Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 9 năm 2023 | 15:22

Giải pháp khắc phục khó tuyển dụng và sử dụng giáo viên ở Thừa Thiên-Huế

Trước tình trạng mất cân đối thừa - thiếu giáo viên do nhiều người nghỉ việc và khó khăn trong tuyển dụng, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng việc dạy và học.

Khó khăn do thiếu giáo viên

Năm học mới 2023-2024, tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 283.000 học sinh các cấp và hơn 4.300 học viên giáo dục thường xuyên. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh có 127 giáo viên xin nghỉ việc, trong đó chiếm phần lớn là giáo viên khối mầm non. Trước đó, năm 2022, toàn tỉnh cũng  có 81 trường hợp giáo viên xin nghỉ việc.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến nhiều giáo viên xin nghỉ việc ở Thừa Thiên - Huế là do áp lực công việc cao, mức lương thấp, khung chính sách đãi ngộ giáo viên chưa điều chỉnh, chưa đảm bảo tương xứng với đặc thù công việc; một số giáo viên khác nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân, như lấy chồng xa, đoàn tụ với người thân ở nước ngoài...

Theo bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Lộc, năm học 2023-2024, huyện  có 3 giáo viên xin nghỉ dạy vì chuyển công tác và vì cuộc sống.

Thừa Thiên-Huế đang mất cân đối thừa – thiếu giáo viên do nhiều người nghỉ việc và khó khăn trong tuyển dụng.

Cũng theo bà Hương, Phú Lộc đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là ở bậc tiểu học với hơn 40 giáo viên. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng giáo viên ở địa phương cũng đang gặp khó khăn vì thiếu hồ sơ dự tuyển.

“Huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng nhưng rất ít người nộp hồ sơ. Trong đợt tuyển dụng năm nay thì mới được 5 hồ sơ. Huyện sẽ tiếp tục tuyển dụng cho đến khi đủ giáo viên đứng lớp để đảm bảo việc dạy và học. Xu thế tuyển dụng giáo viên ngày càng khó khăn vì lương thấp lại áp lực công việc cao. Năm nay, cũng có nhiều trường hợp xin chuyển công tác nhưng không được chấp thuận vì thiếu giáo viên”, bà Hương cho hay.

Năm học 2023-2024, trên địa bàn thành phố Huế có 2 hai giáo viên ở bậc mầm non xin nghỉ việc vì lý do cuộc sống. “Công tác tuyển dụng giáo viên cũng đang được triển khai theo đúng quy định. UBND thành phố Huế đang tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng để hoàn thiện cơ sở vật chất ở một số trường”, ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế, cho biết.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo Trường Tiểu học Hương Vân (thị xã Hương Trà), thời gian qua, trường này không có trường hợp giáo viên xin nghỉ việc, tuy nhiên, hiện nhà trường có 02 cơ sở dạy học với tổng số 570 học sinh, trong khi trường chỉ có 40 cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế, căn cứ Quyết định số 72 của Bộ Chính trị và Quyết định số 57 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2022-2026, đến năm 2026, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 21.308 người, giảm so với năm 2022 là 2.367 người, bình quân mỗi năm giảm 592 người. Trong khi đó, biên chế sự nghiệp giáo dục chiếm khoảng 83%, do đó, việc cân đối giữa nhu cầu biên chế giáo viên và việc thực hiện cắt giảm trong thời gian tới là rất khó khăn.

Giải pháp khắc phục

Theo tìm hiểu, trước tình trạng nhiều giáo viên xin nghỉ việc và sự mất cân đối giữa thừa - thiếu giáo viên ở các địa phương, ngành GD&ĐT Thừa Thiên-Huế tiếp tục tuyển dụng mới giáo viên để bổ sung và tăng cường thêm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện công tác tuyển mới giáo viên gặp khá nhiều khó khăn, nhất là đối với tuyến huyện do vấn đề tiền lương, áp lực công việc. Việc tuyển dụng cũng thiếu nguồn ứng tuyển do một số địa phương vùng sâu, vùng xa khó tuyển do không có nguồn tuyển dụng do thí sinh chỉ tập trung nộp hồ sơ ở vùng trung tâm.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng công tác dạy và học.

Thêm yếu tố nữa khiến việc tuyển dụng giáo viên ở Thừa Thiên-Huế gặp nhiều khó khăn là do Luật Giáo dục 2019 nâng chuẩn đối với giáo viên tiểu học, yêu cầu là phải đạt trình độ đại học. Trong khi đó, theo tham khảo từ Trường ĐHSP Huế, đến năm 2024, sinh viên tốt nghiệp ĐHSP tiểu học mới đủ nguồn để tuyển dụng cho giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, ngành GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế và chính quyền các địa phương đang tiếp tục động viên giáo viên toàn ngành trên địa bàn tỉnh nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm học mới. Sở GD&ĐT tỉnh đang tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo phù hợp, cân đối giữa các trường trong từng địa phương, giữa các địa phương trong tỉnh nhằm đảm bảo đủ lực lượng giáo viên đứng lớp. Ngành cũng đã yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch tuyển dụng giáo viên để đáp ứng yêu cầu năm học 2023-2024.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Tân, tỉnh chủ động hoàn toàn trong việc xây dựng kế hoạch, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên. Thực hiện đồng thời công tác tuyển dụng với việc điều tiết giáo viên giữa vùng thừa, vùng thiếu để đảm bảo sự cân đối, tránh tình trạng môn thừa, môn thiếu, dẫn đến sự bất cập trong việc tuyển dụng.

“Ngành GD&ĐT tỉnh đang thực hiện công tác tuyển dụng với việc điều tiết giáo viên giữa vùng thừa, vùng thiếu để đảm bảo sự cân đối, dẫn đến sự bất cập trong việc tuyển dụng, việc sử dụng đội ngũ giáo viên cũng như thực hiện việc tinh giảm biên chế sau này sẽ gặp khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát quy mô mạng lưới trường lớp, tính toán sắp xếp lại quy mô phù hợp theo hướng gọn đầu mối. Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng lộ trình giao tự chủ từng phần, hướng đến tự chủ toàn bộ ở các cơ sở có điều kiện; thực hiện phương án chuyển đổi mô hình trường mầm non công lập sang tư thục ở những nơi có điều kiện xã hội hóa”, ông Tân cho hay.

Cũng theo ông Tân, ngành GD&ĐT đã kiến nghị cơ quan chức năng liên quan cần có  chính sách mới, xây dựng khung chính sách đãi ngộ phù hợp, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt cần áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy để giảm áp lực cho giáo viên.

Để đảm bảo chất lượng dạy và học, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp biên chế đối với sự nghiệp giáo dục và y tế; cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đồng thời, kiến nghị Bộ GD&ĐT rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách liên quan đến nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học nói riêng nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tuyển dụng để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên tiểu học nhưng không có nguồn tuyển do không đáp ứng yêu cầu về trình độ.

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top