Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2023 | 9:0

Bộ trưởng: Tạo sinh kế dưới tán rừng để khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng

Phát biểu giải trình tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (chiều 6/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, cần tiếp cận với tư duy tạo ra sinh kế dưới tán rừng để từ đó rừng sẽ sống động hơn, chứ không phải chỉ tiếp cận bằng một nguồn duy nhất là kinh phí thuê bảo vệ rừng hay khoán bảo vệ rừng.

Chậm chi trả tiền bảo vệ rừng

Tại  nhiều địa phương trên cả nước hiện có tình trạng nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng trong năm 2021. Bắc Kạn có diện tích rừng thuộc đối tượng giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rất lớn. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện chưa được bố trí đầy đủ đã ảnh hưởng đến tâm lý, quyền lợi của người được giao khoán bảo vệ.

Hiện nay, ở một số địa phương đang xảy ra tình trạng chậm chi trả tiền bảo vệ rừng. 

Từ năm 2021, Bắc Kạn đã tổng hợp, báo cáo, đề xuất Trung ương về nhu cầu thực hiện các chính sách bảo vệ rừng. Theo đó, đối với bảo vệ rừng phòng hộ, sản xuất tại khu vực II và III có diện tích bình quân mỗi năm gần 70.000 ha, nhu cầu kinh phí hơn 27 tỷ đồng/năm. Khu vực ngoài khu vực II và khu vực III bình quân diện tích mỗi năm gần 16.000 ha, nhu cầu kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng/năm.

Đối với hỗ trợ bảo vệ rừng, theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, diện tích bình quân mỗi năm gần 30.000 ha, nhu cầu kinh phí gần 3 tỷ đồng/năm. Hỗ trợ phát triển cho 99 cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng gần 4 tỷ đồng/năm. Hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên là rừng tự nhiên sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp bình quân mỗi năm 6.000 ha, nhu cầu kinh phí  1,2 tỷ đồng/năm.

Hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên đã giao tại khu vực II và khu vực III bình quân mỗi năm gần 120.000ha, nhu cầu kinh phí hơn 47 tỷ đồng/năm. Hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên đã giao tại khu vực ngoài khu vực II và khu vực III bình quân mỗi năm hơn 26.000 ha, nhu cầu kinh phí gần 8 tỷ đồng/năm. Đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, Bắc Kạn có hơn 10.000ha, nhu cầu kinh phí hơn 5 tỷ đồng/năm. Tổng nhu cầu kinh phí hằng năm để bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh của Bắc Kạn lên tới hơn 101 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chính sách mới chỉ bố trí được một phần nhỏ trong tổng số kinh phí này hằng năm.

Việc chậm trả tiền hỗ trợ bảo vệ rừng đã từng xảy ra tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận, cho biết, theo Nghị định số 75, diện tích rừng giao khoán bảo vệ năm 2021 của tỉnh là 66.030,37ha, gồm có 76 tổ cộng đồng tham gia nhận khoán. Trong đó, ngân sách Trung ương đã chi trả cho các cộng đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích là 22.401,82ha (đơn giá là 300.000 đồng/ha/năm). Còn 33.942ha thuộc khu vực II, III, Trung ương chưa chi trả cho người dân xã Phước Hà và một số địa phương khác (đơn giá là 400.000 đồng/ha/năm). Tháng 6/2022, nguồn vốn sự nghiệp của Trung ương đã phân bổ cho địa phương. Do đó, sở đang đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 để thanh toán công trình hoàn thành năm 2021 (trong đó có diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thực hiện năm 2021).

Tại Quảng Ngãi, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2021 kinh phí chưa được phân bổ theo Nghị định 75 là hơn 18 tỷ đồng, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là hơn 16,547 tỷ đồng. Tổng kinh phí chưa thực hiện chi trả hỗ trợ cho quản lý, bảo vệ rừng là hơn 34,578 tỷ đồng...

Tạo ra sinh kế dưới tán rừng

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (chiều 6/11), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng.

Đại biểu đề nghị: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả? Đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trong phiên trả lời chất vấn về việc nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng  Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách, chúng ta đang áp dụng với định mức 300.000 - 400.000 đồng/ha/năm. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức định mức này còn thấp.

Hiện tại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo một Nghị định để nâng mức lên thành  400.000 – 600.000 đồng/ha/năm. Về nhu cầu, theo định mức của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì phải vào từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng/ha/năm, tuy nhiên, chúng ta cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng. Vấn đề này sẽ được báo cáo Quốc hội sau.

Thông tin thêm về chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng cho tỉnh Bắc Kạn cũng như một số tỉnh liên quan tới chương trình phát triển nông nghiệp bền vững do Bộ Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm chương trình này. Sau khi có chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 vẫn tiến hành cấp ngân sách như bình thường cho các địa phương vùng 1, vùng 2, vùng 3. Khi có chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi, theo chỉ đạo của Chính phủ, chuyển vùng 2, vùng 3 sang Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng do việc triển khai chương trình này khởi động sau, nên công tác tổng hợp không kịp thời.

Vì vậy, hiện tại đang nợ kinh phí của đồng bào trong năm 2021, với trách nhiệm là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm và phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ cấp bù số kinh phí này.

Bộ trưởng Lê MinhHoan thông tin thêm, khi xây dựng dự thảo nâng mức khoán bảo vệ rừng, Bộ đã trình Chính phủ mức là 1,1 -1,3 triệu đồng/ha/năm, nhưng nguồn lực lại hạn chế, nên con số dừng lại ở sự thống nhất ở các bộ, ngành là 400.000 -600.000 đồng/ha/năm.

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng, cần phải tiếp cận bằng cách khác ngoài kinh phí bảo vệ rừng, đó là tạo ra sinh kế dưới tán rừng để khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng, và để Ban quản lý rừng và ngay cả lực lượng kiểm lâm cũng có nhiều việc làm.

“Chúng tôi chuẩn bị trình Chính phủ sửa đổi nghị định liên quan tới lâm nghiệp và đầu tư lâm nghiệp theo hướng phát triển dược liệu dưới tán rừng, du lịch dưới tán rừng, tín chỉ carbon rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, nghĩa là chúng ta làm tổng hợp. Cách tiếp cận là làm sao tạo ra nhiều việc làm với sinh kế để bù lại vào khoản chưa đủ với phần bỏ ra của bà con bảo vệ rừng. Tôi tin rằng khi tiếp cận với tư duy đó thì rừng sẽ sống động hơn chứ không phải chỉ tiếp cận bằng một nguồn duy nhất là kinh phí thuê bảo vệ rừng hay khoán bảo vệ rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top