Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 10 năm 2023 | 16:0

Các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường EU: Nguyên nhân và giải pháp

Theo các chuyên gia, EU là thị trường yêu cầu cao, với những quy định khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch thực vật, cũng như các tiêu chí về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do vậy, cần nhiều nỗ lực để hồ tiêu Việt Nam có vị trí xứng đáng tại thị trường cao cấp này.

Hồ tiêu Việt Nam trên thị trường EU

Trước khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực (01/8/2020), EU đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, xuất khẩu hồ  tiêu của Việt Nam đạt 283.836 tấn, tăng 22% về lượng so với năm 2018, trong đó riêng thị trường EU đạt 34.122 tấn, trị giá 102,6 triệu USD, chiếm 12% tổng lượng và chiếm 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của nước ta. Các nước thuộc EU nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam lớn nhất là Đức 31,6 triệu USD; Hà Lan 27 triệu USD; Anh 16 triệu USD; Pháp 9 triệu USD; Tây Ban Nha 7 triệu USD; Ba Lan 7 triệu USD… Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là tiêu đen (tiêu thô) chiếm 85-90% và được EU áp thuế ưu đãi ở mức thấp.

Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo những ưu đãi hơn nữa về thuế quan cho hồ tiêu Việt Nam. Cụ thể, EU xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm hồ tiêu, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến (tiêu xay, tiêu trắng…) đang bị áp mức thuế từ 4 - 9%. Ví dụ, mặt hàng tiêu xay đang chịu mức thuế suất 4% thì từ ngày 1/8/2020 được xóa về 0%. Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào EU đã khởi sắc hơn sau khi có EVFTA. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 48.040 tấn, tăng 10,8% so với năm 2020. Thị phần hồ tiêu Việt Nam tại thị trường EU cũng tăng từ 15,1% trong năm 2020 lên mức 18,2% vào năm 2021.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu và mở rộng thị trường EU của hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa tương xứng với lợi thế EVFTA mang lại và vị thế quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam chiếm khoảng 19,2% diện tích, 33,5% sản lượng và gần 48,5% khối lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn thế giới (khoảng 263,7 nghìn tấn), nhưng chỉ 18,2% trong số đó được xuất khẩu vào EU, nơi mỗi năm nhập tới khoảng 265 nghìn tấn hồ tiêu. Theo các chuyên gia, EU là thị trường yêu cầu cao, với những quy định khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch thực vật, cũng như các tiêu chí về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong khi hồ tiêu Việt Nam phần lớn lại chưa đáp ứng được các yêu cầu đó. Cùng điểm lại một số vụ việc hồ tiêu Việt Nam chưa tuân thủ các quy định về ATTP của EU, qua đó lý giải thêm vì sao hồ tiêu nước ta chưa có vị thế tương xứng tại thị trường EU, đồng thời đề xuất một số giải pháp để ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững, đủ sức chiếm lĩnh thị trường EU, nơi mà các rào cản kỹ thuật chắc chắn sẽ ngày càng khắt khe hơn đối với hồ tiêu, cũng như các nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam.

Thu hoạch hồ tiêu ở Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN.

 

Một số trường hợp vi phạm quy định về ATTP khi xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang EU

Sự cố hoạt chất carbendazim vượt quá giới hạn cho phép trong hạt tiêu đen

Đầu năm năm 2016, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, Bộ Y tế Tây Ban Nha gửi công hàm thông báo về việc Ủy ban châu Âu ban hành lệnh cảnh báo đối với hạt tiêu Việt Nam. Cảnh báo được đưa ra sau khi phát hiện lô hạt tiêu đen của một doanh nghiệp Việt Nam chứa hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn cho phép. Ngay lập tức, Tây Ban Nha đã áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt việc nhập khẩu hạt tiêu đen Việt Nam tại các cửa khẩu của nước này. Ngày 17/2/2016, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) thừa nhận đã có 1 số lô hàng bị đối tác trả lại, trong đó chủ yếu là tiêu thô, còn gọi là tiêu đen (chiếm 85%). VPA cho rằng, tuy số lô hàng vi phạm không lớn, nhưng các sự cố như vậy sẽ bị các nước khác sử dụng để tẩy chay sản phẩm của Việt Nam, nhất là khi cung vượt cầu, đây mới là điều nguy hiểm nhất.

Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước, VPA, doanh nghiệp, viện nghiên cứu đã vào cuộc, phân tích tìm nguyên nhân Carbendazim bị nhiễm ở công đoạn nào trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản hồ tiêu. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng, Carbendazim là hoạt chất có hiệu quả cao trong đặc trị trừ các loại nấm và phòng bệnh thán thư trên cây hồ tiêu nên được nông dân sử dụng rất rộng rãi, bên cạnh đó do diện tích hồ tiêu những năm qua tăng ồ ạt khiến càng khó kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV của người trồng. Ngoài ra, việc cung chưa đáp ứng đủ cầu, thị trường luôn “khát” hàng, nên nông dân bán tiêu dễ dàng với giá cao, chênh lệch giữa tiêu đảm bảo và tiêu không bảo đảm ATTP là không đáng kể. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt chất Carbendazim được nông dân phun vào đầu mùa mưa, hồ tiêu thu hoạch vào giữa mùa khô nên thời gian cách ly rất xa, trong khi hoạt chất này phân hủy nhanh (chỉ khoảng 20 ngày). Ngoài ra, sau thu hoạch hồ tiêu nông dân thường phơi 2-3 nắng, sau cho vào kho bảo quản mà không cần chất chống nấm carbendazim, nên rất có thể carbendazim tồn dư trong hạt tiêu đen là do tiểu thương trộn lẫn tiêu khô với tiêu đang ẩm nhằm tăng khối lượng nên cần đến hoạt chất carbendazim để chống nấm mốc. Việc khẳng định carbendazim nhiễm ở khâu nào trong qúa trình sản xuất, lưu thông hạt tiêu đen sau đó vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, trước cảnh báo của EU, sau nhiều lần thảo luận, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quyết định cấm sử dụng hoạt chất Carbendazim từ ngày 03/1/2019.

Cảnh báo của EU về dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu Việt Nam

Cuối tháng 1/2017, Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) đã gửi thư cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) thông báo  kết quả phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen Việt Nam nhập vào EU năm 2016 thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng Metalaxyl dưới 0,05ppm. Như vậy, nếu tình hình sản xuất hồ tiêu vẫn như năm 2016 thì có nghĩa năm 2017 có thể trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường EU. Lý do là EC dự định điều chỉnh MRL hoạt chất Metalaxyl trong hồ tiêu từ 0,1 ppm xuống còn 0,05 ppm. Trong khi đó, Metalaxyl là hoạt chất được phép sử dụng ở Việt Nam và được nông dân sử dụng khá phổ biến phòng trừ bệnh trên hồ tiêu, nên nếu quy định MRL xuống 0,05 sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang EU.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho rằng, đối với Metalaxyl với mức MRL 0,1 ppm là an toàn với sức khỏe, việc EU dự định giảm xuống 0,05 ppm có thể là cách tạo thêm rào cản kỹ thuật với hồ tiêu Việt Nam. Trước tính hình trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đề nghị EU xem xét lại. Sau đó, Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), Uỷ ban châu Âu (EC) đã đồng ý xem lại Dự thảo quy định mới liên quan tới MRL đối với Metalaxyl trên hạt tiêu và quyết định sẽ tạm dừng xem xét và chờ kết quả cuộc họp của các chuyên gia CODEX đánh giá lại, dự kiến trong thời gian năm 2018. May mắn cho hồ tiêu Việt Nam là đến nay quyết định chính thức vẫn chưa được thông qua.

Sự cố hồ tiêu nhiễm chất gây ô nhiễm không phải là thuốc BVTV  

Mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm trên thực phẩm (độc tố nấm mốc, kim loại nặng, hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), dioxin và nitrate…) được EU ban hành tại Quy định Ủy ban (EC) 1881/2006 và Quy định (EC) 2021/1317. Đối với hồ tiêu, mức tối đa độc tố nấm mốc quy định cho aflatoxin là 5.0 μg/kg cho aflatoxin B1 và 10 μg/kg cho tổng aflatoxin gồm B1, B2, G1 và G2 và với Ochratoxin A mức tối đa là 15 μg/kg; mức tối đa đối với nhóm hợp chất PAHs tạo ra từ các quá trình sấy khô: benzo(a)pyren tối đa 10 µg/kg và tổng lượng benzo(a)pyrene + benz(a)anthracene +benzo(b)fluoranthene + chrysene tối đa 50 µg/kg. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 6 tháng đầu năm 2022, EU đã cảnh bảo có 1 lô tiêu trắng của Việt nam có nhóm hợp chất PAHs vi phạm quy định, cụ thể tổng lượng tổng lượng benzo(a)pyrene + benz(a)anthracene +benzo(b)fluoranthene + chrysene là 78,8 ppb (μg/kg = 1 ppb), vượt mức giới hạn cho phép của EU là 50 µg/kg. Sự cố trên tuy chưa nghiêm trọng nhưng cũng thể hiện sự khắt khe về ATTP của thị trường EU và là sự cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề nhiễm vi sinh vật trên hồ tiêu nhập khẩu vào EU

