Trước hết, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay (thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến 13 dự án luật) và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Trải qua Đợt 1 với 20 ngày làm việc, trong đó có Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy, chương trình nghị sự đang diễn ra theo đúng yêu cầu đổi mới, kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật ngày càng được thể hiện rõ, khi các góp ý của đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành đạt kết quả cao nhất trong thời gian tới.
Chính vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhiều dự thảo luật đã giảm đáng kể các điều, khoản. Ví dụ như Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm 9 điều; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu giảm 6 điều; Luật Việc làm (sửa đổi) giảm 36 điều; Luật Nhà giáo giảm 21 điều... Đúng như lãnh đạo Quốc hội khẳng định, luật sẽ dần ngắn gọn, song vẫn vừa đảm bảo quản lý tốt, vừa tạo không gian sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.
Không khí các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và các dự án luật, dự thảo nghị quyết cũng như giám sát diễn ra dân chủ, thẳng thắn, phản ánh kịp thời, khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn đặt ra. Riêng phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày có 136 ý kiến chất vấn, 18 ý kiến tranh luận, còn khoảng 80 đại biểu chưa được chất vấn trực tiếp.
Kết thúc Đợt 1, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về công tác nhân sự, 3 nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước; cho ý kiến đối với 19/22 dự án luật, dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Quốc hội nghỉ họp 1 tuần (từ 14-19/11), song Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội vẫn phải làm việc xuyên suốt khi hàng loạt vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong các phiên thảo luận hội trường, thảo luận tổ cần được cơ quan thẩm tra và cùng cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, giải trình.
Qua 3 ngày làm việc của Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, chỉnh lý 9 dự thảo luật để báo cáo Quốc hội tại Đợt 2 của kỳ họp. Nhiều nội dung được thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc, quyết định, như thống nhất trình Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Xử lý vi phạm hành chính vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia, đồng thời sửa đổi tên gọi của luật.
Và nếu được Quốc hội đồng tình, dự thảo luật trên từ “1 luật sửa 7 luật” sẽ thành "1 luật sửa 9 luật" để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy định, đảm bảo tính khả thi khi triển khai trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội quyết định vào ngày 28/11 tới đây; thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố và xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.
Các đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ ấn nút biểu quyết nhiều nội dung rất quan trọng tại Đợt 2 Kỳ họp thứ 8
Điểm nhấn tại Đợt 2 của kỳ họp thứ 8 chính là việc Quốc hội biểu quyết thông qua hàng loạt dự án luật, nghị quyết. Trong đó nhiều dự án luật được xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp (thay vì 2 kỳ họp như thông lệ) như: 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, 1 luật sửa 9 luật về kinh tế, Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), với nhiều đề xuất được đánh giá là đột phá, nhằm kịp thời tăng phân cấp, giảm thủ tục, gỡ khó cho đầu tư, kinh doanh.
Hay thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự...
Tất nhiên, đại biểu Quốc hội chỉ ấn nút tán thành những nội dung đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng, sau quá trình thảo luận, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật một cách trách nhiệm, chặt chẽ, thuyết phục nhưng cũng không cầu toàn.
Cử tri, nhân dân tin tưởng và chờ đợi những quyết sách trên tinh thần đổi mới từ Quốc hội.