Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 4 năm 2023 | 15:52

Chú trọng sản xuất giống, Bình Phước xây dựng ngành hàng cây ăn trái chủ lực

Với diện tích đất nông nghiệp khá lớn, thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu ôn hòa, Bình Phước hội đủ điều kiện để phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Để nâng cao giá trị, thương hiệu trái cây, Bình Phước chủ trương phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, mở rộng diện tích đối với vùng có lợi thế về trồng cây ăn trái và tập trung phát triển thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng, đồng thời sản xuất một số giống cây ăn trái mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Định vị thương hiệu

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 13.220ha cây ăn trái với hơn 20 loại trái cây. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, năng suất và chất lượng nhiều loại cây ăn trái tăng mạnh. Vài năm trở lại đây, trái cây Bình Phước đã vươn lên khẳng định thương hiệu bằng chất lượng và mẫu mã, được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng.

Cùng với mở rộng diện tích cây ăn trái thì trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao. Nông dân đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình như diện tích canh tác cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được mở rộng. Vườn cây có giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP được xem là giấy thông hành đưa nông sản của Bình Phước ra thị trường nhanh hơn, kể cả những thị trường khó tính trên thế giới.

Ông Hồ Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh Đa Kia, cho biết: HTX có 45ha bưởi, trung bình mỗi năm thu hơn 1.000 tấn trái. Nhờ trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP nên trái bưởi sạch, đẹp, ngon hơn, thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn.

Cây giống với mắt ghép được lấy từ cây mẹ khỏe mạnh, ít sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao và ổn định.

Còn ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện, chia sẻ: Mít ruột đỏ của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc nên đủ điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.

Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nhiều loại trái cây của Bình Phước chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để có thương hiệu, nhãn hiệu. Đây là điều mà cơ quan chức năng cần quan tâm khắc phục, góp phần thúc đẩy sản xuất cây ăn trái bền vững. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và tìm mua sản phẩm. Mặt khác, đa phần người dân sản xuất còn mang tính tự phát, manh mún, quy mô nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, chất lượng chưa đồng đều. Sản phẩm đầu ra của các loại trái cây chủ yếu do nông dân tự bán hoặc do thương lái tới thu mua, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu, sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian nên khả năng gia nhập thị trường còn thấp. Số lượng một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu nên phải mang thương hiệu địa phương khác, khiến khả năng cạnh tranh chưa cao.

Do vậy, để phát triển cây ăn trái Bình Phước xứng với tiềm năng thì cần có nghiên cứu về thổ nhưỡng, phân vùng phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, định hướng vùng trồng, lựa chọn giống cây chất lượng…, tránh rơi vào hệ lụy trồng - chặt.

Xây dựng mô hình sản xuất giống

Nhằm xây dựng ngành hàng cây ăn trái chủ lực trồng tập trung trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước giao Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống một số loại cây ăn trái tại tỉnh Bình Phước”, thời gian 3 năm. Mục đích nhằm cung cấp nguồn giống cây ăn trái có chất lượng cao cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Theo dự án, giống cây được sản xuất có những đặc điểm thích nghi cao với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương ngay từ giai đoạn cây con, giúp nông dân thuận tiện trong việc tìm kiếm, lựa chọn nguồn cây giống, giảm chi phí vận chuyển, giảm tình trạng cây chết non. Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình 3.000m2 trồng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất cây giống như: mít, bưởi, sầu riêng; sản xuất và cung cấp giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh mít siêu sớm, sầu riêng Ri6, cam sành, bưởi da xanh… Hiện, Ttrung tâm đang tiến hành ghép cây giống phục vụ dự án.

Để trái cây Bình Phước phát triển bền vững, bên cạnh các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thì vấn đề tìm kiếm, phát triển nguồn giống sạch bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt đang được các cấp, ngành và người dân đặc biệt quan tâm, góp phần mở rộng vùng trồng cây ăn trái, tăng thu nhập cho người sản xuất, tái cơ cấu ngành trồng trọt, từ đó giúp cây ăn trái trở thành thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Hiền Lương
Ý kiến bạn đọc
  • Cần hướng đi bền vững cho sầu riêng Kiên Giang

    Cần hướng đi bền vững cho sầu riêng Kiên Giang

    Toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 260ha trồng sầu riêng, sản lượng ước đạt 1.800 tấn/năm. Tuy sản lượng chưa nhiều so với các vùng trọng điểm khác, song, với hiệu quả kinh tế mà sầu riêng mang lại, rất cần hướng đi đúng và bền vững cho loại nông sản có giá trị cao này.

  • Làm giàu từ mô hình VAC

    Làm giàu từ mô hình VAC

    Với quyết tâm phát triển kinh tế, năm 2016, ông Nguyễn Văn Bích ở khu Xuân Quang, phường Yên Thọ (TX. Đông Triều - Quảng Ninh) mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp VAC (nuôi lợn, cá chạch và cây ăn quả).

  • Thừa Thiên- Huế tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

    Thừa Thiên- Huế tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

    Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động các phương án để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Top