Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024 | 16:28

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới, tạo lực lượng sản xuất mới

Chiều 27/11, tại Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - TECHFEST Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới, tạo lực lượng sản xuất mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đại diện các nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện các viện, trường, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, TECHFEST Việt Nam năm 2024 là cột mốc quan trọng đánh dấu hành trình 10 năm phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, hướng tới đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp tục tiến mạnh, vươn ra khu vực và toàn cầu.

Nhìn lại một thập kỷ vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Năm 2024, Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương). 

"Nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định và vươn ra thế giới", Bộ trưởng cho biết.

Trong quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng: Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới, tạo lực lượng sản xuất mới- Ảnh 2.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: TECHFEST Việt Nam năm 2024 là cột mốc quan trọng đánh dấu hành trình 10 năm phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam tăng 2 bậc trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, xếp thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên ghi nhận Chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo dẫn đầu.

Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục khởi sắc, với Chỉ số số thương vụ đầu tư mạo hiểm cải thiện từ hạng 77 (năm 2022) lên hạng 50 (năm 2024) và Chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ hạng 54 (năm 2021) lên vị trí 44 (năm 2024).

Bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2024 nổi bật với khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Cả nước có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung, 208 quỹ đầu tư, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 79 cơ sở ươm tạo, và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành tại các địa phương và trên toàn quốc. Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.

Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200, thành phố Đà Nẵng lọt top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hải Phòng cùng các bộ, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ tổ chức sự kiện quan trọng này.

Đây là năm thứ 10 TECHFEST được tổ chức, trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự 4 lần, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời đánh giá cao phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.

Thủ tướng: Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới, tạo lực lượng sản xuất mới- Ảnh 3.

 

Ông Lim Jungwook, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Khởi nghiệp Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc và hoạt động hỗ trợ, hợp tác hệ sinh thái khởi nghiệp giữa Hàn Quốc và Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chia sẻ về những nguyên nhân phải phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng phân tích, khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá, thậm chí kiến tạo những thị trường mới, ngành, lĩnh vực mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới, lực lượng sản xuất mới.

Khởi nghiệp sáng tạo là một đột phá cần thiết để khai thác có hiệu quả những tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

"Khởi nghiệp sáng tạo để bứt phá, vượt qua chính mình, để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại, là yếu tố đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khởi nghiệp sáng tạo để hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam", Thủ tướng nói.

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo là động lực mới cho phát triển trong kỷ nguyên mới, tạo ra lực lượng sản xuất mới", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 yếu tố rất quan trọng để thực hiện thành công các công việc là thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời để không bỏ lỡ thời cơ. Việt Nam là nước đi sau, vừa có cơ hội, vừa có thách thức, nhưng khát vọng của chúng ta là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. Đổi mới sáng tạo có những rủi ro, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, phải vượt qua chính mình.

Thủ tướng: Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới, tạo lực lượng sản xuất mới- Ảnh 4.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khởi nghiệp sáng tạo là một đột phá cần thiết để khai thác có hiệu quả những tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững.

Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra phương hướng: Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã đạt những kết quả quan trọng, như có những công ty kỳ lân, hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả quan trọng bước đầu mà các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mới ở giai đoạn hình thành, còn thiếu nguồn lực để có thể tăng tốc và phát triển mạnh mẽ (trong đó thiếu nguồn lực hỗ trợ trong mua sắm, sử dụng sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo ở cả phạm vi quốc gia và địa phương…).

Còn chậm đổi mới tư duy, chưa tạo đột phá trong xây dựng pháp lý cho phép thử nghiệm thị trường đối với các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Nội hàm, khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn chưa được chuẩn hóa, gây khó khăn trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi.

Chưa nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Không gian, cơ sở hạ tầng về thí điểm, thử nghiệm công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới.

Thủ tướng: Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới, tạo lực lượng sản xuất mới- Ảnh 5.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc TECHFEST Việt Nam năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phân tích một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng cần có liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo phát triển, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước; các viện, trường đào tạo nhân lực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo, cho khởi nghiệp; doanh nghiệp hỗ trợ, đặt hàng, tạo môi trường phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cần có tư duy đột phá, chấp nhận rủi ro, dám nghĩ, dám làm trong thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".

Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dẫn dắt, hỗ trợ hiệu quả xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Phải hình thành thị trường cho đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò mạnh mẽ vai trò của các mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế, chính sách chấp nhận rủi ro, giải phóng nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

3 yêu cầu chủ đạo với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia

Theo Thủ tướng, thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, phức tạp và khi tình hình thay đổi thì tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, xử lý công việc cũng phải thay đổi phù hợp. Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

"Thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn, cơ hội cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nói chung. Đây cũng là cơ hội để bứt phá, vươn mình, thể hiện trí tuệ Việt Nam, tinh thần Việt Nam, con người Việt Nam", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, 3 yêu cầu chủ đạo đặt ra đối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là: Thu hút được các nguồn lực từ các tập đoàn quốc tế, quốc gia cho khởi nghiệp sáng tạo; nuôi dưỡng và phát triển nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới; tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn diện, bao trùm, bền vững.

Thủ tướng: Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới, tạo lực lượng sản xuất mới- Ảnh 6.

 

2024 là năm thứ 10 TECHFEST được tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về quan điểm định hướng, khởi nghiệp sáng tạo cần phải có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Khởi nghiệp sáng tạo cần có tư duy mới, nhận thức mới, cách làm mới. Phải có tư duy hỗ trợ, thay vì không quản được thì cấm. Phải có tư duy hợp tác phát triển, thay vì xin cho. Phải có tư duy dài hạn, vì lợi ích chung, lâu dài, thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt.

Khởi nghiệp sáng tạo cần phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, dám tiên phong, dám hành động, vượt lên chính mình, dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước, trong đó có lợi ích của mình.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phải là một trụ cột quan trọng để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá về thể chế thúc đẩy mô hình kinh doanh mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phải là môi trường nuôi dưỡng, đào tạo thế hệ doanh nhân công nghệ tương lai. Tinh thần đặt ra là: "Đổi mới để bay cao; sáng tạo để vươn xa; hội nhập để phát triển".

Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, hướng đi cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, trong đó tập trung cho các lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, blockchain, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…

Cùng với đó, bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các phong trào khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường, "sàn giao dịch" cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo.

Một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, có cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; khẩn trương xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ ban hành Nghị định về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 94/2020 về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (hoàn thành trong tháng 12/2024).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tích hợp khởi nghiệp sáng tạo vào các chương trình đào tạo và giảng dạy, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ tham gia.

Bộ Ngoại giao cần phát huy vai trò cầu nối quốc tế, mở rộng mạng lưới kết nối tri thức toàn cầu, đặc biệt là huy động sự tham gia của cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài, trí thức người nước ngoài ở Việt Nam; Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu chính sách visa phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan chú trọng chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn phong phú, xu hướng toàn cầu của các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo để ứng phó phù hợp. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động và tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực một cách bài bản và có trọng tâm, trọng điểm.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (linh hoạt ứng dụng chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương).

Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sáng tạo, mô hình phù hợp để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhất là tiếp cận nguồn tài chính, phòng thí nghiệm, mạng lưới chuyên gia, cố vấn trong nước, quốc tế…

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân tích cực tham gia một cách thiết thực, cụ thể các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam sớm theo kịp các nước trong khu vực, trên thế giới. Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần phải là một "hạt nhân đổi mới" góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng đề nghị các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trường đại học…) phát huy vai trò là cầu nối, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nguồn lực (vốn đầu tư, cố vấn chuyên môn, mạng lưới chuyên gia, thị trường). Cập nhật liên tục những mô hình hỗ trợ tiên tiến, ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn trong việc đánh giá, phát triển và theo dõi các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến mở rộng quy mô và vươn ra quốc tế, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ cam kết đồng hành, giữ vai trò kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Trong đó, chính sách phải ổn định, lâu dài cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư; xây dựng mô hình quản lý tập trung với một đầu mối, bảo đảm quy trình thuận lợi, tránh phiền hà, sách nhiễu cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo thị trường, thúc đẩy cung cầu cho đổi mới sáng tạo. Xây dựng chính sách hỗ trợ về nhà ở, visa, đi lại, vốn ưu đãi… cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng các quy định về huy động vốn như thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

"Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công", Thủ tướng phát biểu và đề nghị các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn nữa cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với phương châm "3 chung": "chung sức đồng lòng", "chung tay hành động", "chung hưởng thành quả".

Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo, dám vượt qua chính mình", đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, thực hiện khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, Thủ tướng tin tưởng rằng cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại, không có khó khăn, trở ngại nào mà không vượt qua; với động lực mạnh mẽ, nhiệt huyết, niềm tin và đam mê cháy bỏng; tạo nên những "kỳ lân" tầm cỡ khu vực và thế giới; đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa về khởi nghiệp sáng tạo; góp phần đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top