Là Hội đặc thù được tỉnh hỗ trợ thông qua giao chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm, Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn (SVC&LV) tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, sâu sát hội viên và Hội cơ sở, từ đó có sự chỉ đạo cũng như tháo gỡ kịp thời khó khăn, giúp các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành công việc được giao, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá và môi trường sinh thái.
Củng cố, phát triển tổ chức Hội
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh Phú Thọ Hoàng Văn Tiến cho biết, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, hội viên nắm bắt kịp thời định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt là các chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Luật Đất đai 2024…
Song song đó, Hội tập trung tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, các mô hình làm kinh tế giỏi, đặc biệt là các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao để hội viên học tập và làm theo.
Ngoài ra, Thường trực tỉnh Hội còn quan tâm, coi trọng củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động Hội.
Đến nay, Hội SVC&LV tỉnh Phú Thọ có 16 Hội cấp huyện, 3 câu lạc bộ trực thuộc, với 15.255 hội viên, trong đó có trên 13.000 hội viên làm vườn và 2.253 hội viên SVC.
Hội SVC&LV thành phố Việt Trì trưng bày SVC năm 2023.
Chú trọng công tác chuyên môn, quảng bá sản phẩm
Ông Tiến cho biết, các mô hình phát triển kinh tế vườn tiếp tục được duy trì và có bước phát triển mới đa dạng, phong phú. Các mô hình trang trại, gia trại tiếp tục phát triển, hiện nay có 360 trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó có 160 trang trại tổng hợp, 152 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại thủy sản, 5 trang trại lâm nghiệp, 16 trang trại trồng trọt.Ngoài ra, Hội còn xây dựng mô hình vườn cây ăn quả theo quy hoạch của tỉnh, như bưởi Diễn tại Thanh Sơn, Tam Nông, Yên Lập…; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đào cảnh cho 30 học viên tại thị xã Phú Thọ.
Các hoạt động giao lưu, trưng bày giới thiệu triển lãm SVC được tổ chức thường xuyên vào các dịp Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng với nhiều sản phẩm, tác phẩm phong phú, đa dạng. Riêng dịp Tết Giáp Thìn 2024, Hội đã phối hợp tổ chức trưng bày giới thiệu dịch vụ 2 gian hàng hoa lan hồ điệp, 1 gian hàng hoa đào tại Hội chợ hoa xuân. Hội phối hợp với Hội SVC&LV huyện Thanh Thủy tổ chức trưng bày SVC và các sản phẩm nghề vườn tại Đền Lăng Sương và tham gia gian hàng triển lãm sinh vật cảnh tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Đặc biệt, Hội phối hợp với Câu lạc bộ Hoa lan toàn quốc tổ chức thành công cuộc trưng bày và vinh danh gần 100 nhà vườn hoa lan tiêu biểu trong toàn quốc nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2024.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ tỉnh tổ chức nghiệm thu đánh giá, quyết toán đề tài khoa học cấp cơ sở, trồng thử nghiệm giống hoa đào mới trên địa bàn xã Trưng Vương (TP. Việt Trì). Qua đánh giá, các loại đào phát triển khá tốt, đầu năm 2024 thu hoạch đạt 80%, được khách hàng đến tham quan và tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mang lại giá trị thu nhập cao cho hộ thực hiện đề tài.
Hội SVC&LV tỉnh Phú Thọ triển lãm hoa phong lan phi điệp 5 cánh trắng Đất Tổ Hùng Vương trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, hệ thống tổ chức của Hội SVC&LV tỉnh Phú Thọ được tăng cường củng cố, nội dung hoạt động đúng hướng, các hoạt động bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh và của các địa phương để vận động hội viên thực hiện. Hoạt động của Hội đã có nề nếp, triển khai nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả.
Nhiều mô hình SVC và làm vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần triển khai thực hiện 4 chương trình nông nghiệp trọng điểm và 4 chương trình nông nghiệp khuyến khích của tỉnh, các chủ hộ có nhiều đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 136 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức Hội có nơi vẫn còn lúng túng và chậm. Đội ngũ cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở còn một số kiêm nhiệm. Tổ chức các phong trào hoạt động ở một số nơi còn thiếu phong phú nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Việc phối hợp với một số ban, ngành liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn có một số hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Hoạt động làm vườn ở một số nơi cũng còn bất cập, các mô hình VAC chưa được nhân rộng. Vườn của nhiều hội viên và nhiều gia đình vẫn là vườn tạp, đất đai sử dụng chưa hiệu quả.
Nhiều mô hình làm vườn, trang trại, gia trại không dám đầu tư mở rộng và phát triển, do vướng vào cơ chế cho phép về thời gian hợp đồng giao quyền sử dụng đất của chính quyền các cấp (cấp xã/phường chỉ cho ký hợp đồng 1 năm).
Các cấp Hội chưa tập trung chỉ đạo hội viên phát triển toàn diện các loại hình SVC mà chỉ tập trung phát triển cây cảnh nghệ thuật, chưa chú trọng phát triển các loại hoa và cây cảnh phổ thông để phù hợp với đa số người chơi. Trình độ tay nghề làm cây cảnh nghệ thuật chưa nhiều và chưa cao.
Nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Hoàng Văn Tiến cho biết, Hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, đặc biệt là triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT- BNNPTNT-HLV về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2023-2030, Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh phú Thọ nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đồng thời tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các mô hình điển hình tiên tiến, các tấm gương tiêu biểu trong tổ chức Hội, làm VAC và SVC để hội viên học tập và làm theo.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp, động viên hội viên tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, giảm dần các hình thức sản xuất truyền thống, tập trung chỉ đạo phát triển đa dạng hóa các loại hoa cây cảnh phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, tích cực tham gia giao lưu trưng bày SVC do các tỉnh, thành và Trung ương Hội SVC Việt Nam tổ chức.
Nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng dạy nghề, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, các cơ sở dạy nghề, làm tốt công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề gắn với xây dựng các mô hình đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.