Sáng nay, 13/12, tại Hà Nội, Binh đoàn 12 đã long trọng tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Sáng 13/12, tại Hà Nội, Binh đoàn 12 long trọng tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng thân nhân của gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và đông đảo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Binh đoàn 12 đã dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" tặng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho thân nhân gia đình đồng chí.
Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Thế Lực, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ) sớm có tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cách mạng khi mới 13 tuổi. Tháng 12/1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1947, đồng chí tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình và được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao đảm nhiệm nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn… Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội đến đối ngoại.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" tặng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho thân nhân gia đình đồng chí - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Dù ở cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí cũng ghi dấu ấn, thể hiện là một chiến sĩ cộng sản tài năng, kiên cường và đức độ. Trong quá trình gần 10 năm trên cương vị Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tham mưu Trường Sơn chỉ huy lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp chi viện to lớn cho các hướng chiến trường. Chính thời gian này đã làm tỏa sáng tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với tên gọi: Tư lệnh của Trường Sơn huyền thoại…
Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là vị tướng tài ba, có tầm nhìn sắc sảo, đồng chí còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Đồng chí hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Vì vậy ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đồng chí đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sĩ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 khẳng định, các thế hệ Bộ đội Trường Sơn nói chung và cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 nói riêng, mỗi khi nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều thể hiện sự kính trọng, yêu quý và tràn đầy cảm xúc. Tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân của đồng chí là niềm tự hào, là nguồn cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh và ý chí, nghị lực cho bao thế hệ Bộ đội Trường Sơn, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực cống hiến, chiến đấu, chiến thắng và xây dựng đơn vị ngày càng phát triển trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Việc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Chủ tịch nước quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân không những thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với công lao và thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí mà đó còn là sự tri ân, ghi nhận và đánh giá công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, đó còn là niềm vinh dự, tự hào của gia đình và quê hương đồng chí; đáp ứng niềm mong mỏi của các thế hệ Bộ đội Trường Sơn năm xưa cũng như cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 12 hôm nay.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc nêu rõ, kế tục truyền thống Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn anh hùng, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tháng 10 năm 1977, Binh đoàn 12 được thành lập có nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng. Từ năm 1989 đến nay, Binh đoàn 12 có thêm tên doanh nghiệp là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Đầu năm 2022, Binh đoàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là doanh nghiệp Quốc phòng an ninh, được tái thành lập 3 lữ đoàn Dự bị động viên đóng quân trên 3 miền của Tổ quốc.
Noi gương cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 12 đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tích, kết quả rất đáng tự hào. Binh đoàn đã có sự phát triển toàn diện, nhất là quy mô sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ (bình quân 28%/năm, trong đó năm 2023 tăng 142% so với năm 2022. Đặc biệt, kết thúc năm 2024 với những con số kỷ lục như giá trị sản xuất đạt 12.335 tỷ, bằng 156,1% kế hoạch Bộ Quốc phòng, tăng trưởng 43,9% so với năm 2023 và tăng gấp 3,5 lần so với năm 2019). Binh đoàn được Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương giao cho thi công rất nhiều dự án trọng điểm, có giá trị lớn của đất nước. Trong đó có nhiều dự án đường cao tốc cả trục dọc, trục ngang với 250 km, trở thành nhà thầu có đóng góp lớn nhất thực hiện mục tiêu phát triển mạng lưới cao tốc kết nối các vùng kinh tế của đất nước; các công trình cấp đặc biệt như các gói thầu thuộc dự án sân bay Long Thành, xây dựng Nhà ga T3, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài; các dự án mở rộng thủy điện như: Hòa Bình, Yaly. Từ một doanh nghiệp với quy mô trên 3.000 tỷ đồng vào đầu nhiệm kỳ, đến nay Binh đoàn 12 trở thành doanh nghiệp thuộc tốp đầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trong Quân đội và cả nước với doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng (đây là một con số rất đáng tự hào đối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực xây dựng cơ bản).
Tự hào là đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, noi gương Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, cán bộ, chiến sĩ và người lao động của Binh đoàn 12 hôm nay nguyện tiếp tục học tập, rèn luyện, "lấy truyền thống làm điểm tựa; chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; tích cực hội nhập và phát triển", cùng đoàn kết, nỗ lực, xây dựng Binh đoàn (Tổng công ty) ngày càng ổn định và phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong thời kỳ mới, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc khẳng định.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.