Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 8 năm 2023 | 13:14

Bảo vệ thương hiệu để Cua Cà Mau được phát triển xứng tầm

Hiện nay, thương hiệu Cua Cà Mau được gắn mác buôn bán tràn lan, giá cả cũng như chất lượng đều không đảm bảo… làm giảm sút uy tín của ngành hàng chủ lực này.

Cua Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Dù sản phẩm Cua Cà Mau đã được “định danh,” nhưng quản lý thương hiệu vẫn còn lỏng lẻo, sơ hở.

Không khó để bắt gặp hình ảnh bày bán cua với dòng chữ “Cua Cà Mau” nhằm thu hút người mua. Nhưng trong số đó có rất nhiều loại cua không có xuất xứ từ Cà Mau, các loại cua này phần lớn được bán với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ 1/4 giá so với Cua Cà Mau chính gốc.

Tình trạng này không chỉ vi phạm bản quyền thương hiệu Cua Cà Mau đã được "Chứng nhận chỉ dẫn địa lý," lừa dối người tiêu dùng mà còn gây giảm sút uy tín sản phẩm, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng sự phát triển của ngành hàng chủ lực này của tỉnh Cà Mau.

Ý thức sử dụng thương hiệu chưa cao

Vào tháng 6/2022, Cục Sở hữu Trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy Chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn Địa lý số 00116 cho sản phẩm Cua Cà Mau.

Đây được xem là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Cà Mau tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát các mặt hàng cua.

Quyết định cũng đã ghi rõ: Các hành vi vi phạm quy chế và xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý Cua Cà Mau sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và danh tiếng Cua Cà Mau.

Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng hình ảnh, thương hiệu Cua Cà Mau vẫn diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau.

Phó Chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn, kiêm Trưởng Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn Huỳnh Hùng Anh cho biết kể từ năm 2015, khi thương hiệu “Cua Năm Căn-Cà Mau” được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là nhãn hiệu tập thể, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nuôi, các cơ sở thu mua thu mua thủy sản trên địa bàn cam kết thực hiện đăng ký sử dụng và bảo vệ thương hiệu cua Năm Căn-Cà Mau.

Sản phẩm cua Năm Căn-Cà Mau trước khi đưa ra thị trường đều được dán nhãn mác, tem chống hàng giả, để người tiêu dùng dễ nhận biết, phân biệt cua Năm Căn với các loại cua nơi khác.

Đồng thời, để tránh tình trạng cua Năm Căn bị nhái hàng, làm giả chất lượng thương hiệu, Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn có quy định riêng như: Cua Năm Căn phải đạt tỷ lệ gạch và thịt từ 90% mới được mang tem nhãn hiệu cua Năm Căn-Cà Mau.

Theo các chuyên gia đánh giá, từ khi xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã và đang mở rộng phát triển trên thị trường trong nước, trong đó có nhiều sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, kết quả so với tiềm năng còn thấp, có thể nói nhãn hiệu cộng đồng đang “nghèo khó” trên tài nguyên giàu có của mình.

Nguyên nhân là do chưa đầu tư đúng mức đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đặc sản địa phương, đồng thời chưa thiết lập được hệ thống quản lý, khai thác một cách hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm đặc thù mang tên địa danh, đó là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.

Đó là chưa kể đến các hình thức tổ chức sản xuất hiện nay phần nhiều vẫn là mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, chưa kết nối được các doanh nghiệp, đặc biệt là chưa có sản phẩm sử dụng nhãn hiệp tập thể “Cua Cà Mau” được phân phối tại các siêu thị... nên giá cả đầu ra chưa ổn định.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang nhận định hiện nay nhận thức của người dân về nhãn hiệu tập thể chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể chưa tổ chức dán tem để truy xuất nguồn gốc nên rất khó trong quản lý, khả năng hàng nhái, giả mạo là rất cao.

“Thực tế, không có sự chênh lệch đáng về kể giá bán giữa việc sản phẩm cua có gắn nhãn sản phẩm và không gắn nhãn, bình quân cũng chỉ chênh lệch khoảng 10.000 đồng/kg. Việc gắn nhãn sản phẩm, dây trói cua có in logo chủ yếu theo nhu cầu của một nhóm nhỏ khách hàng dùng để làm quà tặng," ông Thái Trường Giang cho biết.

Ông Giang nhận định: "Một lý do khác nữa là có tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp thu mua sợ mất thương hiệu cá nhân khi tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể; kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên đã ảnh hưởng đến việc khai thác, quản lý và phát triển nhãn hiệu. Theo thống kê đến nay, thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể không tăng do các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa phải là thành viên không thống nhất với nội dung trong Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể."

