Với phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học dành cho giống lợn hoang dã, ông Lê Văn Hinh ở thôn Tòong Mòn, xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) không chỉ thành công trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Mô hình mang về cho gia đình nguồn thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nuôi lợn rừng cho thu nhập cao
Theo ông Lê Văn Hinh, lựa chọn nuôi lợn rừng không phải là một quyết định ngẫu hứng. Vốn yêu thích nông nghiệp, ông luôn ấp ủ ý tưởng phát triển một trang trại với phương châm “sản xuất sạch, bền vững”.
Cách đây gần 7 năm, ông bắt đầu tìm hiểu về việc nuôi lợn rừng – giống lợn có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với khí hậu và môi trường khắc nghiệt, cùng với thịt thơm ngon, ít mỡ, được nhiều người ưa chuộng dù giá bán cao. Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì lợn rừng phát triển chậm và cần sự chăm sóc đặc biệt. Quyết định này không dễ dàng, nhưng ông tin rằng đó là con đường đúng đắn.
Ông Lê Văn Hinh trong khu chuồng trại lợn giống.
Trang trại nuôi lợn rừng của ông Hinh tọa lạc trên diện tích 2ha. Mới đầu, ông chỉ có vài con lợn giống, nay tăng lên khoảng 100 con. Đặc điểm của giống lợn này là phát triển chậm, nuôi khoảng một năm mới đạt trọng lượng 40kg, không bằng một nửa so với lợn thịt thông thường. Mặc dù thời gian nuôi dài hơn, nhưng bù lại, thịt lợn rừng rất thơm ngon và có giá trị cao hơn hẳn. Lợn rừng có giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, giúp ông thu về hơn 400 triệu đồng mỗi năm từ việc xuất chuồng gần 3 tấn thịt lợn rừng.
Sau hai năm chăn thả tự nhiên, ông Hinh đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại. Hệ thống này giúp giảm thiểu ô nhiễm, tạo môi trường sống sạch sẽ cho lợn và đặc biệt là bảo vệ đất đai, nước ngầm khỏi các chất thải độc hại. Phân lợn không bị vứt đi mà được thu gom, xử lý và sử dụng làm phân bón cho cây trồng.
Khu lợn thịt sắp được xuất bán, trung bình mỗi con nặng 25-30 kg.
Ông Hinh cho biết: “Gia đình tận dụng phân chuồng để bón cho các loại cây như cây cảnh, chuối hột và rau xanh. Phần lớn cây trồng lại làm thức ăn cho chăn nuôi. Với phương pháp này, tôi không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn làm sạch môi trường xung quanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cả người và đất, giúp trang trại hoạt động theo một chu trình khép kín”.
Để duy trì và phát triển đàn lợn, ông Hinh không chỉ dựa vào bán thịt mà còn đầu tư vào nhân giống lợn rừng. Trang trại của ông hiện có 12 con lợn nái và một con lợn đực, tạo ra nguồn giống ổn định. Mỗi lợn nái sinh sản hai lứa/năm, mỗi lứa khoảng 14-15 lợn con. Những con lợn này không chỉ giúp ông tăng đàn mà còn đem lại thu nhập từ việc bán giống. Giá bán lợn giống từ 8-10kg/con ở mức1.000.000 - 1.500.000 đồng/con, giúp ông thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ việc cung cấp giống cho các hộ dân trong và ngoài khu vực.
“Ngoài việc nuôi lợn thịt, việc cung cấp giống là một nguồn thu nhập không nhỏ. Nhiều người trong khu vực cũng bắt đầu nuôi lợn rừng theo mô hình của tôi, tôi cảm thấy vui vì công việc của mình không chỉ mang lại lợi ích cho gia đình mà còn giúp bà con trong vùng nâng cao thu nhập”, ông Hinh nói.
Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học
Nuôi lợn rừng có giá trị kinh tế cao, song lợn rừng phát triển rất chậm. Với thời gian nuôi dài, ông Hinh không thể xuất chuồng nhanh như các loại lợn khác, khiến vòng quay vốn chậm. Tuy nhiên, ông đã tìm cách khắc phục bằng việc đầu tư vào hệ thống chuồng trại, cải thiện thức ăn và chăm sóc kỹ lưỡng để lợn sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Ngoài ra, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng là bài toán khó. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng ngày càng tăng, nhưng không phải lúc nào giá cả và thị trường cũng ổn định.
Lứa lợn sữa mới đẻ phát triển rất khoẻ mạnh.
Để đối phó với những biến động này, ông Hinh xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác, bán sản phẩm theo hợp đồng dài hạn và tham gia vào các hội chợ nông sản để quảng bá sản phẩm.
Ông Hinh cho biết, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nông dân khác trong khu vực, khuyến khích bà con chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trang trại của ông luôn là điểm đến để bà con tìm về học hỏi kinh nghiệm cũng như mua con giống.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, chuỗi giá trị dừa là điểm sáng nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nỗ lực trong xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói đối với cây dừa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Huyện Di Linh (Lâm Đồng) đặt mục tiêu chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả chủ lực tập trung phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng tiểu vùng sinh thái. Qua đó tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu và thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.