Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 10 năm 2023 | 20:33

Kích cầu tiêu dùng và đảm bảo nguồn cung hàng Tết

Hiện nay, nhiều đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Bằng các giải pháp kích cầu mạnh, các DN đảm nguồn hàng và nỗ lực có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

 

Công nhân Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng) sơ chế rau quả xuất khẩu. (Ảnh: Quang Hiếu).

Kích cầu tiêu dùng

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết gần đây qua trao đổi các nhà sản xuất, kinh doanh được biết thị trường suy giảm, sức mua yếu, nhiều công ty buôn bán ế ẩm. Trong khi đó, chi phí nguyên liệu đầu vào lại tăng cao và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Ở góc độ DN, đại diện Công ty C.P cũng cho hay do ảnh hưởng kinh tế khó khăn chung nên từ đầu năm đến nay sức mua các mặt hàng thịt heo giảm 3%-5% so với cùng kỳ. Hiện giá heo hơi cũng đang thấp, dao động quanh mức khoảng 51.000-55.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi không có lãi. Chưa hết, tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo. Tuy nhiên, nhờ chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi… nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn ổn định.

“Về nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết của công ty năm nay cũng bằng so với năm ngoái. Chúng tôi dự báo sức mua mùa Tết chỉ tăng nhẹ 4%-8% so với cùng kỳ chứ không sôi động. Với tình hình sức mua như vậy, nguồn cung có thể đảm bảo cung ứng cho thị trường” - đại diện C.P chia sẻ.

Cùng nhìn nhận trên, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart, thông tin do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, chín tháng đầu năm sức mua thị trường sụt giảm. Song bằng các giải pháp kích cầu mạnh nên đơn vị vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Về chuẩn bị cho mùa Tết, đơn vị dự kiến tung ra nguồn hàng tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó riêng nhu yếu phẩm hằng ngày, rau củ quả tăng so với ngày thường 50%.

“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp trước Tết sáu tháng để không bị ảnh hưởng về nguồn hàng, biến động giá đầu ra” - ông Thắng cho hay.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá thịt lợn Tết phù hợp cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

Nỗ lực có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng

Ông Phạm Văn Nam, đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, dự báo thời điểm cuối năm sức tiêu thụ các sản phẩm mì gói, miến… sẽ tăng. Do đó, công ty chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường. Đặc biệt hiện nay giá nguyên liệu đầu vào sản xuất mì, phở, miến… đều tăng nhưng công ty nỗ lực có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

“Sau khi Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống 8%, công ty đã triển khai giảm 5% cho một số sản phẩm mì ăn liền. Đây được xem là chính sách táo bạo của công ty để hỗ trợ về giá cho người tiêu dùng” - ông Nam nói.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho hay đơn vị đã nhận được đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp nhóm hàng nhập khẩu, thực phẩm công nghệ… do biến động tỉ giá và giá xăng dầu tác động đến chi phí sản xuất của nhiều DN. Nhưng việc tăng giá trong giai đoạn người dùng khó khăn hiện nay không phải là giải pháp tốt. Vì vậy, Saigon Co.op đã ngồi lại cùng đối tác đưa ra các giải pháp, cùng đồng hành đảm bảo cho sự phát triển chung của hai bên và người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, giá hợp lý; đồng thời thực hiện đúng chủ trương bình ổn giá thị trường của TP.HCM.

“Mặc dù thắt chặt chi tiêu nhưng chúng tôi nhận định dịp Tết người dân vẫn sẵn sàng mở hầu bao dù không mạnh tay như những năm trước. Do đó, nhà kinh doanh cần có các giải pháp để hàng hóa có mức giá tốt nhất, từ đó người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng, đón Tết an vui. Chúng tôi cam kết từ nay cuối năm giữ giá ổn định” - đại diện Saigon Co.op nhấn mạnh.

Tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9 mới đây, Bộ Công Thương cho biết công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết hiện đã được các địa phương, DN triển khai tích cực cùng với chương trình bình ổn thị trường đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Riêng TP.HCM, Sở Công Thương cho hay đang phối hợp với các đơn vị phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu chuẩn bị cho dịp Tết 2024.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết qua khảo sát của đơn vị từ quý II-2022 đến nay cho thấy những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng có sự thay đổi lớn.

Cụ thể, nếu khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì vấn đề bệnh tật, sức khỏe gia đình, an toàn thực phẩm… là những mối quan tâm hàng đầu thì hai quý gần đây thu nhập, việc làm ổn định là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, kết quả đo lường của Kantar từ quý IV-2019 đến nay về tình hình tài chính của hộ gia đình cũng có sự biến động lớn. Chẳng hạn, quý II-2021, khi vào đỉnh dịch COVID-19, hơn một nửa hộ gia đình lo lắng về vấn đề tài chính. Bước sang hai, ba quý gần đây nhiều hộ gia đình vẫn lo lắng về tài chính, thậm chí tăng lên nhiều với tỉ lệ 28%.

Đặc biệt, khi nghiên cứu ở nhóm hộ gia đình có thu nhập cao và hộ gia đình có thu nhập thấp cho kết quả thú vị. Cụ thể, 32% nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp cho biết gặp khó khăn tài chính. Ngay cả nhóm hộ gia đình có thu nhập cao, thu nhập trung bình vẫn cho biết họ khó khăn về tài chính với tỉ lệ 26%.

