Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên vẫn cùng hội viên, nông dân vượt qua khó khăn, tiêu thụ được hàng nghìn tấn nhãn.
Cái khó, ló cái khôn
Nhãn lồng Hưng Yên - đặc sản tiến Vua - có đặc điểm quả to, cùi dày giòn có gân, ráo nước, vị ngọt đậm, hương thanh mát riêng biệt. Mùa nhãn lồng Hưng Yên kéo dài từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9 hằng năm.
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, năm nay, sản lượng nhãn của tỉnh đạt hơn 50.000 tấn, trong đó lượng nhãn đạt chất lượng VietGAP khoảng 20.000 tấn.
Tuy nhiên, mùa thu hoạch nhãn lồng năm nay của tỉnh Hưng Yên đúng vào thời điểm nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì thế, việc thu hoạch và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Nhưng, cũng chính trong đại dịch, chính quyền, Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh cùng hội viên tìm cho mình “đường đi” mới.
Ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (TP. Hưng Yên), hội viên Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên cũng không thể tin được rằng, mùa nhãn năm nay, nhà vườn lại tiêu thụ được hết nhãn trồng theo quy trình VietGAP một cách ngoạn mục.
“Xã viên HTX “như ngồi trên đống lửa” khi vụ thu hoạch nhãn bắt đầu nhưng do dịch bệnh nên doanh nghiệp và thương lái không đến thu mua như mọi năm. Thật may, nhờ phối hợp với sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi livestream bán nhãn trên mạng xã hội. Những buổi livestream này giúp tiêu thụ hàng trăm tấn nhãn của xã viên”, ông Tám chia sẻ.
Theo ông Tám, giống nhãn được xã viên HTX lựa chọn trồng là loại nhãn đường, chất lượng quả rất cao và được chăm sóc theo quy trình VietGAP nên ra hoa sớm, giá bán cao gấp 3 - 4 lần nhãn chính vụ.
Chia sẻ với chúng tôi về vụ thu hoạch nhãn lồng năm nay, ông Trịnh Văn Cương (thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam) cho biết, từ bé đến giờ tôi mới chứng kiến một vụ nhãn khó tiêu thụ như năm nay. Bởi nhãn vào vụ thu hoạch, nhưng do phải thực hiện giãn cách xã hội nên không ai đến thu mua. Các gia đình cũng không thể vận chuyển nhãn đi các tỉnh, thành tiêu thụ được.
“Trong cái khó, ló cái khôn, chúng tôi lại có thể đưa quả nhãn lên sàn thương mại điện tử để bán và tiêu thụ rất nhanh”, ông Cương kể.
Ngoài livestream, Hưng Yên chính thức đưa loại quả đặc sản này lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Postmart, Sendo và Tiki… thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức. Với cách làm này, nhà vườn Hưng Yên có hàng nghìn đơn hàng với hàng nghìn tấn nhãn được tiêu thụ.
Được biết, đây là lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên được mở bán trên sàn thương mại điện tử; đồng thời cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đồng hành cùng hội viên
Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên BCH Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên về hoạt động của Hội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ông Cảnh cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Hội Làm vườn Việt Nam và UBND tỉnh Hưng Yên, Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên luôn đi sâu, đi sát đối với các cấp hội từ tỉnh xuống cơ sở. Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh, Hội không thể tổ chức được các lớp tập huấn trực tiếp để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nhưng vẫn tổ chức được một số buổi tham quan, giới thiệu những mô hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn.
Nói về việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, ông Cảnh chia sẻ, năm 2021, thực sự là năm khó khăn đối với nông dân cả nước, chứ không riêng gì Hưng Yên, mà người trồng nhãn lại có một khó khăn rất riêng. “Cả một năm vất vả, đầu tư tiền bạc, công sức, trông trời, trông đất, trông mưa cho cây nhãn, để mong có một mùa nhãn bội thu, thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Nguy cơ mất trắng là cầm chắc!”, ông Cảnh nói.
Vụ nhãn năm 2021 kết thúc, nhìn lại, ông Cảnh cho rằng, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh đối với các sở, ban, ngành để tìm đầu ra cho quả nhãn, không có sự vào cuộc và chung tay của doanh nghiệp, chính quyền các cấp thì không biết vụ nhãn năm nay người trồng nhãn sẽ như thế nào. Nhưng, thật sự vui mừng, nhãn được tiêu thụ hết và nông dân có thu nhập cao”.
Nhớ lại những ngày dịch bệnh bùng phát, ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc HTX Miền Thiết, Chủ tịch Hội Làm vườn và Nuôi ong huyện Khoái Châu, vẫn chưa hết lo lắng. Ông cho biết, ngay từ đầu năm, đứng trước tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, UBND huyện Khoái Châu và các ngành chức năng đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, cố gắng tìm đầu ra cho quả nhãn.
Bản thân ông, khi dịch bệnh bùng phát, để vận chuyển nhãn đi tiêu thụ vào đúng thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, phải trực tiếp cùng các cơ quan của huyện, làm việc với Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên thực hiện cấp thẻ luồng xanh cho phương tiện vận tải, làm việc với lái xe, chủ vườn, để thuận tiện cho việc vận chuyển nhãn đi tiêu thụ.
Đánh giá về vụ thu hoạch nhãn năm nay, ông Thế nói: “Đây thực sự là một vụ nhãn vô cùng khó khăn và vất vả, nhưng bằng mọi biện pháp chúng tôi đã đồng hành cùng xã viên HTX tiêu thụ được hết sản lượng nhãn. Từ đây mở ra hướng đi, cách làm mới”.
Hưng Yên hiện có 15 vùng trồng nhãn xuất khẩu; trong đó, có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (Khoái Châu); 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm: thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ. |
Theo ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên, năm 2021 thực sự rất khó khăn cho người trồng nhãn, nếu không nhận được sự giúp đỡ của UBND tỉnh và các bộ ngành liên quan, nông dân sẽ chịu tổn thất rất lớn. Song song với việc kết nối tiêu thụ sản phẩm; vận động hội viên, nông dân tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền địa phương, Hội còn giúp hội viên nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, tổ chức tham quan các mô hình làm kinh tế VAC giỏi”.
Sở Công Thương và Hội Làm vườn và Nuôi ong tỉnh Hưng Yên đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử đã góp phần quan trọng giải quyết bài toán về đầu ra cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng vừa thuận lợi, vừa bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch. Các sàn thương mại điện tử đã giúp cho quả nhãn Hưng Yên có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)