Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2022 | 9:46

Dòng hồi ức “Tất cả để chiến thắng B52”

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Một trong những chiến công đó là vào cuối năm 1972, bộ đội tên lửa Phòng không với cách đánh sáng tạo đã bắn rơi nhiều pháo đài bay - B-52.

Sát cánh chiến đấu với quân dân Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác, trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân Hải Phòng đã dũng cảm chiến đấu, đánh thắng oanh liệt cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chiến thắng tạo nên thay đổi chiến lược - Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và rút quân về nước - “Đánh cho Mỹ cút” như dự đoán của Bác Hồ.

Bài học rút ra từ trận đánh ngày 16/4/1972

50 năm trôi qua, nhưng giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại và khí thế hào hùng của dân tộc vẫn còn nguyên vẹn trong dòng hồi ức của Thượng tá Nguyễn Xuân Quang (SN 1949), nguyên Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không - Không quân).

Tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng tại phường Đông Hải 1 (quận Hải An, TP. Hải Phòng), Thượng tá Nguyễn Xuân Quang hồi niệm những ngày hào hùng của dân tộc, ông không khỏi “nghẹn lòng” khi nhớ lại những mất mát, thương vong khi Mỹ điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 và nhiều loại máy bay khác vào Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng.

Thượng tá Nguyễn Xuân Quang, nguyên Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 363 chia sẻ với PV về chiến thuật đánh B-52.

Ông chia sẻ, năm 1972, khi còn là trắc thủ góc gà, Tiểu đoàn 73 (Trung đoàn tên lửa 285) đóng tại huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng. Ngày 16/4/1972, Mỹ mở cuộc tập kích máy bay B-52 vào Hải Phòng lần đầu tiên, thời điểm đó đơn vị đang làm nhiệm vụ diễn tập thực binh. Nhận nhiệm vụ, hai Trung đoàn Tên lửa 285 và 238 chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Ngày 16/4/1972, Mỹ huy động 164 lần chiếc máy bay cường kích hải quân, trong đó có 9 lần chiếc B-52 chia làm 3 đợt đánh vào kho dầu Thượng Lý, Sở Dầu; nhà máy xi măng; khu công nghiệp An Dương.

Mặc dù học tập và nghiên cứu cách đánh B-52 của Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 238) - Tiểu đoàn bắn rơi 2 chiếc B-52 đầu tiên ở trận địa Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày 17/9/1967, nhưng Mỹ dùng nhiều âm mưu và thủ đoạn khác nhau nhằm đánh lừa lưới lửa phòng không của ta. Mỹ dùng máy bay đóng giả B52, mặt khác dùng các loại nhiễu trong và ngoài đội hình, nhiễu ngoài tàu biển phát vào làm che lấp đội hình B52, gây khó khăn cho trắc thủ đài radar và đài điều khiển tên lửa. Trên màn hình nhận sóng của trắt thủ thì nhiễu dày đặc, làm cho ta không nhận diện được đâu là nhiễu của B-52, đâu là nhiễu của máy bay F. Chính vì vậy, trận đánh ngày 16/4, hiệu suất chiến đấu của 2 Trung đoàn 285 và 238 không cao (duy nhất có Tiểu đoàn 81, Trung đoàn 238 bắn rơi 1 chiếc B-52).

Sau trận đánh trên, các đơn vị toàn Quân chủng Phòng không – Không quân rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân vì sao chưa đánh được giòn giã và chắt lọc lại thành bài học. Sau đó, các đơn vị bước vào đợt tập huấn tìm cách hạ gục “pháo đài bay” của không quân Mỹ. Không khí học tập, nghiên cứu sôi động trong toàn đơn vị với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng B52”.  

Bầu trời rực đỏ

Sau khi xác định được phương pháp bắn, các đơn vị vừa chiến đấu, vừa luyện tập, đồng thời rút kinh nghiệm ngay trên trận địa. Với âm mưu gây sức ép buộc Hà Nội phải trở lại Hội nghị Paris với thế yếu, ngày 17/12/1972, Mỹ chính thức mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng. Mỹ đã tập trung một nửa lực lượng không quân chiến lược và hầu hết lực lượng không quân chiến thuật có ở Đông Nam Á cho cuộc tập kích.

Ngay đêm 18/12, Mỹ huy động 90 lượt chiếc B-52 cùng hàng trăm lượt máy bay chiến thuật mở đầu cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội.