Giải pháp tháo gỡ

Nhằm chủ động sử dụng thương hiệu một cách hiệu quả, kể từ khi thành lập công ty vào năm 2019, chị Dương Thị Bích Năm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dư Thái Bình (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), đã đăng ký sử dụng thương hiệu Cua Năm Căn-Cà Mau và chuẩn bị đầy đủ các bước để có thể đáp ứng các yêu cầu khắc khe của thị trường nước ngoài.

Theo chị Dương Thị Bích Năm cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng Cua Cà Mau tại nước ngoài rất lớn, tuy nhiên để tiếp cận đòi hỏi rất nhiều thủ tục và các quy trình kèm theo.

“Bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc, nếu cua xuất khẩu sang được các thị trường mới giàu tiềm năng sẽ là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm Cua Cà Mau trên thị trường. Chính vì thế, phía công ty mong muốn tỉnh tạo điều kiện tổ chức thêm nhiều hội nghị kết nối giao thương, để công ty có thể tiếp cận với doanh nghiệp, đầu mối phân phối lớn tại thị trường nước ngoài mở rộng hợp tác, tiêu thụ, góp phần đưa thương hiệu Cua Cà Mau ngày càng vươn xa,” chị Dương Thị Bích Năm kỳ vọng.

Người nuôi cua ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

 

Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho rằng chính quyền địa phương và người nông dân cần có định hướng phát triển lâu dài, hiệu quả cho sản phẩm cua về triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu sản phẩm Cua Năm Căn - Cà Mau.

Đặc biệt, chú trọng thiết kế logo, nhận diện thương hiệu kết hợp hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tổ chức giao thương, kết nối cung-cầu giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tăng cường mối quan hệ tổ chức xúc tiến thương mại; thường xuyên tổ chức tham gia hội chợ, kết nối cung-cầu hàng hóa với các tỉnh, thành lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, Cần Thơ... và hội chợ triển lãm ngoài nước. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc bảo quản, tồn trữ; áp dụng khoa học kỹ thuật để bảo quản được lâu, vận chuyển đi đến các thị trường xa; chế biến đóng hộp để xuất khẩu.

Về giải pháp xây dựng thương hiệu cua Cà Mau thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phan Hoàng Vũ chia sẻ ngành nông nghiệp sẽ rà soát điều kiện tự nhiên, tiến hành quy hoạch vùng nuôi cua chủ lực để tạo vùng nguyên liệu cung cấp đủ sản phẩm ổn định cho những cơ sở kinh doanh đã được phép gắn nhãn hiệu tập thể được chứng nhận.

Ðồng thời, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này cần vận động những thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu phải tổ chức lại sản xuất, liên kết, giám sát trong việc thu mua, luôn đảm bảo đạt chuẩn chất lượng và kích cỡ.

Ngoài ra, sớm rà soát, ban hành, phổ biến những quy chế trong cấp phép gắn nhãn mác, liên kết tổ chức sản xuất cho cộng đồng để việc tổ chức nuôi, bảo vệ, khai thác cua đảm bảo đạt chất lượng…

Để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch lại sản xuất thủy sản; trong đó, có quy hoạch sản xuất cua để xác định được vùng sản xuất và diện tích phù hợp.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp với các viện, trường, thậm chí là viện, trường quốc tế để nghiên cứu, cải thiện chất lượng con cua giống của Cà Mau. Qua đó, chọn lọc những giống cua mới có tính chất phù hợp, chất lượng vượt trội để tạo ra lợi thế mới; phát huy tối đa chỉ dẫn địa lý con Cua Cà Mau một cách chuyên nghiệp, bài bản, minh bạch, khách quan…

Theo lộ trình phát triển ngành hàng cua, tỉnh Cà Mau đã xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển thêm diện tích nuôi đạt khoảng 260.000ha, năng suất bình quân đạt 120kg/ha/năm, sản lượng đạt từ 30.000-32.000 tấn; xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cho trên 40% sản phẩm cua nuôi; phấn đấu tỷ lệ xuất khẩu đạt khoảng 25-30% sản lượng cua nuôi trong tỉnh.

Thương hiệu Cua Cà Mau từ lâu được người tiêu dùng tin tưởng bởi chất lượng mà thiên nhiên ưu đãi. Thế nhưng, trước những đòi hỏi ngày càng khắc khe, tính cạnh tranh ngày cao của thị trường chỉ đơn thuần dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển chỉ là điều kiện cần.

Điều kiện đủ để “cởi trói” cho ngành hàng Cua Cà Mau phát triển xứng tầm vẫn phụ thuộc nhiều vào chiến lược phát triển đúng hướng, đồng thời phát huy tối đa các giá trị riêng có của ngành hàng chủ lực này./.

 

Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top