Đối với hồ tiêu nhập khẩu, EU có quy định kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người, đặc biệt là vi khuẩn Salmonella. EU không cho phép hồ tiêu nhập khẩu nếu bị nhiễm Salmonella ở mức phát hiện được (có nghĩa là tuyệt đối không được nhiễm Salmonella). Nếu phát hiện thấy có vi khuẩn này trong lô hàng hồ tiêu, lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu, đồng thời EU sẽ tăng tần suất lấy mẫu, kiểm tra tất cả các lô hàng hồ tiêu đến từ quốc gia có hàng bị phát hiện nhiễm Samonella.

Gần đây, hồ tiêu của Brazil xuất khẩu sang EU bị phát hiện nhiễm Samonella đã bị EU cảnh báo và tăng tần suát kiểm tra lên tới 50%.

Người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này do nguy cơ nhiễm vi sinh vật đối với nông sản thực phẩm là rất cao, nếu không có các biện pháp chủ động phòng ngừa.

Các nguyên nhân chính dẫn đến việc hồ tiêu vi phạm quy định ATTP của EU

- Lạm dụng thuốc BVTV là nguyên nhân chính đẫn đến việc tồn dư thuốc BVTV trong hồ tiêu vượt quá mức cho phép, vi phạm quy định về ATTP. Đặc biệt, đối với các hoạt chất thuốc BVTV tuy được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng không có trong Danh mục thuốc được EU phê duyệt bị áp dụng giới hạn tồn dư tối đa cho phép rất thấp, dễ dẫn tới vi phạm.

- Phơi, sấy, bảo quản hạt không đạt yêu cầu cùng với điều kiện thời tiết nóng ẩm là nguyên nhân hồ tiêu dễ bị nấm mốc, tạo ra độc tố mycotoxin.

- Phương pháp thu hoạch, bao bì đựng hạt, phương tiện vận chuyển, phương pháp phơi, sấy hạt, trang bị bảo hộ lao động và quy định về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản…không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, hạt có thể bị tiếp xúc với đất, bụi, phân bón… là nguyên nhân chính của tình trạng hạt hồ tiêu bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

Các biện pháp đảm bảo tuân thủ các quy định ATTP khi xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào thị trường EU

Những năm qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; nông dân, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng tuân thủ các quy định, phát huy lợi thế EVFTA để chiếm lĩnh thị trường EU, tuy nhiên, thực tế cho thấy, hồ tiêu Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế đáng lo ngại, nhất là vấn đề đảm bảo ATTP.

Tại Hội thảo Hiệp định EVFTA - Cơ hội và Thách thức đối với sự phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam, tổ chức ngày 8/8/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, kết quả phân tích 284 mẫu hạt tiêu thu thập từ một số doanh nghiệp xuất khẩu trong 2 năm 2021 - 2022, cho thấy có 38 hoạt chất được phát hiện, tổng tần suất xuất hiện các hoạt chất là 2.462, tổng giá trị đáp ứng quy định MRL của EU là 2.051 và tổng giá trị không đạt là 411, chiếm 16,7%. Trong đó, các hoạt chất được phát hiện với tần suất cao gồm: Chlorpyrifos Ethyl (diệt sâu, mối, muỗi, giun); Cypermethrin (diệt ruồi, muỗi, mối, kiến, gián); Metalaxyl/Metalaxyl-M (sum), Metalaxyl (diệt nấm); Imidacloprid (diệt côn trùng, mối mọt); Carbendazim (diệt nấm); Fenobucarb (diệt côn trùng và thuốc trừ sâu);  Propamocarb (diệt nấm)…; đang lo ngại là một số hoạt chất đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng vẫn xuất hiện trong hồ tiêu như Carbendazim và Chlorpyrifos Ethyl…