Tại Hải Phòng (trong 4 ngày từ 18 – đêm 22/12/1972), Mỹ dùng các loại máy bay chiến thuật đánh vào các nhà máy, khu công nghiệp, đánh xuống các Cảng với mục đích đánh ngăn sự tiếp tế, chi viện của quốc tế và Việt Nam. Các lực lượng tên lửa và pháo phòng không của Sư đoàn 363 đã tích cực đánh địch, bắn rơi 10 máy bay Mỹ.

Nhà máy xi măng Hải Phòng bị bom Mỹ phá hủy nhiều lần trong năm 1972. (Ảnh Internet).

Theo dõi chặt chẽ hoạt động đánh phá của Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân nhận định, sau khi đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội, B-52 sẽ tiếp tục đánh phá Hải Phòng. Đồng thời, cử cán bộ xuống Hải Phòng phổ biến kinh nghiệm bắn rơi máy bay B-52 của các đơn vị tại Hà Nội cho hai Trung đoàn Tên lửa 285 và 238.

Đúng như dự đoán, đêm 22 rạng sáng 23/12, Mỹ huy động 24 lần chiếc B-52 vào đánh các khu vực Thượng Lý, Chợ Sắt, Nhà máy Xi măng, Sở Dầu, khu công nghiệp Quán Toan, An Dương, Cảng mới… Lúc này, các đài radar, các trận địa tên lửa, pháo cao xạ tầm cao bảo vệ thành phố đã “nhận diện” đúng B-52, phóng đạn chính xác. Lúc 5h21 ngày 23/12, Tiểu đoàn 82 (Trung đoàn 238) bắn rơi 1 máy bay B-52; đến 5h30, “pháo đài bay” thứ hai bị hạ gục bởi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 73 (Trung đoàn 285). Đây là 2 chiếc máy bay thứ 313 và 314 bị bắn rơi trên vùng trời Hải Phòng và là hai chiếc thứ 800 và 801 bị bắn rơi ở Quân khu Tả Ngạn.

Đêm 26/12, Mỹ tiếp tục huy động 24 lần chiếc B-52 và máy bay chiến thuật nối đuôi nhau bay vào ném bom Hải Phòng. Xen giữa các đợt ném bom của B-52 là các đợt ném bom bắn phá của máy bay chiến thuật dội xuống phố Cầu Đất, Nhà hát thành phố, Nhà máy Xi măng, Sở Dầu, 2 xã Đồng Tiến, Hùng Vương (huyện An Hải), Lâm Động (Thủy Nguyên)… Sư đoàn phòng không 363 đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 2 chiếc B-52, góp phần cùng quân dân Thủ đô Hà Nội và TP. Thái Nguyên lập chiến công giòn giã trong trận đánh then chốt đêm 26/12.

Riêng Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội, đêm 27/12, Tiểu đoàn phóng 2 tên lửa tiêu diệt 1 chiếc B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp cạnh đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Đây là chiến công xuất sắc, nay được quận chủng Phòng không – Không quân xây dựng tượng đài chiến thắng.

Sát cánh chiến đấu với quân dân Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác, trong suốt 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972), quân dân Hải Phòng đã dũng cảm chiến đấu, đánh thắng oanh liệt cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ. Riêng ở Hải Phòng, Sư đoàn phòng không 363 bắn rơi 17 máy bay các loại của địch, trong đó có 5 máy bay B-52 (4 chiếc rơi ở Hải Phòng, 1 chiếc tại Hà Nội), góp phần cùng quân dân Thủ đô Hà Nội làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chưa từng có trong lịch sử.

Nhớ lại chiến thắng đó, Thượng tá Nguyễn Xuân Quang bồi hồi nói: “Có sống trong thời chiến mới cảm nhận hết nỗi đau, mất mát của nhân dân. Hải Phòng sau trận đánh ấy tan hoang, ngoài đường vắng vẻ, dân đi vội vàng hối hả lo âu, máy bay cứ rầm rập, Đài Phát thanh Hải Phòng báo liên tục máy bay Mỹ cách Hải Phòng bao nhiêu kilômét để nhân dân xuống hầm sơ tán, vừa đánh giặc, vừa sản xuất. Chúng tôi và nhân dân thấp thỏm mỗi khi nghe tiếng còi báo động rú lên, trong suốt 12 ngày đêm ấy, bầu trời lúc nào cũng đỏ rực. Chiến công 12 ngày đêm là chiến thắng huyền thoại, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược B-52, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top