Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 1 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 10 năm 2022 | 14:25

Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII vừa tổ chức hội nghị giao ban về kết quả thực hiện chương trình quý III-2022; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, 9 tháng của năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thành phố, các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ báo cáo tại hội nghị.

Tính đến nay, thành phố có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố cũng có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, vẫn còn 3 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì chưa hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn: Thành phố đã gieo cấy được 74,8 nghìn héc-ta lúa vụ mùa, bằng 97,1% cùng kỳ năm 2021. Diện tích cây lâu năm tăng so với cùng kỳ, chủ yếu tăng diện tích cây ăn quả và cây lâu năm có giá trị kinh tế cao (đạt 23,5 nghìn héc-ta, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021).

Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; có 1.701 trang trại, trong đó có 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp...

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, Gia Lâm đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 sẽ có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện có 8 xã đăng ký đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đăng ký đạt nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí cơ bản hoàn thành.

Đông Anh, với đặc thù đang trong quá trình xây dựng huyện thành quận nên huyện đã hợp nhất 3 bộ chỉ tiêu, lựa chọn các chỉ tiêu cao nhất và ban hành bộ chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Huyện phấn đấu 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã đăng ký thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với Ba Vì xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022. Hiện huyện còn 3/9 tiêu chí chưa đạt và đang tập trung chỉ đạo để hoàn thành, phấn đấu trong tháng 12-2022 hoàn thiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các địa phương cần tích cực triển khai Chương trình số 04-CTr/TU theo đúng kế hoạch đã đề ra. Ngành nông nghiệp cần rà soát toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, gắn xây dựng nông thôn mới với chủ trương xây dựng huyện thành quận theo hướng xây dựng nông thôn mới của Thủ đô phải khác với những địa phương khác, phù hợp với quy hoạch phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, nhiệm vụ trọng tâm của 3 tháng cuối năm 2022 là phải hoàn thành mục tiêu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các đơn vị tăng cường tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung tuyên truyền về bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn đánh giá chấm điểm xã, huyện nông thôn mới. Đối với 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt, cơ bản đạt hoàn thành trong năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đúng tiến độ; rà soát toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 song hành với việc xây dựng dự toán năm 2023 theo quy định.

Lưu ý chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung sản xuất vụ đông, chuẩn bị nguồn cung rau, củ, quả phục vụ Tết. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để chuẩn bị tốt nhất cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Quý Mão hạnh phúc, bình yên. 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top