Vì vậy, bà Nga cho rằng Tết sắp tới trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều lo lắng về tài chính thì tính ứng dụng cao của sản phẩm rất quan trọng. Chẳng hạn trước đây người dân chọn mua sản phẩm vì sang, xịn thì nay chú trọng đến tính ứng dụng cao như nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, vì vậy nhà sản xuất, kinh doanh cần quan tâm vấn đề này.

Phục vụ Việt Kiều đón Tết

Là một trong những doanh nghiệp có hơn 22 năm xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nông sản chế biến sâu ra 102 thị trường trên thế giới, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, sau đại dịch Covid-19, rất nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng và vị thế nông sản Việt Nam ngày càng được nâng cao.

"Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng thế mạnh này và đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao vị thế doanh nghiệp nói riêng và vị thế của hàng Việt nói chung trên thị trường thế giới. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam trong những năm tiếp theo", ông Thông nói và thông tin thêm, nhờ chế biến sâu giúp Phúc Sinh có thể vượt qua được những cú hích của thị trường và tăng trưởng hơn 40%.

Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, ở thị trường trong nước, doanh nghiệp ông cũng rất "vật lộn" và đang tìm mọi cách để bán được hàng. Do đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, ông Thông cho biết đang đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến sâu ở ngành gia vị và trà Cascara.

Đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thông cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động hơn và phải tự thân vận động rất nhiều thì mới có thể vươn ra thế giới. Các hệ thống phân phối hiện đại cũng nên lựa chọn tất cả các sản phẩm tốt, xuất khẩu tốt, có thương hiệu tốt, có chế biến sâu để đưa lên kệ, không đưa đồng tất cả lên kệ cùng bán sẽ không công bằng.

Theo ông chủ của Phúc Sinh, xu hướng phát triển bền vững là xu hướng không thể thay đổi được. Người tiêu dùng trong nước và quốc tế có xu hướng lựa chọn những sản phẩm phát triển bền vững, sản phẩm an toàn, xanh.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong dịp Tết, ông Thông cho biết, doanh nghiệp đã thay đổi bao bì trong các gói quà tặng Tết để vừa tiện dụng, vừa tái sử dụng, giá thành vừa phải mà vẫn phát triển bền vững. Theo tính toán, giá thành các gói quà tặng năm nay sẽ giảm hơn 40% so với 3 năm trước đây.

Còn doanh nghiệp Song Hương Foods nhờ sự dịch chuyển sang xuất khẩu, cộng với sự chủ động vùng nguyên liệu cà pháo tại Tây Ninh, tôm, gạo, đậu xanh... sự nhạy bén về thị hiếu của người tiêu dùng, đã cho ra nhiều loại sản phẩm mới, giúp cho doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này dự kiến tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bánh nậm, bánh bột lọc của Song Hương Foods là một trong những sản phẩm được Việt kiều Mỹ ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Song Hương Foods, xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 60% doanh số của công ty và thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan.

Theo dự báo của phía đối tác bên Mỹ, Việt kiều về nước năm nay sẽ ít hơn năm trước. Do đó, những công ty xuất khẩu như trúng tôi “như trúng số”. Đây là cơ hội để chúng tôi tăng tốc, chuẩn bị kế hoạch, nguồn nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm.

Hiện tại Mỹ, hàng của Song Hương Foods với thương hiệu Út Chinh rất được ưa chuộng", ông Tuấn nói và cho biết, Song Hương Foods đưa sang thị trường Mỹ với 19 sản phẩm từ bánh nậm, bánh giò (chay, mặn), xôi khúc (chay, mặn), bánh gai, bánh cam, bánh bò, xôi chéo, xôi ngọt, xôi gấc, xôi sầu riêng, chả tôm, cà pháo… Tất cả bảo quản theo tiêu chuẩn FDA ở nhiệt độ âm 18 độ C.

"Giai đoạn đầu chúng tôi tập trung xuất khẩu để phục vụ kiều bào, để bất cứ người Việt nào sống trên đất Mỹ cũng có thể ăn món ăn quê hương. Chỉ cần mở tấm bánh giò, bánh xôi xéo… là tự nhiên họ sẽ cảm nhận vị ngon của quê hương. Giai đoạn thứ hai, là nỗ lực ký hợp đồng với hai đối tác ở Việt Nam để họ bán sản phẩm truyền thống xuất đi nước ngoài tại hệ thống của họ. Giai đoạn thứ ba, tiếp tục con đường mang những sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra toàn thế giới", CEO Song Hương Foods nói và khẳng định, sẽ có ít nhất 100 món cấp đông là bánh truyền thống và đồ chay để xuất khẩu trên toàn thế giới và sẽ nỗ lực để đưa sản phẩm vào siêu thị Costco (Mỹ).

"Sản phẩm cấp đông ở âm 18 độ C gần như không dùng chất bảo quản. Hãy trải nghiệm bánh giò cấp đông với bánh giò hấp sẵn sẽ có vị khác nhau. Đây là ước mơ của Tuấn, đưa các sản phẩm bánh truyền thống và đồ chay cấp đông ra thế giới", CEO Song Hương Foods nói./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top