Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 10 năm 2023 | 15:42

Làng nghề “mắc kẹt” giữa sự phát triển với vấn đề ô nhiễm môi trường

Sự phát triển của làng nghề đã và đang góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó cũng đã bộc lộ tồn tại, đặc biệt là hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nhiều địa phương sống chung với ô nhiễm

Giữa làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, bãi xỉ thải từ quá trình cô đúc nhôm, giờ mỗi ngày một đầy hơn - lên tới hơn 300 nghìn tấn gồm các chất nguy hại là thành phần kim loại nặng như xỉ nhôm, cadimi, crom, mangan đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Người phụ nữ này hàng ngày phải đi mót lại nhôm từ đống xỉ cũng phải trang bị từ gang tay, khẩu trang và kính, nhưng vẫn không ngăn được ô nhiễm không khí và mùi khó chịu.

Đầu năm 2022, UBND huyện Yên Phong đã cưỡng chế 140 hộ dân xây dựng và đốt lò nhôm trái phép tại làng nghề Mẫn Xá. Nhưng sau một thời gian, nhiều cơ sở trái phép khác lại xuất hiện.

Làng nghề là một đặc thù của nông thôn Việt Nam

Xã Văn Môn có 5 thôn nhưng chỉ có thôn Mẫn Xá có nghề cô đúc nhôm. Đây lại là thôn nằm ở trung tâm của xã. Vì thế, khói bụi và mùi lúc nào cũng bủa vây toàn xã.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, các thành phần độc hại trong không khí ở thôn Mẫn Xá như lưu huỳnh, ô xít nhôm luôn vượt mức cho phép tới hàng chục lần.

Những cành cây trong thôn hiếm khi thấy đâm chồi, nảy lộc. Cuộc sống và cảnh quan của cả vùng đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm.

Cách đây 7 năm, Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đã bắt đầu được xây dựng nhưng chỉ cách khu dân cư 30 m. Với kỳ vọng, cụm công nghiệp sẽ là nơi di dời các cơ sở ở trong làng nghề để sản xuất tập trung, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường. Nhưng giờ, Cụm công nghiệp Mẫn Xá vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh nghiệm thu do chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Trong khi trên thực tế, các cơ sở sản xuất không có giấy phép về môi trường lại hoạt động từ lâu.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất Nhôm của ông Nguyễn Tiến Thành ở Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá sản xuất được 3 tấn nhôm thành phẩm. Tương đương với gần 3,2 tấn vỏ lon nhôm. Nhưng để cô đúc từ các vỏ lon, các công nhân bắt buộc phải qua nhiều công đoạn.

Mỗi lô đất tại đây từ 300 đến 400 m2, được chủ đầu tư bán cho các chủ cơ sở sản xuất làng nghề. Từ đó đến nay, gần 140 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn đi vào hoạt động.

Theo UBND huyện Yên Phong, năm 2021, Chủ đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đã bị xử phạt hành vi kinh doanh bất động sản khi cụm công nghiệp này chưa đủ điều kiện đi vào hoạt động.

Theo Luật bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường thuộc về UBND các cấp, các doanh nghiệp tại làng nghề, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề khi chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cho phép các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động.

80% làng nghề gây ô nhiễm

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có gần 2 nghìn làng nghề truyền thống thì có tới gần 80% làng nghề, các cụm công nghiệp làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho thấy, gần 79% làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều làng nghề như sản xuất giấy Phong Khê, Bắc Ninh, dệt nhuộm ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình đã trở thành điểm nóng về môi trường. Một trong những hạn chế của các làng nghề là sản xuất thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp, mặt bằng nhỏ hẹp, hệ thống cấp thoát nước xuống cấp, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều hộ làm nghề và các doanh nghiệp còn hạn chế. Làng nghề truyền thống cũng là nơi ở của các hộ dân nên việc xử lý mạnh tay, dứt điểm của các cơ quan chức năng với các chủ cơ sở sản xuất có nhiều khó khăn.

Trên thực tế, tùy theo đặc thù của quá trình sản xuất có thể gây ÔNMT nước, không khí, đất, hoặc môi trường lao động.

Cụ thể, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhất là các làng nghề sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc có độ ô nhiễm rất cao. Định mức nước thải cho 1 tấn sản phẩm là 6 - 10 m3, với tải trọng BOD5 = 380 - 450 mg/l, COD = 600 - 650 mg/l nước thải.

Các làng nghề dệt nhuộm sử dụng một lượng lớn nước. Ô nhiễm chủ yếu do nước thải sản xuất có hàm lượng hóa chất, thuốc nhuộm cao, với gần 90% lượng hóa chất trên đi vào nước thải. Nước thải tại nguồn thải trong dây chuyền sản xuất có độ màu rất cao (COD = 1000 mg/l, độ màu = 4000 Pt-Co) đã gây ô nhiễm nước mặt nặng nề.

Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng: Ô nhiễm chủ yếu do sử dụng nhiên liệu là than, củi. Khí thải chứa các chất ô nhiễm SO2, NO2, CO, bụi và gây ô nhiễm nhiệt khu vực lân cận. Hàm lượng bụi vượt TCCP 12 lần, các khí SO2, CO, lớn hơn TCCP từ 1,8 - 2 lần.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ: Gây ô nhiễm chủ yếu tới môi trường không khí do bụi, hơi dung môi hữu cơ... Tại làng nghề sơn mài, sử dụng sơn, hóa chất làm bóng, nồng độ hơi dung môi hữu cơ tại 1 cơ sở sản xuất lớn hơn từ 10 - 15 lần TCCP. Các làng nghề có sử dụng hóa chất như chạm mạ bạc còn gây ô nhiễm nước do kim loại nặng. Tại một số làng nghề chạm bạc do trong công nghệ có sử dụng một lượng axit để gia công bề mặt kim loại nên nước thải có hàm lượng các chất độc hại cao, kim loại nặng (Zn+2, Pb+2), chất rắn lơ lửng TDS cao hơn TCCP nhiều lần…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Trong khi hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư cho nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cần đồng bộ các giải pháp

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các làng nghề mang lại nhiều giá trị kinh tế, việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn. Nhưng do cách làm nặng tính tự phát, quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất bỏ qua yếu tố môi trường nên nhiều nơi giờ phải gánh chịu những ảnh hưởng ô nhiễm. Nhiều giải pháp đã được thực hiện như phá bỏ các cơ sở sản xuất trái phép không có công trình bảo vệ môi trường, di dời ra xa khu dân cư, nhưng tại không ít địa phương, sau một thời gian ngắn, ô nhiễm môi trường lại đâu vào đấy.

Theo các chuyên gia, để khắc phục thực trạng này, ở các làng nghề cần có nhiều biện pháp về chính sách, công nghệ, cũng như khoản kinh phí khá lớn. Ngoài ra, việc kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải cũng cần được quan tâm đẩy mạnh.

Đơn cử như tại Hà Nội, theo Sở Công Thương, để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, TP cần 1.350 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, cần 750 tỷ đồng để triển khai xây dựng hệ thống tại 50 làng nghề trọng điểm thuộc các huyện Hoài Đức, Vân Canh, Chương Mỹ... Giai đoạn 2021 - 2030, cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Một số trạm xử lý nước thải đã và đang được đầu tư xây dựng, bước đầu cải thiện tình trạng ô nhiễm. Có thể kể đến: Trạm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với công suất 200 - 300 m3/ngày, đêm; Cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức với công suất 20.000 m3/ngày, đêm; Cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái, Thường Tín với công suất 500 m3/ngày, đêm; làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai, với công suất 1.000 m3/ngày, đêm; hai nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại các xã Sơn Đồng, Vân Canh (huyện Hoài Đức), công suất 4.000 và 8.000 m3/ngày, đêm…

Có thể thấy, giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý nước thải làng nghề ở Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình huống. Trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ, nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường.Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm tới trạm ngắn.Từng trạm sẽ có những công nghệ xử lý khác nhau, tạo thêm cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp với từng khu vực, đồng thời có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

Liên quan tới tổng thế các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, các chuyên gia khuyến nghị, cần chú trọng đồng bộ các nhóm giải pháp cơ bản gồm:

Một là, giải pháp quy hoạch: Các giải pháp quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường bao gồm các nội dung: Quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, quy hoạch phân tán tại từng cơ sở. Nội dung quy hoạch cần bao gồm quy hoạch lại không gian sản xuất, quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Hai là, giải pháp quản lý: Đối với các làng nghề nên lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường. Cần thiết xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường và các cơ sở có đầu tư bảo vệ môi trường hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ bảo vệ môi trường.Quản lý môi trường thông qua hương ước làng xã là một giải pháp cần quan tâm vì đây là một công cụ quản lý môi trường hữu hiệu ở nông thôn do thích hợp với cộng đồng tại từng khu vực. Hương ước làng xã được cộng đồng lập ra dựa trên các quy ước truyền thống và có hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường.

Ba là, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức của người dân: Nội dung giáo dục môi trường được xây dựng theo mục đích hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý môi trường của chính quyền xã, thôn nhằm làm cho người dân hiểu về những tác hại môi trường và sức khỏe tại làng nghề, trách nhiệm và sự tham gia của họ trong các hoạt động bảo vệ môi trường./.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top