Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm 2023 | 14:44

HLV Tỉnh Thái Nguyên: Khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ, an toàn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Đặc biệt, để hỗ trợ hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn, Hội đã triển khai mô hình VAC tình nghĩa.

Lan toả phong trào vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới

Nhiệm kỳ qua, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các cấp HLV tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và nông dân về vai trò, vị trí của Hội cũng như hiệu quả của mô hình kinh tế VAC.

Đặc biệt, cán bộ, hội viên trong toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Hội đã hỗ trợ cho 40 hội viên cây giống, phân bón... để phát triển kinh tế vườn tại xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (xã nông thôn mới kiểu mẫu) và xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh; 4 mô hình tưới cây ăn quả theo công nghệ Israel tại 2 xã Tức Tranh và Vô Tranh (Phú Lương); 2 mô hình tưới công nghệ Isarel cho cây ăn quả ở 2 xã  nông thôn mới Minh Lập và Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (mô hình giúp  tăng năng suất cây trồng, chủ động trong việc tưới tiêu và bón phân tiết kiệm chi phí và nhân công).

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ.

Phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam triển khai 3 hình vườn mẫu theo phương thức canh tác hữu cơ tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai (hỗ trợ vẽ thiết kế 3D vườn mẫu, trồng hàng rào cây xanh, xây dựng mái che sân vườn, sản xuất phân vi sinh, đệm lót sinh học...); 3 mô hình nuôi gà theo quy trình an toàn (hỗ trợ con giống, vắcxin, cám...).

Phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh tổ chức Hội thảo “Phát triển vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới”; đề xuất một số giải pháp và kiến nghị phát triển vườn mẫu.

Hội cũng tập trung chỉ đạo công tác cải tạo vườn và quy hoạch phát triển vườn nhằm đưa kinh tế hộ, kinh tế gia trại phát triển thành kinh tế trang trại, sản xuất mang tính hàng hóa. Từ đó, các hoạt động dịch vụ có điều kiện phát triển, cung ứng nhiều giống cây ăn quả mới có hiệu quả kinh tế cao như bưởi lá nhăn, bưởi Tân Lạc,  hồng xiêm xoài…

Bên cạnh đó, để nâng cao công tác đào tạo nghề, thời gian qua, HLV tỉnh Thái Nguyên tăng cường phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan thuộc sở, ngành chức năng  mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cải tạo vườn tạp, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, CLB tham gia cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nghề làm vườn. Kết hợp tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cả trong và ngoài tỉnh.

Nhân rộng mô hình VAC nghĩa tình

Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV tỉnh Thái Nguyên, cho biết, Hội xác định rõ nhiệm vụ của mình là phải tham gia đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề vừa cơ bản, vừa bức xúc trong lĩnh vực nông nghiệp. Phương hướng và mục tiêu chung của Hội là người dân phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, tạo nên nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo nên cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần bảo vệ và làm đẹp thêm bản sắc văn hóa làng xã, xây dựng nông thôn mới văn minh, tiến bộ.

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn Thái Nguyên có nhiều hộ gia đình chính sách, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Do vậy, thời gian qua, HLV các cấp đã xây dựng mới 56 mô hình VAC tình nghĩa giúp các gia đình chính sách làm VAC nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, điển hình như thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Bình… HLV tỉnh đã tập huấn và hỗ trợ 40 mô hình VAC tình nghĩa cây giống, phân bón, gà giống, thức ăn chăn nuôi… cho các gia đình chính sách, gia đình có con bị khuyết tật, gia đình nạn nhân chất độc da cam, hộ cận nghèo…

Bà Đào Thị Dung, cho biết: Cách đây hơn chục năm, xuất phát từ thực tế là nhiều hộ có lợi thế vườn bãi nhưng lại thiếu vốn, kiến thức để phát triển kinh tế VAC, chúng tôi quyết định xây dựng mô hình VAC tình nghĩa. Mô hình hướng đến các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách có nhân lực, diện tích vườn không mang lại hiệu quả kinh tế.

Hình thức trợ giúp là hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón vi sinh trong năm đầu, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm, hỗ trợ con giống, thuốc, vắcxin phòng bệnh đối với vật nuôi; hỗ trợ tìm đầu ra với các mô hình có quy mô, sản phẩm lớn...    

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, tổ dân phố số 6, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ mất từ lâu, con gái mắc bệnh tâm thần, còn con trai ông mới bị tai nạn giao thông nên sức khỏe suy giảm, con dâu không có công việc ổn định. Bản thân ông cũng mắc bệnh hen phế quản mạn tính.

Đầu năm 2023, nhận được thông tin của HLV tỉnh lựa chọn gia đình mình để xây dựng mô hình VAC tình nghĩa, ông Thắng vui lắm. Ông bảo: Mảnh vườn của tôi rộng gần 1.500m2, mấy năm nay trồng lôm côm, mỗi cây một ít, lúc hoa giấy, lúc hoa đào, lúc bỏ bê không chăm sóc thành ra chưa mang lại hiệu quả. Đúng lúc tôi muốn chuyển đổi cây trồng thì được HLV tư vấn thiết kế lại vườn, hỗ trợ 40 cây hồng xiêm và phân bón. Cán bộ về đây trao và trực tiếp trồng cây, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, tôi rất biết ơn và sẽ cố gắng chăm sóc để vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế.

Để mô hình VAC nghĩa tình tiếp tục phát triển và nhân rộng, bà Dung cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tìm kiếm các chương trình, dự án, vận dụng các nguồn lực để xây dựng, nhân rộng mô hình tới hội viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần vào công tác giảm nghèo.

“Hội sẽ tiếp tục vận động doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm từ VAC, hợp đồng liên doanh, đầu tư phát triển kinh tế VAC. Gắn kết chặt với các ngành, các đoàn thể để tranh thủ lồng ghép các chương trình vào mục tiêu phát triển kinh tế VAC, duy trì các yêu cầu phát triển bền vững, sản xuất sản phẩm an toàn, áp dụng và tiến tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, góp phần xây dựng nông thôn mới”, bà Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bà Dung cũng kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Nội vụ, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất nguồn nhân lực và nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động các cấp Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, nhất là ở cơ sở.

Đồng thời, kiến nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên có Nghị quyết về củng cố, xây dựng và phát triển Hội Làm vườn, phong trào phát triển kinh tế VAC.

Về phía HLV Việt Nam, bà Dung kiến nghị, HLV Việt Nam xem xét đề nghị BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết về đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, vườn mẫu trên cả nước...

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top