Từ các vi phạm đã bị EU cảnh báo, cũng như các kết quả phân tích nêu trên cho thấy, để hồ tiêu Việt Nam có chỗ đứng vững chắc, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về ATTP của thị trường EU, Nhà nước - người trồng tiêu - doanh nghiệp phải cùng nỗ lực hơn nữa thực hiện đồng bộ một số giải pháp dưới đây.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

- Cần tiếp tục rà soát danh mục thuốc BVTV dùng cho hồ tiêu, loại bỏ khỏi danh mục một số thuốc chứa hoạt chất mà EU và nhiều nước nhập khẩu hồ tiêu đã cấm. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã rất quan tâm vấn đề này. Từ năm 2017 đến 16/01/2023 đã loại bỏ một số hoạt chất gồm Carbendazim, Thiophanate Methyl, Paraquat, 2,4D, Acephate, Diazinon, Zinc phosphide, Malathion, Chlorpyrifos ethyl, Fipronil, Glyphosate, Carbufuran và Trichlorfon (Chlorophos) ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Dự kiến đến hết quý 4/2023 tiếp tục xem xét đưa 20 hoạt chất khác ra khỏi danh mục, trong đó có 1 số hoạt chất có trong Danh mục thuốc trừ sâu, trừ bệnh được phép sử dụng trên hồ tiêu tại Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT như Carbosulfan, Mancozeb, Propined, Zizam, Chlorothalonil. Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, nếu Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét tiếp tục loại bỏ thêm metalaxyl, propamocarb và 1 số hoạt chất khác sẽ giảm đáng kể nguy cơ rủi ro đối với hồ tiêu xuất khẩu vào EU. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần ưu tiên bổ sung vào danh mục các loại thuốc BVTV sinh học thay thế cho thuốc hóa học sử dụng trên hồ tiêu; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục; đồng thời cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định mới của EU về đảm bảo ATTP trên hồ tiêu khi xuất vào EU.

- Tiếp tục rà soát, chuyển đổi những diện tích tiêu đã trồng tại những nơi không phù hợp về đất đai như: khó tiêu thoát nước, đang bị thoái hóa, nhiễm bệnh nặng, nhất là bệnh chết nhanh chết chậm. Xúc tiến thiết lập vùng trồng và quản lý chặt mã số vùng trồng, tăng cường quản lý dịch hại, đảm bảo ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hồ tiêu tốt hơn.

- Ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về thuốc BVTV sinh học, giống tiêu kháng bệnh; xây dựng các quy trình canh tác hồ tiêu bền vững theo Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); xây dựng các mô hình khuyến nông, trong đó ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, hom giống sạch bệnh; thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tưới tiêu hợp lý… để vườn tiêu luôn khỏe, chậm già cỗi, chống chịu tốt với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh chết chậm.

Đối với người trồng tiêu và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu

- Người trồng hồ tiêu cần liên kết hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác; áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hướng tới áp dụng GlobalGAP cho vùng tiêu xuất khẩu đi EU. Ưu tiên các biện pháp sinh học, yhuocs sinh học trong quản lý dịch hại. Đặc biệt lưu ý không sử dụng các hoạt chất không được phép sử dụng tại Việt Nam và EU. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng thì dùng các thuốc trong danh mục được phép dùng cho tiêu của EU, không sử dụng thuốc hóa học ở giai đoạn gần và sau thu hoạch nhằm tránh nguy cơ vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thục vật; không để hồ tiêu tiếp xúc với đất khi thu hoạch, phơi sấy kịp thời, độ ẩm khi bảo quản tối đa 12% nhằm tránh nguy cơ nhiễm Samonella, E.coli, Listeria…và aflatoxin (mycotoxin). Cần liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ của EU nhằm hướng tới phân khúc thị trường cao cấp với giá bán cao hơn.

- Doanh nhiệp cần chủ động xây dựng liên kết bền chặt với người trồng hồ tiêu trên cơ sở hài hòa lợi ích, từ đó hình thành các vùng nguyên liệu ổn định, chủ động kiểm soát ATTP từ nguyên liệu đầu vào thông qua hướng dẫn, giám sát nông dân; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, trong đó có công nghệ khử trùng bằng hơi nước (water steam) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chống ô nhiễm vi sinh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu EU và trên thế giới.

(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")

 

 

TS. Chu Văn Chuông - TS. Phạm Đồng Quảng
Ý kiến bạn đọc
Top