Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 8 năm 2021 | 11:26

Đẩy mạnh xây dựng mô hình kinh tế VAC: HLV Cao Bằng nâng tầm niềm đam mê làm vườn

Trải qua hơn 30 năm hoạt động, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Cao Bằng đã có những đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới.

Đời sống hội viên ngày một khá giả thông qua khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, các giống cây - con đặc sản.

 

123.JPG
Cán bộ HLV tỉnh Cao Bằng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây dẻ ghép cho hội viên Chi hội Làm vườn phường Ngọc Xuân (TP. Cao Bằng).

Trong giai đoạn hiện nay, dù chịu tác động của đại dịch Covid - 19 nhưng cán bộ, hội viên HLV tỉnh Cao Bằng vẫn đang cùng nhau vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất.

Hội của những người đam mê

Ghé thăm mô hình kinh tế vườn của ông Nguyễn Ngọc Vỹ ở xã Hồng Nam (Hòa An), chúng tôi tận mắt nhìn thấy nhiều loại cây ăn quả được trồng hợp lý và bố trí khoa học. Khu vực trồng bưởi, chanh, bơ, mít đều được tách riêng, mỗi loại cây một khu, nhiều loại cây đã đơm hoa kết trái. Mô hình kinh tế vườn của ông Vỹ đã mang lại thu nhập cho gia đình gần trăm triệu đồng và sẽ tăng lên vài trăm triệu trong những năm tới.

Ông Vỹ cho biết: “Gia đình vẫn sống ở thành phố Cao Bằng, tôi vào đây làm vườn đã được mấy năm, trước kia, tôi chủ yếu kinh doanh tại nhà. Từ năm 2015, tôi triển khai trồng chanh trên khu đồi rộng khoảng 20ha mượn của người thân trong gia đình.

Càng làm vườn, thấy càng đam mê. Để làm vườn đạt hiệu quả, tôi luôn tích cực học hỏi và tự nhủ phải chú trọng hơn nữa việc phát triển kinh tế vườn sao cho bài bản. Qua thử nghiệm trồng một số loài cây, tôi thấy vùng đất này rất hợp với các loại cây có múi. Bước đầu, tôi trồng 150 cây bưởi các loại, gồm bưởi da xanh, bưởi ruby, bưởi tiến vua, tất cả các giống bưởi đều sinh trưởng và phát triển tốt, có khoảng 100 cây bưởi đang cho quả.

Bên cạnh đó, tôi còn trồng thêm hàng chục cây bơ, một số cây đã cho quả, ăn thấy rất thơm ngon và nhiều thịt, hạt nhỏ. Năm 2017, tôi tham gia và sinh hoạt tại Chi hội Làm vườn tổ 5, phường Hòa Trung, thành phố Cao Bằng.

Tham gia  Hội Làm vườn, tôi không chỉ được giao lưu học hỏi mà còn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do HLV tỉnh và các đơn vị khuyến nông tổ chức. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng diện tích mít ta, mít Malaysia, mít Thái, tôi sẽ nuôi trâu nhằm tận dụng đất rộng và tạo phân hữu cơ tại chỗ để bón cho cây trồng. Như vậy, mô hình VAC sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn”.

Ông Phan Thái Cường, Chi hội trưởng Chi hội Làm vườn tổ 5, cho biết: Tổ hiện có 15 hội viên, đều ở thành phố Cao Bằng, với những mô hình kinh tế chủ yếu là VAC, thu nhập bình quân của đạt 40-45 triệu đồng/hội viên/năm. Đặc biệt, mô hình trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Ngọc Vỹ được đánh giá hiệu quả khá cao, có triển vọng, nhiều hội viên trong và ngoài Chi hội đang học tập, làm theo. Chi hội tôi có thể gọi là chi hội của những người đam mê làm vườn”.

Năng động trong đổi mới hình thức sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ông Lý Thanh Chiêu ở xã Đức Thông (Thạch An) đã vươn lên làm giàu với mô hình kinh tế vườn, rừng.

Ông Chiêu vừa chia sẻ: Năm 1987, tôi lập gia đình và được bố mẹ chia cho 5 ha đất rừng, khi ấy gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Ngoài làm nông nghiệp, tôi mua một vài cây quế về trồng. Sau đó tôi mở rộng diện tích trồng quế, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên vườn quế phát triển tốt. Đến nay, tôi đã trồng được trên 10 ha quế, trong đó có 5 ha đang cho thu hoạch. 

