Năm 2023, táo muối Bàng La (quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) cho thu hoạch trên 2.000 tấn, tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), nhiều diện tích bị ảnh hưởng khiến sản lượng sụt giảm đến hơn 80%, dự kiến chỉ đạt 300 - 400 tấn/120ha.
Hồi sinh sau bão
Có mặt tại vùng trồng “táo muối” nổi tiếng tại phường Bàng La vào một ngày cuối tháng 11, thấy nhà vườn đang cần mẫn chăm sóc táo để kịp thu hoạch phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thông thường vào dịp cuối năm sẽ không khó để bắt gặp các điểm bán táo Bàng La ở Hải Phòng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 (bão Yagi) khiến 120ha táo (trải theo 7 tổ dân phố của phường Bàng La) bị thiệt hại nặng nề. Thời điểm này, táo Bàng La đang dần hồi sinh và ra hoa, đậu quả.
Ông Nguyễn Đắc Tuân, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng táo Bàng La chia sẻ về những nỗ lực phục hồi vườn táo sau bão số 3.
Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Đắc Tuân, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng táo Bàng La, cho biết: “Cơn bão số 3 đi qua khiến cho 12 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) táo đang ra hoa, kết trái của gia đình bị bão quật hết lá, rụng hoa, quả, thân cây va đập vào nhau bị giập… Sau cơn bão, chúng tôi gần như phải làm lại từ đầu”.
Ngay sau khi bão qua, với kinh nghiệm trồng táo nhiều năm, ông Tuân quyết định chăm sóc để cây ra hoa, kết trái trở lại thay vì chặt bỏ cành chờ vụ táo năm sau.
“Sau bão hơn 1 tháng, nhiều gốc táo của gia đình trổ hoa lại, màu xanh đã phủ lên vườn. Đến nay, 160 gốc táo trong vườn đều trổ hoa, đậu quả dù lượng hoa ít hơn so với mọi năm, nhưng đó là tín hiệu rất vui với người làm vườn chúng tôi. Mọi năm thời điểm này táo đã được thu hoạch, nhưng năm nay thì muộn hơn khoảng 1 tháng”, ông Tuân nói.
Cũng như ông Tuân, nhà vườn ở phường Bàng La rất vui khi những vườn táo đang hồi sinh, mong chờ có khoản thu nhập đúng dịp Tết Nguyên đán 2025.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bàng La hướng dẫn hội viên kỹ thuật chăm sóc cây táo.
Dù hoa táo đã nở nhưng do không đúng thời điểm, cùng với đó là thời tiết nắng nóng kèm hanh khô kéo dài, nên số lượng đậu quả hoặc đậu xong rồi hỏng khá phổ biến. So với mọi năm thì năm nay mỗi cây chỉ đạt khoảng 10kg quả, trong khi những năm mưa thuận gió hòa thường thu hoạch được khoảng 1 tạ.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bàng La, trước cơn bão số 3, cả vùng táo Bàng La đang trổ hoa và kết những quả nhỏ bằng đầu que tăm. Nhưng gió mạnh đã làm rụng lá, hoa, quả non…, may mắn là số cây bị gãy, đổ rất ít. Sau bão, lực lượng trong phường và bà con nông dân đã tìm mọi cách để cứu cây, dọn dẹp cành bị hư hỏng và tiêu thoát nước để giữ cây không bị hỏng do ngập úng.
“Năm 2023, sản lượng táo Bàng La đạt trên 2.000 tấn, năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 300 - 400 tấn/120ha. Giá bán trung bình từ 40.000 - 60.000 đồng/kg và đến dịp Tết Nguyên đán sẽ cao hơn vì hàng khan hiếm. Đây là tín hiệu vui đối với người dân trồng táo Bàng La vì vẫn còn thu nhập thay vì mất trắng”, ông Hiếu nói.
Giữ vững chất lượng OCOP
Dẫn PV thăm trực tiếp các vườn trồng táo tại Bàng La, vừa đi ông Nguyễn Trung Hiếu vừa kể về nguồn gốc của loại táo này. Sở dĩ được gọi là “táo muối” vì táo trồng trên các chân ruộng trước đây là ruộng làm muối. Nguồn nước tưới là nước sạch, nước giếng khoan. Nghề trồng táo phát triển và trồng đại trà ở địa phương khoảng 10 năm trở lại đây. Do chất lượng ngon vượt trội so với các loại táo bán trên thị trường nên người sành ăn, thương lái luôn săn lùng táo Bàng La. Hàng năm, thương lái về tận nơi nhận mua cả vườn.
Do thời tiết nắng hanh kéo dài, hoa táo bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
Khoảng năm 1980, bác My Khen - người địa phương - sau khi dự một hội nghị do Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng tổ chức, được tặng 2 cây táo về trồng. Sau 2 năm trồng, cây cho thu hoạch, quả ăn ngon, ngọt đậm, giòn, chất lượng khác biệt hoàn toàn so với các giống táo đang được trồng lúc bấy giờ.
Tiếng lành đồn xa, từ đó nhiều người dân địa phương bảo nhau nhân giống bằng cách xin các mắt ở cây táo nhà bác My Khen đem về ghép vào gốc cây táo nhà mình. Qua năm tháng, giống táo được nhân rộng và phát triển ở địa phương cho đến nay.
Ông Nguyễn Đắc Tuân cho biết, so với làm muối hay đi biển trước đây thì việc trồng táo nhàn hơn, cho thu nhập ổn định và hiệu quả hơn, nên bà con chuyển đổi sang trồng táo ngày càng nhiều.
Để phát triển thương hiệu táo muối của địa phương, ông Tuân tham gia tổ hợp sản xuất và trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng quả ngon, ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Năm mưa thuận gió hòa, gia đình ông thu lãi khoảng 200 triệu/160 gốc táo.
Được biết, năm 2014, táo muối Bàng La được UBND TP. Hải Phòng công nhận sản phẩm đặc sản để đăng kí bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Năm 2015, táo muối Bàng La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là sản phẩm đặc thù và được chứng nhận đăng kí nhãn hiệu. Năm 2019, sản phẩm này được công nhận OCOP 3 sao.
Nhiều năm nay, táo Bàng La đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Táo đã trở thành cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân phường Bàng La.
Theo ông Tuân - Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng táo phường Bàng La, đến nay nhiều cơ quan, chuyên gia cũng chưa lý giải được cụ thể hiện tượng táo Bàng La ngon như vậy cụ thể là do đâu? |
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, chuỗi giá trị dừa là điểm sáng nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nỗ lực trong xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói đối với cây dừa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Huyện Di Linh (Lâm Đồng) đặt mục tiêu chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả chủ lực tập trung phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng tiểu vùng sinh thái. Qua đó tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu và thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.