Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 12 năm 2024 | 21:28

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chưa có chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định điều này tại buổi tiếp xúc với đông đảo các cử tri trên địa bàn thành phố Hưng Yên.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều nay (2/12) tại Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có buổi tiếp xúc với đông đảo các cử tri trên địa bàn thành phố Hưng Yên nhằm thông báo kết quả kỳ họp và trả lời các ý kiến kiến nghị của các cử tri gửi tới Quốc hội. 

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, những năm gần đây, Hưng Yên là một trong những tỉnh ngày càng phát triển, đường sá được mở rộng, công trình văn hóa được xây dựng, công tác quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững - Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên thông báo những kết quả nổi bật của kỳ họp, đông đảo cử tri trên địa bàn thành phố bày tỏ vui mừng Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước.

Cử tri khẳng định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và sẽ là cuộc cách mạng để tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với tinh giảm biên chế, giảm chi phí bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần tăng nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển và thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội.

Quan tâm tới vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trong thời gian tới, cử tri Lê Tiến Dũng (thôn Trần Phú, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên) đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ làm rõ và công khai chủ trương này để cử tri và nhân dân yên tâm. 

Về vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm trả lời: "Trước mắt chưa sắp xếp đối với các tỉnh là vì chúng tôi cũng nghiên cứu thấy tâm tư nguyện vọng của bà con, tỉnh mình như thế này, tự nhiên lại không có tỉnh, trong khi truyền thống lịch sử anh hùng như thế. Thứ hai, có những tỉnh từ khi tách ra thì phát triển rất tốt, như Hưng Yên là một ví dụ. Thực tế là có thế nhưng mà phát triển đến mức độ nào nữa thì lại hết đất để phát triển, dư địa thị trường bé nhỏ, không đủ sức, không đủ nguồn lực để làm được những việc lớn, đất đai đầu tư cũng hết rồi; cần không gian mới để phát triển mới thì lúc đó sẽ phải tính".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ phấn khởi trước những kết quả đạt được khá toàn diện, mang tính đột phá về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với tinh thần “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể là ai”.

Nhất là khi đồng chí Tô Lâm được Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí không chỉ giữ được đà thế mà còn tiếp tục được đẩy mạnh hơn, quyết liệt hơn, đồng thời cùng với đó cũng đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, lãng phí.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, một ý kiến đề nghị, cần sớm ban hành chiến lược, kế hoạch và các giải pháp tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm về phòng, chống lãng phí để thống nhất triển khai trên cả nước, sớm giải phóng nguồn lực phát triển, tạo thêm dư địa tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chống lãng phí không phải bây giờ mới đề cập đến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong ý tiêu cực là có muốn nói đến lãng phí. Lãng phí tội rất lớn nên phải đấu tranh, nghiên cứu, từng cơ quan phải chống lãng phí.

Còn ai sai trước đó phải khoanh vùng. Tinh thần là chống lãng phí nhưng không hợp pháp hóa những sai phạm. Vừa rồi Ban chỉ đạo Trung ương vẫn phải xử lý, không có tình trạng đã sai, hạ cánh an toàn là không bị xử lý, chính sách của Đảng rất rõ về những việc như vậy. Nhân đây tôi cũng kêu gọi bà con nhân dân tiếp tục giám sát ủng hộ vì chỉ có nhân dân là những người tinh tường và chỗ nào cũng biết", Tổng Bí thư cho biết.

Tại buổi tiếp xúc, có y kiến cử tri cho rằng, chủ trương vừa qua của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau nhiều năm tạm dừng, tuy nhiên cũng cần lựa chọn công nghệ và có giải pháp bảo đảm an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở Việt Nam.

Về nội dung này, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, an toàn cho người dân là yêu cầu cao nhất, phải lựa chọn công nghệ an toàn nhất, tiên tiến nhất, giá rẻ nhất và không phụ thuộc vào ai. Đảng, Nhà nước xác định phải có ngành công nghiệp hạt nhân, trước đây đã có cơ sở đầu tiên là Đà Lạt, thực tế bây giờ chữa bệnh như ung thư nhiều khi cũng sử dụng năng lượng hạt nhân, đồng vị trong nhiều hoạt động về kinh tế vẫn phải sử dụng, nhưng tất cả các lĩnh vực đều phải đảm bảo yêu cầu an toàn nhất cho người dân.

"Chúng tôi tính đến 10 nguy cơ thảm họa, trong đó có thảm họa về hạt nhân, không được để xảy ra những vấn đề này", Tổng Bí thư cho biết.

Dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân tỉnh Hưng Yên đã phối hợp để cá nhân Tổng Bí thư làm tròn trách nhiệm đại biểu Quốc hội đối với cử tri trong thời gian qua.

Tổng Bí thư đánh giá cao và bày tỏ tin tưởng thời gian tới cử tri và nhân dân quê hương Hưng Yên đã làm tốt rồi thì sẽ có nhiều đóng góp, kiến nghị hơn nữa với các cấp chính quyền với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, xác đáng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; để xây dựng phát triển đất nước, phát triển tỉnh Hưng Yên văn minh, hiện đại, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chiều cùng ngày Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm tặng quà ông Mai Văn Vĩnh (73 tuổi) thương binh 81%, gia đình người có công trên địa bàn xã Liên Phương và gia đình bà Bùi Thị Kiêng (sinh năm 1940) ở đường Bạch Đằng, phường Minh Khai hộ gia đình khó khăn có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

 

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top