Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024 | 13:53

Thủ tướng Phạm Minh Chính: DN Việt Nam - Hoa Kỳ cần hỗ trợ nhau mở rộng chuỗi cung ứng

Sáng nay 27/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2024 với chủ đề Chính sách và hưởng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung

Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp hai nước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam trong kỷ nguyên mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị các đại biểu doanh nghiệp hai nước đã thảo luận về các chính sách và phương hướng mà cả chính phủ và khu vực tư nhân cần thực hiện để đảm bảo quan hệ thương mại và đầu tư đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong đó tập trung vào nhu cầu ban hành quy định hợp lý, khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số, giải quyết các nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển với các hành động thực tế, duy trì năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất và giảm rủi ro, cũng như củng cố khả năng huy động nguồn lực, sản xuất và chuỗi cung ứng.

Tính đến tháng 10/2024, Hoa Kỳ có 1.400 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, đứng thứ 11/148 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam cũng như lòng tin của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào triển vọng kinh doanh và sự ổn định của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast... cũng đang mở rộng sang Hoa Kỳ, mang lại lợi ích chung đan xen.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Với Hoa Kỳ, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong mười đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch hai chiều đạt kỷ lục 110,8 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với kim ngạch hai chiều 10 tháng đầu năm đạt 110,9 tỷ USD. Việt Nam cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ, trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển và chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về lịch sử quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết, ông rất vui khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.  

Thủ tướng đã chia sẻ về bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, theo đó Thủ tướng trong bối cảnh này cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế để cùng nhau ứng phó với các thách thức, cùng nhau phát triển.

Theo Thủ tướng, hai nước và các doanh nghiệp hai nước cần phải có cách tiếp cận này. Còn đối với các doanh nghiệp Thủ tướng chỉ rõ 3 yếu tố cần có là: thời gian, trí tuệ, quyết đoán đúng lúc.

Nói về các chính sách của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện và đi lên XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; mọi chính sách đều hướng tới người dân.

Nói về đường lối phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam xác định đi lên xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 trụ cột chính, và đang thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược để đất nước Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới, giàu mạnh và thịnh vượng, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Thủ tướng, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng chính sách ổn định, ngày càng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận với thông lệ quốc tế, nỗ lực chuẩn bị các điều kiện và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó các doanh nghiệp Hoa Kỳ; đề nghị Hoa Kỳ xoá bỏ một số rào cản, cấm vận đối với Việt Nam, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện cho hai nước, doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển, vì lợi ích chung của hai nước, nhân dân hai nước.

Với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng mới, góp phần mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam; các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm phát triển các dự án đầu tư quy mô lớn hơn, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn để tạo đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; đầu tư tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị cho Việt Nam.

Trên tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả cân đong đo đếm được”, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ có các chương trình, dự án cụ thể, mang lại lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quan hệ hai nước; tin tưởng doanh nghiệp hai nước sẽ là nguồn sức mạnh khai phá tiềm năng không giới hạn đó, để quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ mang tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên giá trị mới, mang lại lợi ích chung thiết thực hơn nữa cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top