Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (2/3), vấn đề tiêu thụ hàng hóa trong vùng dịch, nhất là hàng nông sản đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương giải đáp.
Tại phiên họp, phóng viên thắc mắc: Bộ Công Thương mới ban hành văn bản hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ở vùng dịch, trong văn bản có nêu nội dung khi cần thiết chỉ định các cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt tại các địa phương đang có dịch) để cấp giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch. Tại sao Bộ không quy định rõ trường hợp nào là cần thiết và chỉ định? Chúng ta đã thấy bài học ở Hải Dương, việc không rõ quy trình, quy định khiến việc áp dụng ở mỗi nơi không đồng nhất.
Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thời gian vừa qua, Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng xấu tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, ngày 28/1/2021, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-CP về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn, nghĩa là quyền các địa phương mà trực tiếp ở đây là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rất cao và họ có quyền chủ động tùy theo tình hình của chính địa bàn và địa phương mình để đưa ra những quyết định và áp dụng các biện pháp.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương, các bộ ngành, doanh nghiệp đã rất quyết liệt hành động và đáng mừng là đến nay đã bước đầu ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng như kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp, ở một mức mà chúng ta chấp nhận được.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do một số địa phương vì quá chú trọng đến công tác phòng chống dịch nên đã ban hành một số văn bản mà theo dư luận đánh giá là chưa linh hoạt, thậm chí chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là phòng chống dịch nhưng vẫn phải bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, gây một số khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong việc lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản, những hàng hóa đến vụ thu hoạch và có sản lượng cao tại một số vùng đang có dịch, như Hải Dương.
Trước khó khăn đó, Bộ Công Thương đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước, các doanh nghiệp lớn, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Như hệ thống phân phối Centra Group, BRG Retail, chuỗi siêu thị Coop Mart… đã hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm, trong đó có nông sản.
Bộ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị, địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ vùng đang có dịch.
Ngày 21/2, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó nêu rõ nguyên nhân của việc này, ách tắc ở đâu, đề xuất từng việc mà các bộ, ngành địa phương cần làm. Sau đó, Thủ tướng đã có văn bản 1193 ngày 24/2 đồng ý với đề xuất Bộ Công Thương và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương.
Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vận chuyển, lưu thông phân phối hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 (Thông báo số 31 ngày 25/2/2021 của VPCP) giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch.
Ngay sau khi nhận được văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, chúng tôi đã làm ngay trong ngày thứ 7, Chủ nhật và hôm qua (1/3) cũng có buổi làm việc trực tuyến với Hải Dương, Hải Phòng, các bộ ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để bàn rất kỹ về dự thảo văn bản này. Chiều ngày 1/3, văn bản đã được ban hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, được sự đồng thuận cao của các địa phương cũng như doanh nghiệp.
Vấn đề khi cần thiết, các UBND tỉnh, thành phố chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt tại các địa phương đang có dịch) cấp giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch thì căn cứ vào đâu, cần thiết là như thế nào? Ở các địa phương đều có các cơ quan chuyên môn liên quan đến vấn đề này như y tế, nông nghiệp (sản xuất), công thương (phân phối lưu thông), giao thông vận tải (vận chuyển hàng hóa) và Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT cần ban hành sớm quy chế.
Còn nếu địa phương thấy rằng không cần chỉ định bất cứ đầu mối nào mà hoạt động hiệu quả thì địa phương hoàn toàn có quyền chủ động không thành lập đầu mối. Nhưng thấy rằng một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến thu mua sản phẩm trong vùng dịch mà gặp đến 3,4 đầu mối thì địa phương có quyền chủ động chỉ định một đầu mối, có thể là một sở, ban ngành nào đó, thậm chí là Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh, hoặc là một tổ liên ngành có nhiều đại diện của các cơ quan để tháo gỡ khó khăn cho người mong muốn thu mua, hỗ trợ họ khi gặp khó khăn và hỗ trợ cho người nông dân, người sản xuất tiêu thụ được sản phẩm. Địa phương có quyền chủ động và được giao thẩm quyền quyết định thành lập đầu mối hay không.
Hiện, chúng ta cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong vùng có dịch vì đang đến mùa thu hoạch với sản lượng lớn trên cả nước trong khi cầu giảm đi do các bếp ăn chưa hoạt động, sinh viên chưa đi học, công nhân nhiều nơi còn nghỉ... nên giữa cung và cầu chắc chắn xảy ra việc dư thừa. Do đó, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định của y tế phòng chống dịch.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng có yêu cầu Bộ ban hành quy chế đảm bảo an toàn phòng chống dịch đối với hoạt động vận tải đi lại, hàng hóa. Bộ đã ban hành chưa? Nếu chưa dự kiến khi nào ban hành?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay: Về quy chế hướng dẫn bảo đảm an toàn lưu thông trong phòng chống dịch, về vận chuyển hàng hóa trong 5 lĩnh vực khi có dịch Covid-19 xảy ra, Bộ đã triển khai quyết liệt Chỉ thị 11 và Chỉ thị 84 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm phòng chống dịch, bảo đảm vận chuyển hàng hóa, bảo đảm an toàn phát triển kinh tế nói chung.
Sau khi xảy ra dịch ở Hải Dương, vận chuyển hàng hóa, bà con đi lại khó khăn, ban đầu do nặng về chống dịch nên chưa chủ động. Sau đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT ban hành quy định hướng dẫn bảo đảm an toàn lưu thông trong phòng chống dịch.
Do quy định này liên quan đến nhiều Bộ Y tế, hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Y tế để ra quy chế hướng dẫn và sẽ cố gắng hoàn thành sớm.
Bộ Công Thương hướng dẫn thu mua, tiêu thụ nông sản vùng có dịch Bộ Công Thương vừa ban hành văn bản hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch. Văn bản nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25/2/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của các địa phương đang có dịch), nhằm bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản trên địa bàn như sau:
Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc gửi Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) để xử lý hoặc tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.