Đợt một của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khép lại. Những gì diễn ra tại Kỳ họp cho thấy trách nhiệm cao trước Đảng, Nhân dân, đòi hỏi của cuộc sống, sự phát triển của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc của các vị đại biểu Quốc hội.
Đúng như phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực, khắc phục điểm nghẽn, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm đời sống của Nhân dân”; và yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài phát biểu tại phiên khai mạc: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội”.
Nói vậy vì, đa số cử tri và Nhân dân cho biết, qua theo dõi các phiên họp trên các kênh thông tin, nhất là những phiên được truyền hình trực tiếp, thấy các phiên họp thể hiện rõ tinh thần đổi mới mạnh mẽ về nhiều mặt, nhất là việc khống chế thời gian phát biểu, thời gian đặt câu hỏi, thời gian trả lời, nhằm tăng lượng đại biểu được tham gia; các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ nhiều nút thắt của thể chế khi thực hiện công tác giám sát hay khi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; chất vấn và trả lời chất vấn, như: sự chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các quy định của pháp luật; chưa rõ sự phân cấp, phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; chưa bám sát thực tiễn nên không ít luật chưa vào cuộc sống đã phải chỉnh sửa; việc hiện thực hoá giải pháp tạo chuyển động thực tế còn chậm; hệ thống thể chế chưa đồng bộ là một nguyên nhân khiến một bộ phận công chức đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, gây mất niềm tin trong Nhân dân… Đồng thời, không ít đại biểu có những kiến nghị, đề xuất giải pháp sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Trong khuôn khổ có hạn, Kinh tế nông thôn trích dẫn một số ý kiến.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh): "Cần đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch..."
Trong ảnh: Chế biến dừa tươi xuất khẩu tại Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát (Chợ Gạo - Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động, quyết liệt của Chính phủ nhưng cho rằng, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn…
Đại biểu Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) cho biết, mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế về các điều kiện kinh doanh…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. “Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội, điều kiện thiên nhiên, v.v.. Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu vấn đề năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề cần được Chính phủ quan tâm nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, tăng trưởng gần 7%/năm, nhưng chúng ta chưa đạt được yếu tố bền vững vì vẫn dựa vào động lực từ FDI. Nếu muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững, cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước. “Nguồn FDI là cơ hội để tăng trưởng, nhưng không phải là động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình sắp tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ lo ngại trước tốc độ giảm của đầu tư tư nhân. Theo ông, đây là nghịch lý. “Doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân có thể không cần tiền, họ rất cần cơ chế. Theo tôi, vướng mắc ở đây chính là thủ tục”, ông nói và đề nghị làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân vào nền kinh tế.
Hay tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Đào An (Phú Yên) đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ở mức cao để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh bởi “thực tiễn còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần “chuyển từ nâu sang xanh” nhưng có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh”…
Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và quản lý vàng hiệu quả, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông: Đâu là giải pháp để phát triển đầu tư vào hạ tầng số mới, ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý hạ tầng số?
Để y tế cơ sở phục vụ tốt công tác khám - chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết giải pháp thu hút, giữ chân bác sĩ, y tá cho trạm y tế cấp xã.
Thời gian của kế hoạch 2021 -2025 không còn dài, mục tiêu chúng ta đã xác định tại Đại hội XIII là không thể thay đổi. Bởi vậy, đòi hỏi tăng tốc là rất lớn mà muốn tăng tốc thì rào cản phải được gỡ bỏ nhanh.
Xin được dùng câu nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn làm câu kết cho bài viết: “Đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.