Ngành Nông nghiệp Hà Nam hướng tới vụ xuân bội thu, góp phần vào việc phát triển kinh tế nông thôn và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam, vụ xuân 2024, toàn tỉnh gieo cấy hơn 27.800 ha lúa, đạt 100,47% kế hoạch, với 100% diện tích trà lúa xuân muộn. Lúa cấy máy được mở rộng lên gần 6.000 ha, vượt 8,2% kế hoạch. Về cơ cấu giống, lúa lai chiếm 22,7%, nhóm lúa chất lượng 49,1%, các giống lúa thuần khác 28,2%. Năng suất lúa đạt 67,3 tạ/ha, sản lượng thóc đạt hơn 187 nghìn tấn, bằng 101,4% kế hoạch. Các chương trình, đề án tiếp tục được thực hiện có hiệu quả: Duy trì, mở rộng cánh đồng mẫu với 75 cánh đồng, tổng diện tích gần 1.922 ha; Đề án xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã xây dựng được 4 vùng cây ăn quả, tổng diện tích gần 50 ha…
Mô hình lúa TBR87 tại xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm.
Vụ xuân 2025, Hà Nam phấn đấu gieo trồng 30.367ha cây các loại. Riêng diện tích gieo cấy lúa xuân gần 26.155 ha, cây màu 4.232,6 ha. Tổng sản lượng cây có hạt 181.252 tấn, gồm: lúa 173.574 tấn, ngô hơn 7.678 tấn; giá trị sản xuất phấn đấu đạt gần 1.326 tỷ đồng. Các địa phương tiếp tục thực hiện những chương trình, đề án về sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, ngành Nông nghiệp đã đề ra những giải pháp sản xuất vụ xuân, như: Xây dựng cơ cầu mùa vụ phù hợp các trà lúa, hình thức gieo cấy (lúa gieo thẳng, lúa cấy) phấn đấu hoàn thành gieo cấy xong trong tháng 2/2025. Trong đó, bố trí 100% diện tích gieo cấy trong trà xuân muộn; cơ cấu giống, lúa lai 20 - 25%, lúa chất lượng chiếm 55%, lúa thuần năng suất cao 15 - 20%. Về công tác chuẩn bị cho mùa vụ: Đẩy mạnh làm thủy lợi nội đồng, cày lật đất, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Với diện tích cây màu, chuyển đổi vùng đất lúa cốt cao khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây hàng hóa; phát triển sản xuất trên đất bãi chuyên màu...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam Trương Quốc Hưng: Vụ Xuân là vụ sản xuất quan trọng, không chỉ vì đây là thời điểm mà các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: lúa, rau màu, ngô được gieo trồng, mà còn vì đây là cơ hội để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững trong những năm tiếp theo. Đồng thời cần xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số; áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất để cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng giống, vật tư nông nghiệp; thực hiện nhanh các dự án kênh mương, nạo vét thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. UBND các huyện, thị xã, thành phố phải làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân gieo cấy, không để tình trạng bỏ ruộng; nhân rộng các mô hình: mạ khay máy cấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản,…
Mô hình cánh đồng mẫu hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đánh giá cao kết quả đạt được trong sản xuất vụ xuân 2024. Vụ xuân 2025, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần bán sát chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của tỉnh để tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng mở rộng diện tích sản xuất các loại giống lúa chất lượng; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, chú trọng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; đẩy mạnh chuyển đổi số; áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất; tăng cường công tác thanh kiểm tra chất lượng giống, vật tư nông nghiệp; thực hiện nhanh các dự án kênh mương, nạo vét thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Các HTXDVNN làm tốt các khâu dịch vụ, chú trọng đến dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm.