Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 1 năm 2024 | 16:50

Hối hả chuẩn bị hàng Tết

Trong những ngày này, các làng nghề ở nhiều địa phương không khí luôn tất bật, nhộn nhịp và “gấp gáp”. Đây là thời điểm “nước rút” để hoàn thành các đơn hàng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.

Hà Nội: Làng nghề tất bật chuẩn bị hàng Tết

Những ngày cuối năm, tại các nhà vườn ở làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) không khí hối hả, nhộn nhịp thực hiện các công đoạn chăm sóc cây để đưa đào ra thị trường, phục vụ cho nhu cầu của người dân vào dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.

Ông Chu Mạnh Hùng, chủ vườn ở Nhật Tân chia sẻ: "Những ngày cuối năm du khách đến tham quan, chụp ảnh và đặt hàng cây cho Tết Nguyên đán. Với người dân, đây là thời điểm tận hưởng những ngày nghỉ, còn người dân làng nghề tất bận đón khách, chăm sóc cây cho những đơn hàng vào dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, người dân Nhật Tân “ăn ngủ” tại vườn, chẳng có thời gian mà nghỉ”.

Nhộn nhịp chẳng kém, những ngày này tại làng miến thôn Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) đâu đâu cũng thấy mùi đặc trưng của miến dong. Tại cơ sở sản xuất miến của bà Nguyễn Thị Quyến (58 tuổi), hơn 10 nhân công phải làm việc liên tục từ 7h đến 19h mỗi ngày để kịp trả đơn hàng cho khách. Theo bà Quyến, thời điểm Tết Dương lịch lại là giai đoạn “nước rút” để các cơ sở trả những đơn hàng cho thị trường cuối năm Tết Nguyên đán.

“Các công đoạn sản xuất miến phải làm liên tục, chính xác, ít nhất 2-3 người cùng làm mới có thể hoàn thành. Trung bình mỗi ngày đơn đặt hàng lên đến 1,5 tấn. Giá miến vào thời điểm hiện tại từ 50.000 - 120.000 đồng/kg, tùy loại”, bà Quyến thông tin.

Tương tự, đến làng nghề xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) thời điểm này, ai cũng ngỡ ngàng bởi sự tấp nập, sầm uất nơi đây. Những chuyến xe tải chở hàng vào ra, những tiếng dệt văng vẳng khắp xóm làng, trong từng nhà. Hiện tại, 100% người dân Trát Cầu đều làm nghề sản xuất chăn, ga, gối đệm. Đây là thời điểm người làng Trát Cầu bận rộn nhất trong năm.

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn cho hay, hiện, làng Trát Cầu có hơn 1.200 hộ và hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chăn ga, gối đệm, mỗi doanh nghiệp thường xuyên sử dụng khoảng 20 lao động. Ngoài doanh nghiệp, hàng trăm hộ làm nghề chăn ga, gối đệm đã đầu tư máy móc hiện đại, như máy trần, máy thêu, dây chuyền sản xuất mút tấm, mút cây, ruột đệm… Doanh thu của các hộ đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. “Thời điểm này, người dân làng nghề đang chạy đua với thời gian để hoàn thành các đơn hàng đã được đặt trước đó”, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn chia sẻ.

Theo thống kê, Hà Nội quy tụ khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hầu hết các làng nghề tập trung ở các huyện ngoại thành cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, các làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn Thủ đô đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu và hơn 100 làng nghề đạt doanh thu bình quân 10-20 tỷ đồng/năm/làng nghề; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20-50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm/làng nghề. Một số làng nghề có doanh thu cao, như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, dịp cuối năm, hầu hết làng nghề đều tăng công suất gấp 2-3 lần so với những tháng trước đó, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm… Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương, các quận, huyện mở nhiều điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Người dân làng nghề Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai tất bật vụ Tết.

