Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 11 năm 2023 | 12:25

Gạo Việt Nam đoạt giải Nhất tại Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023

Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023 thu hút hơn 10 quốc gia tham gia với 30 mẫu gạo. Kết quả, gạo Việt Nam đoạt giải Nhất; giải Nhì thuộc về Campuchia; còn Ấn Độ đoạt giải Ba.

Các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhận giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" 2023. Ảnh: NNVN

Hội nghị Thương mại  Lúa Gạo toàn cầu diễn ra từ ngày 27/11 đến 30/11 tại Cebu, Philippines, do The Rice Trader tổ chức.

Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023 với sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo dự thi. 

Kết quả, gạo Việt Nam đoạt giải Nhất; giải Nhì thuộc về Campuchia; còn Ấn Độ đoạt giải Ba.

Việt Nam có 3 doanh nghiệp:  Hồ Quang Trí (giống gạo ST24, ST25), Lộc Trời (Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9) và Thaibinh Seed (Nếp A Sào, TBR39-1) gửi mẫu gạo dự thi.

Theo thể lệ cuộc thi, năm nay Ban tổ chức không công bố tên gạo đoạt giải mà chỉ công bố quốc gia đoạt giải.

Đây là lần thứ hai gạo của Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới tại hội thi này.

Trước đó, năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên một loại gạo của Việt Nam được nhận giải cao nhất của cuộc thi này sau 11 lần tổ chức.

Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục đưa gạo ST25 đi thi World's Best Rice tại Mỹ, chỉ có ST25 đoạt giải nhì. Giải nhất thuộc về gạo Hom Mali của Thái Lan.

Tại Cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2022, ông Hồ Quang Cua “cha đẻ” gạo ST25 được Ban tổ chức vinh danh nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời của ban tổ chức vì những đóng góp to lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam và lúa gạo thế giới.

Giải Thành tựu cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT (TRT World Rice Community - Lifetime Achievement Award) được chọn trao cho người có tầm ảnh hưởng lớn đối với ngành gạo quốc gia, khu vực hoặc thế giới, đối tượng được chọn vinh danh thuộc ba lĩnh vực chính gồm: Nghiên cứu, sản xuất hoặc về thương mại gạo.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 11, ước tính khối lượng gạo xuất đạt 700.000 tấn với giá trị 462 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2023 đạt 7,75 triệu tấn và 4,41 tỉ USD, tăng 16,2% về khối lượng và tăng 36,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

ST25 là giống lúa thuộc dòng lúa thơm đặc sản Sóc Trăng ST do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương và Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu lai tạo. Giống lúa thơm này được khởi nguồn nghiên cứu từ cách đây 10 năm. Năm 2014, được đưa vào khảo nghiệm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử. Đây là giống lúa ngắn ngày, có tính kháng bệnh hơn hẳn một số giống lúa cổ truyền, cho sản lượng đạt tới 7 tấn/ha.

Ngoài là giống lúa đặc sản, ST25 còn được coi là giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Đặc biệt ST25 rất thích hợp cho vùng xen canh lúa-tôm.

Gạo ST25 có đặc tính phẩm chất gạo rất trắng, cơm trắng và rất tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng. So với các giống lúa thơm nổi tiếng của Thái Lan hay Campuchia, ST25 còn có ưu thế về mùa vụ khi có thể canh tác 2-3 vụ/năm với năng suất và chất lượng ổn định. Đồng thời, vì đặc tính thân cứng cáp, chống bệnh dịch tốt nên cũng rất phù hợp để trồng tại các vùng luân canh lúa tôm - mô hình trồng 1 vụ lúa, 1 mùa tôm/năm theo phương pháp hữu cơ hoặc cận hữu cơ.

Được nghiên cứu và cải tiến dựa trên các đặc tính phù hợp với địa hình canh tác trong nước nên gạo ST25 có các đặc điểm phù hợp với thị hiếu dùng gạo của phần lớn người Việt. Hạt gạo dài, trắng và trong, khi vừa thu hoạch trải qua các công đoạn chế biến gạo thành phẩm đến khi nấu chín vẫn giữ được mùi thơm tự nhiên, cơm dẻo và ráo, để nguội vẫn mềm ngon.

Gạo ST25 đã đưa Sóc Trăng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phân khúc gạo thơm; đồng thời là dấu ấn đáng nhớ khi gạo Việt Nam chất lượng cao được thế giới công nhận.
 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
  • Hà Nội: Canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm

    Hà Nội: Canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm

    Để có sản phẩm lúa, gạo ngon được thị trường tiêu dùng lựa chọn, bà con nông dân phải thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng. Có như vậy, người nông dân mới tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận cao, trong đó áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một lựa chọn.

  • Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    Trưng bày sản phẩm OCOP chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ

    120 gian hàng là những sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ được giới thiệu, trưng bày tại vườn hoa Tố Hữu thuộc Dải trung tâm TP. Hải Phòng.

  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Top