Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024 | 11:31

Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Trao cần câu

Chúng tôi đến xã Ái Thượng, được đưa đi tham quan các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Có thể thấy,  các mô hình bước đầu tạo sự hứng khởi cho các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.

Chị Hoàng Thị Anh thôn Giổi, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước được hỗ trợ 11 triệu đồng đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bá Thước.

Hộ gia đình chị Hoàng Thị Anh thôn Giổi, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước được hỗ trợ 11 triệu đồng đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bá Thước.

Đang cho cá trong lồng ăn, chị Hoàng Thị Anh ở thôn Giổi (hộ được hỗ trợ nuôi cá lồng năm 2023) hồ hởi chia sẻ: Nằm ở lưu vực sông Mã, được hỗ trợ 11 triệu đồng tiền mặt từ chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, gia đình đã đăng ký nuôi cá lồng. Hiện nay, gia đình tận dụng nguồn thức ăn, lao động sẵn có để phát triển nuôi cá. Cuối năm nay, lứa cá đầu tiên có thể xuất bán, tăng thêm thu nhập, gia đình có điều kiện đầu tư thêm lồng nuôi cá mới.

Gia đình chị Bùi Thị Nương (thôn Thung Tâm) thuộc diện hộ cận nghèo, được chính quyền hỗ trợ 3 con lợn lòi sinh sản. Sau khi nhận lợn, chị Nương chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y, để phát triển sinh sản tốt. Đến nay, 2 con đã được phối giống, đang phát triển, sắp tới sẽ mở rộng chăn nuôi theo đàn. Năm 2024, gia đình hy vọng sẽ thoát nghèo.

Lợn lòi của hộ chị Bùi Thị Nương, thôn Thung Tâm, thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ đã  phối giống đang phát triển rất tốt, sắp tới sẽ phát triển thành đàn phát triển chăn nuôi.

Lợn lòi của hộ chị Bùi Thị Nương, thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng, thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ đã phối giống đang phát triển rất tốt, sắp tới sẽ phát triển thành đàn.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Hằng, Phó chủ tịch UBND xã Ái Thượng, cho biết: Đảng ủy, UBND xã Ái Thượng luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhất là trong vùng đồng bào thiểu số, chỉ đạo phân công từng đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, để hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng hộ. Toàn xã có 83 hộ tham gia dự án, 53 hộ tham gia nuôi cá lồng và 30 hộ tham gia dự án nuôi lợn cỏ lai lòi. “Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, “trao thứ họ cần, không trao cái mình có”, từ sự hỗ trợ đúng đối tượng, đúng trọng tâm, hầu hết các hộ nghèo sau khi được hỗ trợ đều thoát nghèo bền vững.

“Đến cuối năm 2023, qua công tác rà soát, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 151 hộ (chiếm 11,6%) cuối năm 2022, nay còn 72 hộ (chiếm 5,4%). Thu nhập bình quân năm 2023 đạt 43 triệu đồng/người. Mục tiêu phấn đấu năm 2024 đạt 56 triệu đồng/người”, bà Hằng cho biết thêm.

Có thể thấy rằng, chương trình hỗ trợ đa sinh kế đang làm diện mạo nông thôn của xã miền núi Ái Thượng dần thay đổi, giúp hộ nghèo có động lực vươn lên thoát nghèo.

Nâng cao nhận thức

Ông Trương Văn Hậu (69 tuổi, khu phố Măng, thị trấn Cành Nàng) đang trông coi những lồng cá của gia đình trên lưu vực sông Mã cho hay, năm vừa qua, gia đình được Nhà nước hỗ trợ nuôi cá lồng trên sông, giúp chúng tôi mở rộng quy mô lồng cá, có thêm việc làm, thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ Nhà nước trao “cần câu”, người dân sẽ cố gắng để phát triển thoát được cái nghèo đeo bám.

Hộ ông Trương Văn Hậu, khu phố Măng, thị trấn Cành Nàng, lựa chọn nuôi cá lồng phù hợp với địa hình gia đình

Hộ ông Trương Văn Hậu, khu phố Măng, thị trấn Cành Nàng, đã lựa chọn nuôi cá lồng phù hợp với địa hình gia đình.

Tương tự,  ông Hà Văn Minh (57 tuổi, bản Pù Luông, xã Thành Sơn) tâm sự: Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, được sự hỗ trợ 6,5 triệu đồng, đầu tư mua 100 cây quýt hôi trồng trên diện tích 0,16ha đất đồi. Vùng đất Thành Sơn rất phù hợp trồng loại cây này để phát triển kinh tế. Trước khi thực hiện dự án, tôi được tập huấn cách trồng, chăm sóc, làm sao để cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Dự kiến năm 2025 sẽ cho thu hoạch trái. Ngoài ra, năm 2023, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa sang nhà cửa, ổn định nơi ăn chốn ở, an cư, lạc nghiệp.

Ông Lê Phú Hiền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, cho biết: Xác định “Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” là giúp người nghèo biết cách làm ăn, có sinh kế bền vững, việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua, huyện Bá Thước đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, hướng dẫn, rà soát đối tượng đủ điều kiện để thực hiện hỗ trợ dự án tới tất cả các xã, thị trấn.

Năm 2022-2023, huyện có 901 hộ tham gia, tổng nguồn vốn cho dự án trên 17 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 10,3 tỷ đồng, còn lại là nguồn kinh phí đối ứng của Nhân dân. Tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 17,58%; hộ cận nghèo 21,82%.

Ông Ngân Văn Tuân- Phó CT UBND xã Thành Sơn thăm vườn quýt hôi của hộ ông Hà Văn Minh, bản Pù Luông thuộc diện hộ cận nghèo được nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế thoát nghèo.

Ông Ngân Văn Tuân- Phó CT UBND xã Thành Sơn (áo trắng) thăm vườn quýt hôi của hộ ông Hà Văn Minh, bản Pù Luông thuộc diện hộ cận nghèo được nhà nước hỗ trợ giống cây phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát; thực hiện lồng ghép và xã hội hoá các nguồn vốn huy động hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức đa chiều cho các dự án. Phấn đấu đến năm 2025, Bá Thước sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

 

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top