Để hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, nhiều huyện gắn phát triển kinh tế làng nghề với du lịch sinh thái và trải nghiệm, từ đó, tạo bứt phá cho những làng nghề ngoại thành vươn lên thành “trụ đỡ” kinh tế của địa phương. Từ hướng đi đó, những năm qua, du lịch đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng, xã Hồng Vân là một trong những làng nghề sinh vật cảnh nổi tiếng của Thủ đô, đến nay, xã đã hoàn thiện xây dựng khu trải nghiệm Sen Hồng thuộc quần thể chùa Khánh Vân; trùng tu, tôn tạo đình Cả; hoàn thiện đầu tư khu đảo hoa tiên - Xứ mây hồng, diện tích 2ha ở khu vực bãi sông Hồng - nơi gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung... Đặc biệt, để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở UBND xã cũ làm nơi lưu trú cho du khách. Địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban quản lý du lịch về nghiệp vụ đón khách; hướng dẫn các nhà vườn đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cùng với việc gắn phát triển du lịch với làng nghề, nhiều địa phương còn xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá làng nghề và sản phẩm nghề. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho hay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 điểm giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của huyện và các địa phương, tỉnh, thành phố bạn. Những ngày cuối năm, người dân đến các điểm mua sắm, tham quan khá đông.

Bắc Ninh: Hàng tết sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng

Thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, nhiều sản phẩm hàng hóa mang đậm hương vị Tết ược bày bán để quảng bá, giới thiệu và sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.

Những ngày này, dạo quanh các cửa hàng tiện  lợi, siêu thị tại thành phố Bắc Ninh dễ dàng nhận thấy nhiều mặt hàng phục vụ dịp Tết có bao bì, mẫu mã đậm sắc Xuân đã được trưng bày đẹp mắt trên các kệ hàng. Để thu hút sự chú ý của khách hàng, các siêu thị ưu tiên vị trí “mặt tiền” bố trí những sản phẩm có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết như: giỏ quà tết, bánh kẹo, mứt, các loại hạt, đồ uống… Ngoài ra, các siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu mua sắm. Ông Nguyễn Đức Yên, Quản lý bán hàng Siêu thị Từ Sơn, phường Đông Ngàn (TP Từ Sơn) cho biết: “Từ trung tuần tháng 12, chúng tôi bắt đầu trưng bày mẫu một số mặt hàng có bao bì đặc trưng ngày Tết để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Gần Tết Dương lịch, hàng Tết đồng loạt lên kệ để khách hàng tham khảo và mua sắm. Nhằm tăng sức mua, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với mức giá tốt nhất, siêu thị đang phối hợp với các nhà sản xuất triển khai trương trình khuyến mãi, giảm giá đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu...”.

Tại các siêu thị, những giỏ quà tết được trưng bày ở vị trí “mặt tiền” để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Tại các chợ truyền thống ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các cửa hàng thiết bị điện, đèn nháy, đèn trang trí, quầy hàng hoa vải, hoa lụa, hàng quần áo, gốm sứ như ấm chén trà, khay mứt,… cũng được nhập về với số lượng lớn và trưng bày nhiều mẫu sản phẩm hơn hẳn những tháng trước đó để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương bán hoa vải, hoa lụa tại chợ Giầu (TP Từ Sơn) cho biết: “Ngày thường, chợ vắng, mặt hàng này ít người mua nên tôi không dám nhập về nhiều. Đợt cuối năm, nhu cầu người dân sắm sửa trang trí nhà cửa nhiều nên tôi nhập về bày bán thêm các mẫu bình hoa với nhiều kích thước, kiểu dáng khác nhau. Giá các bình hoa nhỏ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/bình, những bình lớn giá 500.000 - 600.000 đồng/bình. Hiện nay, khách đến tham khảo, hỏi mua có dấu hiệu tăng hơn tháng trước, hi vọng gần Tết sẽ đông khách hơn”.

Tốc độ mua sắm hàng hóa thiết yếu có dấu hiệu tăng nhẹ, nhưng các đơn vị kinh doanh vẫn đưa hàng lên kệ sớm, coi đó là một trong những hình thức quảng cáo cho khách hàng biết và tham khảo chọn mua.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 với giá phù hợp, UBND tỉnh đã ban hành công văn Số 4560/UBND-XDCB yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Sở Công Thương cũng khuyến khích các đơn vị kinh doanh chủ động lượng hàng hóa, bổ sung liên tục và có kế hoạch luân chuyển, phân phối hàng phù hợp với sức mua trên thị trường dịp Tết; tăng cường nhân lực phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời kỳ cao điểm…

Cục Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến đường, cửa ngõ ra vào tỉnh, tại các hộ kinh doanh cố định để tránh những hành vi gian lận, đưa hàng hóa kém chất lượng trà trộn vào bán dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2024; chú trọng kiểm tra việc kinh doanh ở lĩnh vực thương mại điện tử, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh ở các địa phương trong tỉnh… Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng mua sắm Tết.

