Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 8 năm 2023 | 11:47

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, người dân Quản Bạ tăng thu nhập

Những năm qua, huyện Quản Bạ (Hà Giang) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhiều mô hình đạt  hiệu quả cao

Nhận diện  khó khăn, hạn chế của địa phương, Quản Bạ tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả liên kết phát triển kinh tế  và cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân. Theo đó, huyện khuyến khích bà con đẩy mạnh sản xuất quy mô hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Trên địa bàn hiện có  60ha rau chuyên canh tại xã Quyết Tiến; 3,2ha chuyên canh trái vụ tại xã Đông Hà, liên kết sản xuất rau trái vụ tại xã Tùng Vài; 51,58ha hồng không hạt; 42.185 cây chè Shan tuyết; hơn 500m2 cây nho Hạ Đen; 4,912ha gừng trâu ruột vàng… và nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng nho Hạ Đen của anh Lù Mí Thắng là vườn nho đầu tiên trên địa bàn xã Lùng Tám. Anh Thắng bắt đầu trồng nho từ năm 2020, trên diện tích gần 500m2 với 168 cây. Do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên đến thời điểm này, cây đang phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch quả, giá bán bình quân ước khoảng 150.000-200.000 đồng/kg.

Dự án phát triển vùng trồng nông sản sạch thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Bigsea Việt Nam  thực hiện tại cánh đồng thôn Nà Sài (xã Đông Hà) bắt đầu thực hiện năm 2022 với các loại cây  như: măng tây, cải Kale, cải cầu vồng. Dự án đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc các giống rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tạo việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn.

Mô hình trồng cây ăn quả của anh Mai Minh Đình, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám.

Mô hình của gia đình anh Mai Minh Đình ở thôn Tùng Nùn (xã Lùng Tám) trồng hơn 700 cây ổi trên diện tích gần 1ha, mỗi năm cho thu trên 200 triệu đồng. Anh Đình chia sẻ: “Năm 2018, tôi bắt đầu trồng ổi, ban đầu chỉ 100 cây. Năm đầu cây cho thu hoạch, được nhiều người đặt mua, tôi tiếp tục trồng thêm 600 cây; ngoài ra còn trồng chanh, hồng không hạt. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở xã, huyện mà nhiều thương lái các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh (Lào Cai, Yên Bái...) cũng tìm đến thu mua”.

Từ chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân huyện Quản Bạ đã mạnh dạn đầu tư nuôi lợn đen,  hươu sao, trâu, bò...  gắn với trồng cỏ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngày càng được nhân rộng.

Quản Bạ hiện có  26.180 con trâu, bò, 35.600 con lợn, 4.300 con dê, 6.100 tổ ong,  250.000 con gia cầm. Đây là nguồn lợi kinh tế không nhỏ của nhiều hộ dân trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi hươu sao thại thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ.

Bà Bang Thị Duyên ở thôn Nà Vìn (xã Quản Bạ) chia sẻ, do nhu cầu thị trường và sở thích cá nhân, gia đình tập trung nuôi hươu sao. Sau 3 năm, phát triển lên 20 con, đã có 02 con  cho thu nhung. Với hình thức nuôi kinh doanh hươu thịt và hươu giống, gia đình xuất bán được 3 đôi với giá 30 triệu đồng/đôi và thu được 2 lần nhung. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ngày một khởi sắc.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa

Ông Đỗ Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, cho biết: “Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt chú trọng hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Huyện ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Đặc biệt là trồng cây ăn quả ôn đới, những cây trồng tạo cảnh quan để thu hút khách du lịch như đào, lê, mận...; chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Đỗ Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy thăm mô hình nho Hạ Đen của thanh niên Lù Mí Thắng ở xã Lùng Tám.

Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền, nhân dân thật sự quan tâm đến chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương trong huyện đã đi học tập mô hình tiêu biểu và đã liên kết với một số đơn vị cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Đây là sự thay đổi lớn về phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Đồng thời, tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, cung ứng vật tư cần thiết và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để người dân liên kết sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung”.

Việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 52,73%...

Những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang từng bước giúp người dân huyện Quản Bạ vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Quế Sơn chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu

    Quế Sơn chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu

    Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp huyện Quế Sơn (Quảng Nam) tích cực hỗ trợ nông dân chuyển nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu địa phương.

  • Trồng thành công giống sâm quý trên đất núi Mù Cang Chải

    Trồng thành công giống sâm quý trên đất núi Mù Cang Chải

    Huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mỗi năm giảm 8 - 10% hộ nghèo. Kết quả này một phần do huyện đưa nhiều loại giống cây mới vào gieo trồng, cho hiệu quả kinh tế cao. Mới đây nhất là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, những loại cây có giá trị kinh tế rất cao.

  • Ứng dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi xử lý chuồng trại giảm ô nhiễm môi trường

    Ứng dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi xử lý chuồng trại giảm ô nhiễm môi trường

    Sau thời gian triển khai, mô hình chăn nuôi gà thịt “Ứng dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi xử lý chuồng trại giảm ô nhiễm môi trường và định hướng nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn” đạt được kết quả bước đầu khả quan. Gà ăn uống tốt, khỏe mạnh nên giảm được tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ chết do bệnh, từ đó giảm được chi phí cho thuốc phòng, trị bệnh…

  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top