Tại buổi kiểm tra công tác khắc phục sau mưa lũ tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần chủ động trong phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả của cấp ủy, chính quyền tỉnh này.
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).
Ngày 26/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thăm, tặng quà cho các đơn vị, hộ gia đình bị ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lang Chánh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tới điểm sạt lở đất gây hư hỏng trường học tại Trường THCS Lâm Phú. Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở đồi đất khu vực trường và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
“Thực hiện rào chắn, cắm mốc quan trắc và biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở. Không cho người và phương tiện đi vào khu vực sạt lở và có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở, nhất là khi xảy ra mưa lớn. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn cùng với đối ứng của tỉnh sớm đầu tư xây dựng Trường THCS Lâm Phú để thầy trò nhà trường có nơi dạy và học kiên cố” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đoàn công tác Chính phủ kiểm tra kết quả khắc phục sự cố ở đê tả sông Mã đoạn qua xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc.
Đến thăm và kiểm tra kết quả xử lý sự cố cống Nổ Thôn đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù tuyến đê vẫn an toàn, nhưng Thanh Hóa cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm, chủ động hơn nữa phòng chống thiên tai trong thời gian tới. Những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ đê điều vượt khả năng của tỉnh, cần báo cáo Trung ương để có biện pháp xử lý, khắc phục.
Tại đây, Phó Thủ tướng giao Thanh Hóa khẩn trương triển khai phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão công trình đã được xây dựng, phê duyệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê tả sông Mã. Đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan, công sở bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp bảo đảm an toàn cho tuyến đê.
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà cho các hộ dân thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành - Thanh Hóa).
Sau buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng đã đến thăm và tặng quà cho các hộ dân thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua và mong người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương, sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Thanh Hóa nghiên cứu mô hình nhà ở chống lũ giúp người dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần chủ động trong phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả ngập lụt sau bão của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, chỉ đạo các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa tích cực hỗ trợ người dân khắc phục sau ngập lụt như vấn đề nước uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, dịch bệnh... khôi phục sản xuất.
Do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 nên từ ngày 6 - 23/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn diện rộng. Mưa lớn trên địa bàn tỉnh kết hợp với lũ từ thượng nguồn gây ra một đợt lũ ở các triền sông trên địa bàn tỉnh, gây ngập lụt nhiều khu vực trũng thấp, sạt lở tại nhiều vị trí. Trong tháng 9/2024, mưa lũ tại Thanh Hóa đã làm 1 người chết, 2 người bị thương; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông... khoảng 430 tỉ đồng. Riêng đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4 vẫn chưa ước tính được thiệt hại do vẫn còn lũ, ngập lụt. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.