập huấn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trại nuôi trùn quế và sâu canxi. Theo ông Quắn, bước đầu mô hình nuôi trùn quê đã giải quyết được lượng phân do đàn bò thải ra mỗi ngày nên không còn ô nhiễm môi trường như trước đây.

“Phân bò được ủ qua chế phẩm sinh học thì không còn mùi hôi thối và được sử dụng làm thức ăn hàng ngày cho trùn quế”, ông nói. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình nuôi sâu canxi để giải quyết cơm thừa, rau quả hư thối cũng tạo được lượng nhộng đáng kể để ông nuôi thêm hàng chục con gà, vịt. Do đó, thời gian tới ông tiếp tục duy trì và nhân rộng hai mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Nết ngụ tại ấp Tân Phong (xã Thành Thới A) cũng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào nuôi trùn quế.

Ông Nết chia sẻ: “Mô hình này không những giúp gia đình tôi xử lý được lượng phân của hoạt động chăn nuôi bò mà còn cho thu nhập khá. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi có thể kiếm từ 1 - 2 triệu đồng từ việc bán trùn quế làm giống và trùn thịt”. Ngoài ra, phân trùn được ông đem rải vườn dừa rất tốt.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Nongnghiep, Baotuyenquang, VOV...)
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top