Ngoài tận dụng những mảnh đất ruộng, rẫy sẵn có của gia đình, ông Chiêu còn chuyển đổi và trồng hơn 2 ha thạch đen. Hằng năm thu hoạch 4 - 5 tấn cây thạch khô, giá bán 25 - 30 nghìn đồng/kg.

Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông Chiêu đạt 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Chiêu còn nhiệt tình tham gia công tác Hội. Hằng năm, ông giúp đỡ nhiều hội viên về cây giống, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc vườn cây...     

 

2.JPG
Cán bộ HLV tỉnh Cao Bằng hướng dẫn kỹ thuật ghép cây ăn quả cho hội viên
tại xã Tri Phương (Trùng Khánh).

 

Không ngừng phát triển

Ông Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch HLV tỉnh Cao Bằng, chia sẻ: Từ khi thành lập đến nay, hơn 30 năm qua, HLV tỉnh luôn chú trọng tới công tác phát triển hội viên, chuyển giao tiên bộ kỹ thuật và xây dựng các mô hình kinh tế  VAC phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội Làm vườn tỉnh đã thành lập mới 4 chi hội với 46 hội viên, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 4.422 hội viên, sinh hoạt tại 279 chi hội; củng cố 3 câu lạc bộ trực thuộc với 89 hội viên gồm: Câu lạc bộ nuôi ong mật Đề Thám; Câu lạc bộ kinh tế trang trại; Câu lạc bộ VAC Bạch Đằng.

Trong công tác truyền thông và chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội đã cấp phát trên 1.200 tờ rơi phổ biến về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng - vật nuôi; tổ chức 37 lớp tập huấn cho 1.800 lượt hội viên về kỹ thuật trồng cây ăn quả, nuôi ong, xây dựng các mô hình VAC tổng hợp; cung ứng 4.525 cây giống ăn quả các loại, trên 15.000 giống cây lâm nghiệp cho hội viên, hình thành vùng cây ăn quả tập trung.

Trung tâm Dịch vụ trực thuộc tỉnh Hội cung ứng nhiều vật tư kỹ thuật phục vụ các mô hình sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động hơn 30 năm qua, nhất là những năm gần đây, HLV Cao Bằng đã hỗ trợ các huyện Trà Lãnh, Thạch An, Nguyên Bình, Hòa An phát triển cây quýt đặc sản. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, HLV Việt Nam thử nghiệm giống lê VH6 tại huyện Nguyên Bình. Xây dựng và tổ chức phong trào nuôi ong, trồng mận Tam hoa, tuyển chọn, nhân giống dẻ Trùng Khánh. Nhờ phát triển VAC, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng trăm mô hình, gương cá nhân điển hình làm vườn giỏi, có thu nhập cao, được các ngành, các cấp biểu dương, khen thưởng.

Trong nhiệm kỳ VI (2020-2025), HLV tỉnh phấn đấu đến năm 2025, số xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội chiếm trên 65%; phát triển 105 Chi hội Làm vườn, trên 60 Chi hội hoạt động hiệu quả; phát triển 10% hội viên mới; mỗi huyện xây dựng ít nhất 2 mô hình VAC tiêu biểu trở lên/năm; tập trung phát triển mô hình kinh tế trang trại theo tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT; củng cố và phát triển tổ chức Hội từ cấp huyện đến cấp xã; nâng cao chất lượng mô hình câu lạc bộ trang trại, câu lạc bộ chuyên ngành giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phát động các phong trào thi đua về xây dựng Hội và phong trào làm kinh tế VAC…

Trước diễn biến khó lường do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Hội đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động. Theo đó, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội, các câu lạc bộ,  hội viên thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch: rửa tay thường xuyên, đúng cách; đeo khẩu trang; giữ khoảng cách an toàn; không tập trung đông người, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất... Sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để trao đổi công việc, chỉ đạo hội viên, tuyên truyền chống dịch, phát triển kinh tế... cũng như tiêu thụ sản phẩm.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Đó là thành quả mà ông Đàm Duy Từ, sinh năm 1963, ở xóm 10, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đạt được.

  • Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Với diện tích 2ha đất được trồng xen canh nhiều loại cây trồng được canh tác bài bản, khoa học giúp mỗi năm có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng.

  • “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    Sau nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương đã thuần hóa và nuôi thành công chồn hương - con nuôi tốn không nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc, từng bước mở rộng quy mô, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Top