Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 5 năm 2021 | 11:14

Thay đổi tư duy sản xuất để thoát nghèo

Tháng 2/1986, sau 3 năm làm nghĩa vụ quân sự, ông Thăng Văn Báo (người Sán Dìu) trở về tham gia lao động sản xuất tại quê hương ở thôn Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang).

Thời gian này, cũng như nhiều người dân khác tại địa phương, cuộc sống gia đình ông Báo vô cùng khó khăn. Cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán trên đất 2 vụ lúa, mảnh vườn đồi trồng màu và chăn nuôi nhỏ cho thu nhập thấp. Nhìn vợ con vất vả, ý chí của người lính Cụ Hồ thôi thúc ông tìm hướng chống lại “giặc nghèo”.
 
ông-thăng-văn-báo-bên-vườn-vai-sai-trĩu-quả.jpg
Ông Thăng Văn Báo bên vườn vải sai trĩu quả của mình
 
Nhận thấy mấy sào ruộng trồng lúa không hiệu quả do không chủ động được nguồn nước tưới, ông Báo quyết tâm thay đổi phương thức canh tác. Cùng với sự đồng thuận và ủng hộ của gia đình, được sự giúp đỡ của Hội Làm vườn, ông tìm hiểu và từng bước chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.
 
Đến nay, gia đình ông Báo có 8ha cây ăn quả cho thu hoạch, chủ yếu là vải thiều và bưởi Diễn. Ông chia sẻ, khi bàn với gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bản thân tôi phải vừa trực tiếp đi học hỏi  kinh nghiệm của những tấm gương sản xuất giỏi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, ngoài huyện, vừa phải học tập qua sách báo, trong đó có Tạp chí Kinh tế nông thôn.
 
Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc tỉa cành tạo tán, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật áp dụng vào sản xuất. Các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến đã giúp tôi trồng được sản phẩm chất lượng cao. Vải thiều mẫu mã đẹp, quả to, hạt nhỏ, cùi dày, thơm ngon, mang hương vị riêng, đặc trưng của vải thiều làng Muối, được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
Kinh nghiệm cùng những kết quả đạt được của ông Báo được người trồng vải thiều xa gần biết đến, tìm về tham quan, học tập. Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc cây vải thiều cho mọi người, nắm bắt nhu cầu về phân bón trong sản xuất ở địa phương, ông Báo mạnh dạn mở thêm dịch vụ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… được bà con quanh vùng ủng hộ nên lượng tiêu thụ khá lớn.
 
Thôn Muối chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người Sán Dìu chiếm 98%. Người dân nơi đây chịu thương, chịu khó nhưng đói nghèo, vất vả vẫn đeo bám do tư duy sản xuất lạc hậu, tâm lý ỷ lại còn lớn. Thay đổi được tư duy và tâm lý của bà con là điều cực kỳ quan trọng. Ông Báo kể: “Ban đầu, bà con vẫn còn hoài nghi, chưa mạnh dạn thay đổi nếp canh tác cũ đã gắn bó từ lâu nên bản thân ông cùng người thân trong gia đình tiên phong làm trước. Từ đó, mới vận động bà con làm theo mình được”.
 
Kinh nghiệm và bài học tích lũy được qua quá trình trồng vải, ông Báo không giữ làm của riêng cho mình. Ông luôn muốn chia sẻ thành công của mình cho người dân trong thôn, để mọi nhà đều được no đủ. Từ đó, từng bước hình thành mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế thôn, xóm, góp phần xây dựng thôn Muối ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tổng thu nhập của gia đình ông hàng năm đều đạt trên 350 triệu đồng. Các con, cháu của ông đều học hành giỏi giang và từng bước đạt được thành công trong cuộc sống.
 
Những cố gắng của bản thân cũng như đóng góp cho địa phương của ông Báo được bà con trong thôn ghi nhận. Năm 2007, ông Thăng Văn Báo được bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh. Năm 2011, ông được bầu làm Người có uy tín của thôn, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã. Từ năm 2013 đến nay, ông được bà con tin tưởng, bầu làm Trưởng thôn. Với những cương vị này, ông đã cùng lãnh đạo xã và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội vận động bà con trong thôn từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo cho thôn Muối, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho bà con.
 
Đến nay, bình quân thu nhập của người dân thôn Muối đạt 56 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 2,25% (6 hộ nghèo trong tổng số 399 hộ). Những ngôi nhà tạm, nhà dột nát đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái ngói đỏ, nhà mái bằng khang trang, sạch sẽ. Tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Trước đây, giao thông của thôn còn khó khăn, nhất là vào những ngày mưa, bà con đi lại, giao thương không được thuận tiện, hàng hóa sản xuất được cũng vì thế mà bị ép giá. Khi địa phương có ngân sách dành cho làm đường giao thông, ông Thăng Văn Báo đã vận động bà con góp đất hoặc tiền để mở rộng con đường liên thôn. Kết quả là người dân thôn Muối đã tự nguyện hiến 31.611m2 đất, hàng chục hộ tự phá dỡ vành lao, cổng với chiều dài gần 2.000 m. Bà con cũng góp đối ứng 5,5 tỷ đồng để cứng hóa 18,5km đường giao thôn (bình quân 13,8 triệu đồng/hộ, 3,2 triệu đồng/khẩu. Bà con cũng góp số tiền đối ứng 324 triệu đồng để làm đoạn đường từ cổng làng đến Quốc lộ 31 với chiều dài trên 1,1km, rộng 5m.
 
Chính quyền địa phương và ông Thăng Văn Báo luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội và điều kiện học tập, vui chơi của trẻ em. Hiện nay, trong thôn đã có một trường mầm non và một trường tiểu học. Hộ nghèo luôn được quan tâm, động viên, chia sẻ để không cảm thấy bị bỏ lại phía sau và được tiếp thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.  
 
Thôn Muối được công nhận thôn nông thôn mới đầu tiên của xã Giáp Sơn. Đây cũng là thôn đầu tiên hiện đang xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Lục Ngạn. Thôn Muối giờ đây được vinh dự đón rất nhiều đoàn khách từ Trung ương và các Bộ, ngành về thăm quan và gia đình ông Báo luôn được giới thiệu là hộ điển hình kinh doanh, làm nông nghiệp giỏi ở địa phương.
 
Thời gian này, tỉnh Bắc Giang đang là tâm dịch Covid-19, người dân Lục Ngạn đang bước vào vụ thu hoạch vải thiều lớn nhất trong năm. Hội Làm vườn tỉnh cùng chính quyền các cấp tiến hành hướng dẫn bà con vừa thu hoạch vải thiều, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
 
Người dân thôn Muối và gia đình ông Thăng Văn Báo cũng đang chung sức, chung lòng cùng với chính quyền và nhân dân thực hiện  mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Hy vọng với sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, Hội Làm vườn tỉnh, huyện và ý thức của người dân, nhân dân thôn Muối và gia đình ông Giáp sẽ có mùa vải bội thu.
 
 
 
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2021 của Chính phủ)
 
 
 
Ngọc Thủy - Nghiêm Huệ
Ý kiến bạn đọc
Top