Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 9 năm 2021 | 10:7

Tuyên Quang chủ động nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Để chủ động ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động rà soát nắm bắt tình hình sản xuất, xây dựng phương án tiêu thụ.

Nhiều tổ chức, đoàn thể đã chung tay tiêu thụ nông sản cho người dân.

1.jpg
Đông đảo hội viên Hội Nông dân và nhân dân tham gia tiêu thụ nhiều tấn na cho người sản xuất.

 

Tiêu thụ nông sản gặp khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản trong tháng 7/2021 không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, nhưng một số sản phẩm như: chè, chuối tiêu tiêu thụ chậm hơn so với thời gian trước. Nguyên nhân là do giá cước vận chuyển tăng cao, một số nước trên thế giới đóng cửa để phòng dịch.

Dự báo, từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, một số sản phẩm nông sản chủ lực của Tuyên Quang sẽ bước vào thu hoạch với sản lượng lớn như: Na trên 2.320 tấn, cam trên 95.530 tấn, bưởi trên 30.820 tấn, trong khi mức tiêu thụ trong tỉnh đạt bình quân 40% tổng sản lượng. Do vậy, dự báo sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Riêng sản phẩm chè, hiện tồn kho ước hàng nghìn tấn, lớn nhất từ trước đến nay.

Yên Sơn là huyện có diện tích cây ăn quả lớn, năm 2021 đạt trên 5.400ha, trong đó, nhãn 283 ha, sản lượng 1.500 tấn; cam 570ha, sản lượng 2.716 tấn; bưởi 4.125ha, sản lượng  21.817 tấn; na 278 ha, sản lượng 1.960 tấn....

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phương tiện lưu thông khó khăn, kéo theo  nông sản tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Gần đây, thị trường tiêu thụ nông sản truyền thống Trung Quốc thông báo tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác, khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này gặp khó.

Vụ nhãn 2021, xã Thái Bình (Yên Sơn) đạt hơn 1.000 tấn, tăng 15% so với vụ nhãn năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch, việc thông thương giữa các tỉnh bị thắt chặt khiến nhãn ở đây khó tiêu thụ, giá giảm. Có thời điểm, giá nhãn loại A còn 15.000 đồng/kg, loại xấu hơn giá 7.000 đồng/kg và thấp nhất là 3.000 đồng đồng/kg. Đã có hộ không muốn thu hoạch vì tiền bán nhãn không đủ thuê người hái.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo quyết liệt  

Để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố nắm bắt sản lượng, chất lượng, hướng dẫn quy trình sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ… để có sản phẩm nông nghiệp tốt.

Sở Công Thương chủ trì đề xuất phương án tiêu thụ nông sản, chủ động làm việc với các đơn vị phân phối, Sở Công Thương các tỉnh, đặc biệt Sở Công Thương Hà Nội, để đưa các sản phẩm nông sản vào hệ thống siêu thị. Phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong quá trình tiêu thụ nông sản. Phối hợp với Hội Nông dân phát động phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang”.

Để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam, huyện Hàm Yên đang xây dựng các phương án tiêu thụ. Trong đó, phối hợp, liên kết tiêu thụ nội tỉnh khoảng 17% sản lượng; tiêu thụ qua các thương lái, các chợ đầu mối tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh 46%; đưa vào hệ thống các các siêu thị, các sàn TMĐT khoảng 5,2% và tiêu thụ trên các kênh khác.

Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch sớm đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng lên sàn thương mại điện tử (TMĐT); trước mắt đưa sản phẩm cam, bưởi, na lên sàn điện tử Voso và Postmart để tiêu thụ nông sản cho người dân. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kêu gọi các doanh nhân trong và ngoài tỉnh giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức sản xuất bao bì, mang đặc trưng của tỉnh. UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động để người dân chăm sóc vùng nông sản đạt sản phẩm chất lượng; có kế hoạch tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19, nắm chắc số lượng, sản lượng để cân đối thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh…

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang, cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ HTX Sơn Trà (Na Hang), Công ty CP Cam sành Hàm Yên và HTX nuôi ong Phong Thổ để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong thời gian sớm nhất. Đây chính là lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường.

Riêng với 2 sản phẩm bưởi, cam, Sở sẽ phối hợp với ngành Công Thương, Bưu điện tỉnh làm việc, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX hoàn thiện các thủ tục, cải tiến bao bì, mẫu mã, có phương án điều hành phân phối để ngay khi sản phẩm vào vụ sẽ đăng ký vào gian hàng Việt trực tuyến quốc gia trên sàn TMĐT Postmart hoặc các sàn TMĐT khác như: Voso.vn, Sendo.vn...

2.jpgHàng chục tấn nhãn của người dân xã Thái Bình được các doanh nghiệp, HTX hỗ trợ tiêu thụ.

 

Linh động nhiều giải pháp

Hiện, ngành Nông nghiệp nói riêng, cả hệ thống chính trị tỉnh Tuyên Quang nói chung đã và đang triển khai nhiều giải pháp giúp người dân tiêu thụ nông sản. Điển hình như Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang triển khai chương trình “Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch”, thực hiện mục tiêu kép “vừa sản xuất, vừa chống dịch” nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản na trên địa bàn huyện Yên Sơn. Chương trình thu hút đông đảo hội viên và nhân dân tham gia, nhiều tấn na đã được tiêu thụ.

Trong tháng 8, các doanh nghiệp, HTX đã hỗ trợ xã Thái Bình (Yên Sơn) tiêu thụ trên 30 tấn nhãn, sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang có văn bản kêu gọi chung tay tiêu thụ nông sản cho bà con. Mới đây, Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình “Thanh niên Tuyên Quang - kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch”, nhiều tấn dưa lưới đã được tiêu thụ.

Ở kênh tiêu thụ khác, tuy sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh mới đưa lên sàn TMĐT Postmart nhưng có hiệu ứng tốt. Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX cho biết, chỉ tính riêng 2 ngày 8-9/8, HXT đã nhận được 15 đơn đặt hàng với số lượng từ 2 - 3 kg/đơn, thậm chí có đơn lên đến 5kg. Với sức tiêu thụ như hiện nay, HTX hy vọng sẽ lấy lại đà tiêu thụ như trước đây.

Để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa mà vẫn an toàn dịch bệnh, HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) đã chuyển sang bán hàng thông qua website và các trang mạng xã hội. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó giám đốc HTX, cho biết, bán hàng qua mạng giúp HTX giảm công sức, thời gian, chi phí mà lượng sản phẩm vẫn tiêu thụ ổn định. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng bán qua kênh này tăng 3 - 4 lần so với bán hàng truyền thống.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top