Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động giao thương nông sản; tăng cường công tác kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ cụ thể.
Ba kịch bản tiêu thụ nông sản
Tỉnh Đồng Tháp yêu cầu, các mặt hàng nông sản của trong tỉnh được sản xuất, thu hoạch, chế biến và lưu thông, tiêu thụ phải đảm bảo nhanh, thuận lợi, an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh theo đúng quy định trong phòng, chống dịch. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành với các địa phương trồng nông sản, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ; đảm bảo thuận lợi, linh hoạt, chủ động, phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, phạm vi quản lý.
Để làm được việc này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng như: lúa, gạo, thủy sản, xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít, ớt, hoa kiểng, ổi,…
Kịch bản 1: Khi dịch Coivd-19 được kiểm soát, các mặt hàng nông sản được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Lúc này, thị trường tiêu cả ở trong nước và xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, kênh tiêu thụ tập trung tại tại chợ đầu mối các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng xuất khẩu trong và ngoài tỉnh; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe lưu động, điểm bán nhỏ, lẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; các sàn thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số (online).
Đối với xuất khẩu, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng thế mạnh của Đồng Tháp như: gạo, thủy sản, trái cây,... tại các thị trường như: Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Phi-líp-pin, Úc, Mêhicô, thông qua các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng xuất khẩu.
Kịch bản 2: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Lúc này, tiếp tục duy trì kết nối với các thị trường đã thực hiện tại Kịch bản 1. Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thị trường trong nước, trên các sàn thương mại điện tử. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các Tham tán thương mại, cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại thị trường các nước, rà soát, cập nhật, theo dõi sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và cơ chế, chính sách nhập khẩu của các thị trường thông tin cho địa phương nhằm định hướng cho doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cho phù hợp, nhất là đối với các mặt hàng nông sản thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.
Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu, sản lượng các mặt hàng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa. Thị trường tiếp tục duy trì kết nối với các thị trường đã thực hiện trong Kịch bản 2. Tăng cường khuyến cáo người dân rải vụ thu hoạch, tập trung thu hoạch trước, tiêu thụ sớm khu vực có nông sản đang vào mùa vụ thu hoạch.
Cùng với đó, tập trung huy động các doanh nghiệp có kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, thiết bị sấy nông sản trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản để người dân kịp thời có kế hoạch thu hoạch, vận chuyển đến nơi tiêu thụ hoặc chủ động chuyển sang sấy khô, lưu kho bảo quản. Cùng với đó, hỗ trợ kết nối với các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Ra mắt website bán nông sản và đặc sản Đồng Tháp
Để thực hiện tốt 3 kịch bản trên, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ được phân công của Kế hoạch này; định kỳ thứ Hai hằng tuần hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo tình hình nông sản đang trong thời gian thu hoạch, sản lượng dự kiến nông sản chuẩn bị thu hoạch và tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn, phạm vi quản lý gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, theo dõi, kịp thời hỗ trợ kết nối tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, không tiêu thụ được.
Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; chịu trách nhiệm làm đầu mối giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tình hình nông sản đang thu hoạch, dự kiến thu hoạch, tình hình tiêu thụ nông sản, định kỳ thứ Ba hằng tuần hoặc đột xuất theo yêu cầu, gửi UBND tỉnh nắm thông tin, cho ý kiến chỉ đạo khi cần thiết.
Thực hiện kế hoạch tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 của UBND tỉnh Đồng Tháp, mới đây, Sở Công Thương tỉnh này đã tổ chức “Hội nghị công bố các chương trình ứng dụng Thương mại điện tử giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh Đồng Tháp” bằng hình thức trực tuyến.
Theo đó, Hội nghị được kết nối đến điểm cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đại diện các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho rằng, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của tỉnh qua kênh thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm là nhiệm vụ quan trọng được ngành công thương đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.
Tại Hội nghị, đã ra mắt website bán nông sản và đặc sản Đồng Tháp: https://www.htxdacsandongthap.com. Đây là website đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản, đặc sản của tỉnh thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Với thiết kế hiện đại và tích hợp nhiều tính năng tiện dụng, người tiêu dùng có thể thuận tiện hơn trong việc mua sắm các mặt hàng nông sản, đặc sản của Đồng Tháp.
Dịp này, Sở Công Thương cũng ra mắt “Gian hàng đặc sản Đồng Tháp” trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Voso và Postmart với nhiều mặt hàng đa dạng và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)