Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 6 năm 2023 | 9:59

Lão nông với vườn cây tiền tỷ

Với gần 24ha đồi sản xuất, lão nông Tô Đình Kền (SN 1958, ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã tạo dựng được vườn cây ăn trái hữu cơ cho thu nhập cao.

Với cách bố trí, sắp xếp khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường, vườn của gia đình ông được chọn làm mô hình vườn mẫu nông thôn mới của địa phương.

Mô hình vườn mẫu nông thôn mới

Chúng tôi đến thăm khu vườn rộng gần 24ha của gia đình ông Kền vào một sáng đầu hè. Mặc dù thời tiết miền Trung đang khá oi bức do những đợt nắng nóng tăng cường nhưng khi vào vườn, đứng dưới những bóng cây râm mát, ai nấy đều khoan khoái.

Ông Kền cho biết: Khu vườn này trước đây là vùng đồi hoang hóa, khó trồng trọt nhưng tôi đã tập trung đào xới, cải tạo đất và bắt đầu trồng cây từ năm 2016. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy cây này nuôi cây kia, ban đầu tôi mua vài trăm cây ổi, mãng cầu, đu đủ, thanh long về trồng thử nghiệm. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Tân Lập phù hợp với các loại cây ăn trái, tôi tiếp tục đầu tư trồng bưởi da xanh, nhãn, bơ, sầu riêng, dừa, mít, cam… Hiện khu vườn này có hơn 30 loại cây ăn trái được tôi sưu tầm từ khắp các vùng miền đưa về trồng và đang phát triển tươi tốt. Tôi quy hoạch rất cụ thể theo từng phân khu, từng loại cây trồng, con nuôi:  cây ăn trái, măng tre, rau sạch,  nuôi cá nước ngọt, chuồng chăn nuôi, rừng lâm nghiệp.

Lão nông Tô Đình Kền bên vườn cây ăn trái bạc tỷ.

Theo ông Kền, khu vườn của gia đình được bao quanh bởi một con suối, nước chảy quanh năm nên không lo thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, ông còn đào thêm 2 hồ lớn để trữ nước cung cấp cho hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn, kết hợp nuôi cá. Ngoài ra, để vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, ngay từ đầu, ông đã chọn phương pháp trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, sinh học, khi cây ra trái sẽ bọc từng trái để tránh bị sâu bọ và các loại côn trùng tấn công.

“Đầu tiên phải chọn được cây giống ăn trái tốt. Trước khi trồng, phải làm tơi xốp đất, đào hố rộng 60cm, sâu 50cm, sau đó bón lót cho mỗi hố khoảng 20-25kg phân chuồng ủ hoai mục trộn đều với đất. Trồng cây cách nhau 2,5-3m. Tiếp đó, trong quá trình phát triển của cây, bón thêm phân lân, NPK, vôi bột. Tưới nước đầy đủ cho cây, nhất là vào mùa khô nóng. Bên cạnh đó, tiến hành cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành già, bấm ngọn để tạo tán cho cây”, ông Kền chia sẻ kinh nghiệm.

Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây ăn trái của gia đình ông luôn đạt sản lượng cao, được thị trường đón nhận. Theo tính toán của ông Kền, 2 năm qua, mỗi năm vườn cây ăn trái cho thu hoạch khoảng 150 tấn quả các loại, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần tạo việc làm cho 6 thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông Nguyễn Đình Cường, với vườn cây ăn trái được quy hoạch xây dựng bài bản, khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường, vườn của gia đình ông Kền được chọn làm mô hình vườn mẫu nông thôn mới của địa phương. Mới đây, sản phẩm bưởi da xanh từ khu vườn này đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

“Nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, thu nhập của gia đình đã tăng gấp đôi, gấp ba so với những năm trước đây, bình quân mỗi năm cho thu hơn 700 triệu đồng. Chỉ khoảng 2-3 năm nữa, dự kiến khu vườn này sẽ mang lại tiền tỉ mỗi năm”, ông Kền cho biết thêm.

Bảo tồn cây gỗ quý

Không chỉ đầu tư cho vườn cây ăn trái, ông Kền còn dành một diện tích đất không nhỏ để trồng rừng, với nhiều loại cây gỗ quý như hương, trắc, cà te (gõ đỏ), muồng đen…

Đưa chúng tôi tham quan khu rừng gỗ quý, ông Kền tự hào khoe: Đây đều là thành quả của tôi từ khi mới bắt đầu lập nghiệp. Khi ấy, khoảng năm 1998, tôi mua lại diện tích rừng từ 2 người dân ở địa phương, sau đó trồng hơn 1.000 cây gỗ hương và 1.000 cây gỗ cà te (thuộc nhóm 1a, nhóm gỗ nguy cấp, quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam). Thời điểm đó, tôi làm việc tại công trình xây dựng thủy điện sông Hinh nên nghĩ chỉ trồng để giữ đất, giữ vườn. Sau đó, thiên tai, mưa bão làm ngã đổ một số cây, hiện mỗi loại chỉ còn chừng 700 cây, đều đã có đường kính 50-60cm. Nhiều người hỏi mua nhưng tôi chưa nghĩ đến việc thu hoạch.

Ngoài rừng trồng, ông Kền còn khoanh giữ hơn 1ha rừng tự nhiên. Nhiều năm nay, ông không hề phát dọn, chặt tỉa, mà để nguyên như một khu rừng nguyên sinh.

“Ngoài làm kinh tế, với tôi, việc trồng cây còn là niềm vui, đam mê; đặc biệt là việc duy trì và bảo tồn các giống cây gỗ quý hiếm. Cả khu vườn rộng lớn, nhưng đây là nơi tôi dành nhiều tâm huyết nhất. Sau một ngày làm việc mệt nhoài, tôi thường đến khu rừng để nghỉ ngơi, thư giãn. Sắp tới, tôi sẽ thả một số loài động vật như hươu, nai, gà gô… vào đây, để biến nơi này trở thànht khu rừng tự nhiên thực thụ, tạo nơi nương náu an toàn cho các loài động vật. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào khu vườn - rừng này để kết hợp phát triển du lịch”, ông Kền chia sẻ.

Theo chính quyền địa phương, mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp của hộ ông Tô Đình Kền vừa tạo nguồn thu nhập hàng năm, vừa có thể bảo tồn nguồn gen tự nhiên; trong đó có một số loài cây gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, việc kết hợp giữa cây lâm nghiệp, cây gỗ quý với cây bản địa, cùng với mô hình nông - lâm nghiệp đan xen tạo tiền đề cho mô hình mới: nông - lâm nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ phát triển xứng tầm, từ đó mang lại những giá trị lớn hơn, vừa tăng thu nhập, vừa giúp bảo vệ rừng, đảm bảo được mục tiêu giữ rừng và bảo tồn cây gỗ quý.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top