Sáng 17/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội về tổng kết công tác năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội về tổng kết công tác năm 2024 - Ảnh: TTXVN
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, năm 2024, với sự nỗ lực, quyết tâm cao vì lợi ích trên hết, trước hết của quốc gia, dân tộc, các cơ quan đã đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.
Về triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại khối Quốc hội, ngay khi có chủ trương, Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW tại Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Chủ tịch Quốc hội là Phó trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã họp và chỉ đạo ban hành các văn bản: Quyết định thành lập Tổ biên tập; Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; thông báo phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo; Kế hoạch tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.
Trong năm 2024, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu ban hành 48 văn bản phân công triển khai thực hiện kết luận của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 93/109 nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 73/103 nhiệm vụ triển khai chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định, thông báo, hướng dẫn của Đảng.
Về tổ chức, phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp, hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp bất thường, phục vụ Quốc hội ban hành 31 luật và 64 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao; cho ý kiến về 21 dự án luật khác.
Về công tác lập pháp, các cơ quan đã hoàn thành 26 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng tổng số nhiệm vụ hoàn thành lên 140/156 nhiệm vụ, đạt 89,7%.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 9, kỳ họp thứ 10 và trước mắt là kỳ họp bất thường tháng 2/2025; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên họp thứ 41, 42 trong tháng 1, 2/2025 - Ảnh: TTXVN
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do bão số 3 (Yagi) gây ra, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 7%, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt. Công tác đối ngoại được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
“Đạt được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Quốc hội trong việc xây dựng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Điểm lại những kết quả công tác nổi bật trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội đã tập trung tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính - ngân sách… nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, với nhiều quyết sách mang tính lịch sử, như: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, như: Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) quy định từng bước liên thông, thông tuyến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao cho thấy nỗ lực từ phía Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Kỳ họp thứ 8 đánh dấu sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp, như: Các luật ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục đổi mới tư duy làm luật, đẩy mạnh công tác giám sát; phân cấp, phân quyền để giải quyết công việc; tăng cường giám sát kiểm tra, cải cách hành chính - Ảnh: TTXVN
Chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 9, kỳ họp thứ 10 và trước mắt là kỳ họp bất thường tháng 2/2025; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên họp thứ 41, 42 trong tháng 1, 2/2025. Trong đó, chú trọng chất lượng các văn bản, tờ trình, báo cáo thẩm tra; kịp thời gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng tham mưu của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, các đơn vị, Văn phòng Quốc hội; tiếp tục đổi mới trong tổ chức kỳ họp Quốc hội với việc tăng thời gian thảo luận tổ, giảm thời gian thảo luận ở hội trường; nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội, Quốc hội phải vì dân phục vụ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan; việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung cao độ để triển khai tổng kết Nghị quyết 18, hoàn thành các Đề án, quy định, văn bản bảo đảm tiến độ trình Hội nghị Trung ương; nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, chăm lo Tết cho người lao động; tổ chức lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ ba dự kiến đầu tháng 1/2025, đảm bảo hiệu quả, chu đáo, tạo hiệu ứng lan tỏa...
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục đổi mới tư duy làm luật, đẩy mạnh công tác giám sát; phân cấp, phân quyền để giải quyết công việc, “rõ vai, rõ việc, rõ người”; đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra, cải cách hành chính.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chung sức, đồng lòng, đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.