Tại các tỉnh miền núi do điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp những năm qua người dân đã phát triển mạnh nghề nuôi các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm. Hiện giá các loại cá này đang ở mức khá cao từ 200.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại, đem lại thu nhập tốt cho người nuôi.
Tại tỉnh Lào Cai, nghề nuôi cá nước lạnh đang phát triển tốt đem lại nguồn thu lớn cho người nông dân, giúp tăng trưởng kinh tế tại các xã, huyện vùng cao.
Xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai ở độ cao hơn 1000 m so với mực nước biển. Ở đây có khí hậu mát mẻ, nguồn nước suối tự nhiên phong phú rất phù hợp để nuôi các loài cá nước lạnh. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế này ông Lưu Văn Quang ở thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng đã đầu tư hệ thống dẫn nước, bể nuôi cá hồi và cá tầm trên diện tích 3000m2 mặt nước. Ông Quang chia sẻ: Nuôi cá nước lạnh cần chọn được vị trí nguồn nước phải sạch, con giống phải đảm bảo nguồn gốc. Đặc biệt các giống cá hồi, cá tầm phải sử dụng thức ăn công nghiệp là chính vì thế cần thường xuyên xử lý nước để đảm bảo môi trường.
Nông dân thu hoạch cá nước lạnh ở xã Dền Sáng, Bát Xát, Lào Cai
“Đặc điểm nuôi cá nước lạnh càng lên đầu nguồn thì nước mới đảm bảo. Cá nước lạnh kỹ tính lắm, cá hồi thì càng kỹ. Thời điểm này, giá cá nước lạnh đang bán 230.000 đồng/kg so với năm trước chênh từ 40-50%” - ông Lưu Văn Quang chia sẻ.
Theo thông tin của các hộ dân nuôi cá nước lạnh ở xã Dền Sáng, thời gian nuôi cá hồi thường kéo dài từ 12- 15 tháng, cá tầm từ 14 -16 tháng. Nguồn nước sạch và giữ được nhiệt độ ổn định dưới 23 độ C. Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg/con, người nuôi cần thu hoạch và bán.
Ông Hoàng Kim Siểu, hộ nuôi cá ở xã Dền Sáng cho biết, để gia tăng thu nhập gia đình ông thường nuôi gối vụ, vài tháng lại cho thu một ao. Trong quá trình như vậy ông phải vệ sinh ao nuôi bằng hóa chất, sản phẩm vi sinh. Sau đó cần mua con giống ở cơ sở bảo đảm, có nguồn gốc xuất xứ. Quá trình nuôi cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật về sử dụng thức ăn, thuốc, môi trường nước… Hiện nay giá hai loại cá đang dao động trên dưới 200 nghìn đồng/kg gia đình ông có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
“Năm thứ hai tôi nuôi cá nước lạnh, có lãi vì trên này có nguồn nước. Tôi phát triển thêm mấy ao nuôi cá nước lạnh để đem về thu nhập nhiều hơn” - ông Hoàng Kim Siểu nói.
Trên địa bàn huyện Bát Xát có hơn 70 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng thể tích bồn, bể hơn 2.000 m3, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm.
Ông Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát, Lào Cai cho biết: Nghề nuôi cá nước lạnh có nhiều tiềm năng để phát triển tại khu vực vùng núi cao của huyện. Huyện xác định các xã ở khu vực vùng cao như Dền Sáng, Y Tý, Phìn Ngan, A Lù nơi có nguồn nước phù hợp để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh đảm bảo đúng theo quy hoạch về diện tích và quy định về vệ sinh môi trường.
“Vùng ôn đới của chúng tôi độ cao trên 1000 m có thể nuôi cá nước lạnh. Xã Dền Sáng mô hình cá nước lạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Khi du lịch phục hồi nên cá nước lạnh của chúng tôi tiêu thụ thuận lợi và chúng tôi tập trung phát triển trong thời gian tới” - ông Phạm Năng Chung nói.
Tại Lào Cai nghề nuôi cá nước lạnh được phát triển mạnh trong vài năm qua tại Thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát với thể tích lên tới 50.000 m3, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 600 tấn. Trong đó, tại thị xã Sa Pa, nghề này đang thu hút hàng nghìn hộ nuôi.
Tuy vậy, theo ông Phạm Đăng Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai: Nghề nuôi cá nước lạnh cũng đang đứng trước nhiều thách thức do tăng trưởng nóng. Số hộ nuôi cá nhỏ lẻ tập trung tại một địa bàn với mật độ cao dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, vấn đề dịch bệnh, môi trường… Tỉnh Lào Cai đã đưa ra kế hoạch phát triển nghề này theo quy hoạch, bền vững và bảo đảm môi trường sinh thái. Trong đó các hộ dân nên nuôi cá theo một quy trình kỹ thuật phù hợp, mở rộng quy mô và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận cho sản phẩm.
“Hiện nay việc phát triển quá nóng ở Sa Pa đang là một vấn đề nổi lên với nuôi cá nước lạnh ở tỉnh Lào Cai, phải quản lý, quy hoạch lại. Tới đây, chúng ta cần đưa các hộ nhỏ lẻ vào trong quy trình chung của hội cá nước lạnh để hướng dẫn người nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo môi trường và nguồn nước” - ông Phạm Đăng Uyên cho biết.
Các loại cá hồi, cá tầm đang được coi là đối tượng nuôi tiềm năng cho các địa phương vùng cao có điều kiện về nguồn nước và khí hậu phù hợp. Muốn phát triển mô hình này đòi hỏi người dân cần tìm hiểu rõ về kỹ thuật nuôi, có nguồn nước, con giống đảm bảo. Đồng thời bà con hãy thông qua ban ngành chức năng tại địa phương để tìm hiểu về các quy định liên quan đến chất lượng, đầu ra cho sản phẩm có như vậy mới bảo đảm nghề nuôi cá nước lạnh đem lại thu nhập ổn định.
“Tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết và ưu tiên của Cục BVTV. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm – góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ gìn môi trường và hướng đến một nền nông nghiệp xanh bền vững”.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.