Thanh Hóa: Áp dụng công nghệ cao tạo sản phẩm hàng hóa quy mô lớn

Các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.

Mô hình luân canh 3 vụ dưa vàng và 1 vụ hoa/năm ứng dụng công nghệ cao tại xã Nga Thành (Nga Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hợi

Thực hiện Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Hiện nay, sản xuất rau an toàn áp dụng phương pháp thủy canh trong nhà lưới không còn xa lạ với người nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Phương pháp trồng rau màu ứng dụng theo công nghệ của Israel này đã phát triển được 4.000m2 tại các huyện Hậu Lộc, Đông Sơn, Nông Cống và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Điển hình là các mô hình trồng rau thủy canh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc) trồng các loại rau xà lách xoăn, cải bó xôi, cải ngọt... cho doanh thu 2,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 700 triệu đồng/ha/năm.

Tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa... nhiều mô hình sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa an toàn, ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 2,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm. Đây là những mô hình nông nghiệp hiện đại, được lắp đặt hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động...

Ông Nguyễn Văn Điều ở thôn Bắc Trung, xã Nga Thành (Nga Sơn) cho biết, gia đình đầu tư gần 6.000m2 nhà màng và lắp đặt các hệ thống tưới tự động để sản xuất dưa các loại. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ông áp dụng công thức luân canh 3 vụ dưa vàng và 1 vụ hoa/năm ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất trong nhà lưới hoàn toàn chủ động được thời vụ, tránh được thời tiết cực đoan như giá rét, nắng nóng ảnh hưởng đến cây trồng, lại hầu như không có sâu bệnh. Theo tính toán của ông Điều, mô hình canh tác đã cho doanh thu 3 đến 3,5 tỷ đồng/ha/năm và lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ trong bể xi măng, trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thâm canh, siêu thâm canh theo hướng công nghệ cao cũng đang phát triển tại các huyện Hậu Lộc với diện tích gần 34 ha, Hoằng Hóa gần 80 ha, Nga Sơn 12 ha. Bình quân mỗi vụ nuôi cho năng suất đạt 32 tấn/ha, doanh thu đạt 3,5 đến 4 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới chủ động kiểm soát được các yếu tố điều kiện nuôi, một năm có thể nuôi 3 vụ tôm, hiệu quả kinh tế cao gấp 8 - 10 lần nuôi quảng canh.

Mặc dù, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn hạn chế về quy mô, đối tượng áp dụng, tỷ lệ chưa tương xứng trong tổng quy mô sản xuất nông nghiệp, cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tư duy sản xuất nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việc bảo quản, chế biến, chế biến sâu còn hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Vũ Quang Trung cho biết, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chưa ban hành phương án, kế hoạch; vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn mô hình phát triển. Chính sách cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thiếu đồng bộ, trong khi nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng nguồn lực đầu tư của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến khó lường, sâu bệnh, dịch hại và các hình thức thiên tai gây nguy cơ rủi ro cao trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đạt 3.500 ha diện tích sản xuất quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao. Trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh đạt 1.000 ha trở lên, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đạt tiêu chuẩn công nghệ cao từ 60 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt 700 tỷ đồng. Có 340 tàu cá khai thác xa bờ công suất lớn, ứng dụng các thiết bị công nghệ cao, sản lượng khai thác ước đạt 27.000 tấn.

Để đạt được kết quả trên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Viết Chọn, ngành nông nghiệp và các địa phương cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các mô hình cụ thể, điển hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp, HTX và người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã được khẳng định ở các địa phương trong tỉnh.

Cùng với đó, tập trung rà soát, lồng ghép các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM để hoàn thiện hạ tầng về thủy lợi, điện, giao thông nội đồng... phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung ở các địa phương trong tỉnh. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành đang còn hiệu lực trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top