Thời gian qua, huyện Kiến Xương (Thái Bình) tập trung phát triển các vật nuôi chủ lực như bò thịt, lợn, gia cầm. Các mô hình chăn nuôi đang tạo nguồn thu nhập ổn định, mở hướng làm giàu cho nhiều hộ dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Hiệu quả từ những mô hình
Năm 2011, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở xã Bình Định được chính quyền địa phương tạo điều kiện chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ từ nhà ra khu chăn nuôi rộng 4ha. Từ đây, chị Tâm có điều kiện mở rộng quy mô, tăng đàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt kết quả tốt. Theo chị, việc đưa trang trại ra ngoài khu dân cư giúp các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, xây hầm biogas, trang bị quạt thông gió, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng quy định..., từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với điều kiện thuận lợi, gia đình chị Tâm duy trì chăn nuôi 4.000 con lợn thương phẩm, hiệu quả kinh tế mỗi năm đạt 2 - 3 tỷ đồng.
Là người đầu tiên ở xã Trà Giang đưa những vật nuôi mới vào mô hình VAC, đến nay, hiệu quả mang lại cho gia đình ông Vũ Đức Tởi đã được khẳng định. Mỗi năm ông Tởi thu về 500 triệu đồng từ nuôi dê sinh sản, cá rô đầu vuông, gia cầm.
Với ông Đặng Văn Tuyền ở xã Minh Quang, tổng đàn gà luôn duy trì trên 4.000 con, được nuôi ở trang trại xa khu dân cư, trung bình mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Nuôi gà trên cát góp phần phát triển chăn nuôi an toàn sinh học của nhiều hộ dân xã Quang Minh (Kiến Xương).
So với chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo quy mô tập trung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm được chi phí đầu tư mà còn giúp hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, chăn nuôi theo hướng trang trại giúp các hộ dân có điều kiện liên kết với các công ty, HTX để được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giúp tăng năng suất, chất lượng, chủ động đầu ra cho sản phẩm.
Sản xuất tập trung gắn với an toàn dịch bệnh
Là một trong những địa phương thường xuyên duy trì đàn vật nuôi ổn định, xã Vũ Bình luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm an toàn cho phát triển sản xuất chăn nuôi tại địa phương.
Theo bà Phan Thị Tươi, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã: Hiện nay, tổng đàn vật nuôi toàn xã hơn 46.000 con, trong đó đàn lợn gần 1.400 con, đàn gia cầm gần 45.000 con, đàn trâu, bò gần 200 con. Để ổn định sản xuất chăn nuôi, xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của hoạt động chăn nuôi trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, sự cần thiết của công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất chăn nuôi luôn khẳng định được vị trí mũi nhọn và thế mạnh trong phát triển kinh tế tại địa phương. Hàng năm, tổng giá trị chăn nuôi của xã đạt trên 18 tỷ đồng.
Vừa qua, xã Nam Bình đã tuyên truyền đến Nhân dân tổ chức Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch phát sinh, bảo đảm an toàn cho phát triển chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng.
Ông Trần Minh Kiện ở xã Nam Bình cho biết: Hàng năm tôi nuôi 10 con bò sinh sản, hơn 200 con ngan, gà thương phẩm, cho thu lãi bình quân hơn 100 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng tôi khử trùng khu vực chuồng nuôi bằng 10kg vôi bột và phun 5 - 7 lần hóa chất diệt ruồi, muỗi để hạn chế mầm bệnh lây lan. Nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh, đến nay đàn bò của gia đình tôi phát triển tốt.
Huyện Kiến Xương hiện có hơn 100 trang trại chăn nuôi, trong đó 7 trang trại lớn nuôi lợn, 15 trang trại tổng hợp, 82 trang trại nhỏ.
Theo bà Bùi Thị Minh Thành, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, để chủ động giám sát, phát hiện và kịp thời ngăn chặn nguy cơ phát sinh các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn trong sản xuất chăn nuôi, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục ở trâu, bò, tai xanh ở lợn...
Quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn sinh học
Đến thời điểm hiện tại, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương được duy trì tốt, các giống bò năng suất, chất lượng cao vẫn đang được sử dụng để phối giống, được người chăn nuôi ưa chuộng. Chất lượng đàn lợn chuyển biến tích cực, các công ty, trang trại chăn nuôi lợn ngoại đầu tư đưa các giống lợn mới có năng suất, chất lượng cao vào nuôi, cho kết quả tốt. Chất lượng con giống đàn gia cầm được chọn lọc, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kiến Xương, cho biết: Tổng đàn vật nuôi toàn huyện hiện có hơn 1,5 triệu con (đàn lợn hơn 39.000 con; đàn gia cầm hơn 1,4 triệu con; đàn trâu, bò gần 3.900 con; đàn chó, mèo hơn 20.000 con; vật nuôi khác gần 5.700 con). Để phát triển chăn nuôi bền vững, huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng xã, vùng chăn nuôi trọng điểm giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đối với chăn nuôi lợn, gia cầm, định hướng phát triển theo hướng trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, tập trung ở những xã trọng điểm về chăn nuôi lợn, gia cầm như An Bình, Lê Lợi, Bình Định; chăn nuôi gia cầm quy mô vừa và lớn tại các xã Bình Nguyên, An Bình, Bình Thanh, Minh Quang, Quang Trung, Minh Tân, Trà Giang; chăn nuôi trâu, bò khuyến khích phát triển tại các xã duyên giang như Minh Tân, Quốc Tuấn, Trà Giang, Hồng Tiến, Hồng Vũ, Vũ Công, Minh Quang, Lê Lợi. Giai đoạn 2025 - 2030 hình thành và phát triển 2 vùng chăn nuôi lợn và gia cầm trọng điểm tại các địa phương có lợi thế về chăn nuôi.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch xây dựng vùng chăn nuôi trọng điểm giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến Nhân dân việc thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng quy trình VietGAHP, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc quy hoạch vùng chăn nuôi, liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, giúp người chăn nuôi tăng thu nhập. Mặt khác, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn tạo các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi.
Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương đã và đang khẳng định vai trò, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ở mức cao với tổng giá trị sản xuất tăng 10,5% so với năm 2023, thu nhập bình quân đạt 63 triệu đồng/người trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,7%.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, chuỗi giá trị dừa là điểm sáng nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nỗ lực trong xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói đối với cây dừa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Huyện Di Linh (Lâm Đồng) đặt mục tiêu chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả chủ lực tập trung phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu từng tiểu vùng sinh thái. Qua đó tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu và thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.