Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 10:51

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam bất ngờ giảm mạnh và hướng khắc phục từ chuyên gia

Sau đợt tăng giá trở lại vào cuối tuần trước, giá gạo Việt Nam bất ngờ giảm mạnh đứng sau Pakistan và Thái Lan. Nguyên nhân giá gạo giảm được các doanh nghiệp cho biết, do nhu cầu từ khách hàng lớn Indonesia đã giảm.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch hôm 22/2, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm mạnh 19 USD/tấn (về mức 609 USD/tấn). So với mức đỉnh 663 USD/tấn, giá gạo 5% tấm nay đã giảm 54 USD/tấn, tương đương 8,1%.

Với mức giá giao dịch trên Việt Nam hiện đã mất ngôi dẫn đầu giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới vào tay gạo Pakistan, khi gạo 5% tấm nước này đang được chào bán ở mức 612 USD/tấn. Gạo cùng loại của Thái Lan, cũng giảm 3 USD/tấn nhưng vẫn giữ được giá bán cao hơn Việt Nam, ở mức 611 USD/tấn.

Với giá gạo 25% tấm của Việt Nam cũng giảm 20 USD/tấn trong phiên giao dịch vừa qua, ghi nhận ở mức 584 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan giảm 2 USD/tấn, còn 561 USD/tấn và gạo Pakistan giảm 5 USD/tấn, còn 570 USD/tấn.

Với gạo 100% tấm, gạo Việt Nam giữ ổn định giá ở mức 508 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan tăng mạnh 19 USD/tấn lên mức 483 USD/tấn, gạo Pakistan tăng 1 USD/tấn lên mức 465 USD/tấn.

Nhà máy gia công lao bóng gạo ở tỉnh Sóc Trăng

Nhà máy gia công lao bóng gạo ở tỉnh Sóc Trăng

Nguyên nhân giá gạo giảm được các doanh nghiệp cho biết do nhu cầu từ khách hàng lớn Indonesia đã giảm. Nước này chuẩn bị bước vào tháng Ramadan và trước đó đã "chốt" được gói thầu 500.000 tấn vào cuối tháng 1/2024 chủ yếu với Việt Nam và gần đây là khoảng 230.000 tấn với Thái Lan. Nhờ vậy, khách hàng lớn này đã nâng tổng nguồn cung gạo cho người dân đảm bảo đến hết tháng 4.

Cùng với đó, hiện nguồn cung trên thị trường cũng dồi dào hơn do Việt Nam và một số nước đang bước vào vụ thu hoạch lúa mới. Các doanh nghiệp nhận định xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài do những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính sẽ nhập hàng, sau đó bán ra khi hết mùa thu hoạch.

Các dự báo trước đó cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines gia tăng sẽ tác động làm tăng giá gạo xuất khẩu.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 1 vừa qua, nước ta xuất khẩu hơn 512.000 tấn gạo các loại, thu về 362,3 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo của nước ta tăng 42,8% về lượng nhưng giá trị tăng vọt 94,5% do giá mặt hàng này neo cao.

Chuyên gia bày cách gỡ các nút thắt

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết: Nếu như năm 2022 và 2023, Trung Quốc và Indonesia lần lượt chiếm giữ vị trí này thì bước sang tháng đầu năm 2024, Pháp vươn lên vị trí thứ 2 với sản lượng nhập khẩu tăng đột biến. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng 1 đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023.

Lúa vụ mùa Đông Xuân bao giờ cũng đi kèm với chất lượng tốt và sản lượng lớn. Bản thân các doanh nghiệp đều muốn mua gạo này để chuẩn bị cho các hợp đồng ký vào đầu năm. Đồng thời, có thể đặt ra khung giá được đánh giá như “bàn đạp” để có thể xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Do đó, doanh nghiệp mua bán gạo cầm chừng do vừa tác động của yếu tố thị trường, vừa để xây dựng nền tảng dài hơi trong năm nay.

Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tìm mọi cách ép giá nông dân do nguồn cung đầy lên trong bối cảnh vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn thu hoạch. Tôi cho rằng, quan điểm này là không thật khách quan. Bởi nếu chúng ta đặt vào vai doanh nghiệp với các tác động về thị trường, cộng với vấn đề về chi phí vận chuyển tăng do vấn đề xung đột Biển Đỏ thì họ cũng sẽ buộc phải tính toán để không bị rơi vào thế bị động.

Với nông dân trồng lúa, thông tin về tình hình El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính trên thế giới đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Bên cạnh đó, thông tin về việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ dự báo nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024, giảm thêm 4,5 triệu tấn so với mức trước đó.

Cụ thể, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt khoảng 513,5 triệu tấn (dự báo trước đó là 518 triệu tấn). Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ được dự báo sẽ đạt trên 522 triệu tấn. Với cung - cầu như trên, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Việc cung ít hơn cầu sẽ tạo đà cho giá gạo xuất khẩu tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2024.

Chính vì vậ,y bản thân doanh nghiệp cũng phải chờ đợi xem cơ cấu nhập khẩu gạo của các nước như thế nào? Hiện nay, gần như các nhà cung cầu (bao gồm cả nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà thu mua, nhà xay xát) đều có tâm lý nghe ngóng thị trường

Bài toán bây giờ là hài hòa lợi ích. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Nếu họ tính toán có lãi cho doanh nghiệp nhưng đảm bảo lợi ích quốc gia, thì sẽ mở được nút nghẽn. Còn nếu doanh nghiệp cứ tính toán phải lãi thật nhiều, nhưng không nhìn nhận việc người làm ra hạt lúa là người quyết định toàn bộ chuyện kinh doanh của doanh nghiệp thì khó có thể giải quyết được.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, hiện nay, cũng chỉ có số ít những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn còn đủ lực, còn đủ vốn để mua vào. Do đó, để giải nút thắt này cần phải đẩy mạnh tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu và không nên đặt vấn đề là doanh nghiệp phải có hợp đồng mới cho vay. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp để họ mua lúa vào, như vậy, doanh nghiệp có thể chủ động được cả trong hoạt động xuất khẩu và chủ động được cả mối quan hệ với nông dân.

Đối với nông dân, vụ Đông Xuân là vụ cho thu hoạch sản lượng lớn nhất, sau đó, họ sẽ chuyển sang trồng lúa vụ Hè Thu. Vụ Hè Thu thông thường sản lượng gạo thấp, chất lượng gạo thấp và khá bấp bênh. Do đó, người nông dân trồng lúa phải chủ động vật tư đầu vào.

Đang thu hoạch lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ

Đang thu hoạch lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ.

Giá gạo tăng lên ít trong khi giá vật tư tăng lên nhiều, dẫn đến tình trạng bản thân những người trồng lúa thiếu vốn. Vì vậy, các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... cần chia sẻ với nông dân bằng hình thức như chậm trả để họ tái sản xuất.

Việc triển khai đồng thời những giải pháp chủ lực này sẽ giúp giá lúa thoát thế giằng co. Việc này cũng giúp xuất khẩu gạo sẽ không lặp lại tình trạng khi giá gạo xuất khẩu bật trở lại thì sẽ dẫn đến việc tranh mua tranh bán và quay lại giống như thời kỳ đầu khó khăn của năm 2023.

Quan trọng là cần xóa đi điểm “chờ” của cả doanh nghiệp và nông dân. Và phải phát triển thị trường lúa gạo bền vững, cũng như giữ uy tín về xuất khẩu gạo.

 

Võ Dương
Ý kiến bạn đọc
Top