Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 2 năm 2023 | 16:32

Nâng chất phát triển vùng cây ăn quả và vật nuôi chủ lực

Các địa phương đẩy mạnh phát triển các vùng cây ăn quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ và tập trung phát triển đàn vật nuôi chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng bưởi hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). (Ảnh: Ngọc Thành)

Hà Nội: Nâng chất lượng các vùng cây ăn quả

Hà Nội hiện có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều mô hình đã khẳng định được hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; một số mô hình được đầu tư lớn, bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật... cho thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm. Để tiếp tục phát triển các vùng cây ăn quả, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ được coi là giải pháp hàng đầu.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP cho 5ha bưởi Diễn sản xuất theo mô hình cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Có 5 hộ gia đình được lựa chọn tham gia mô hình, trong đó, hộ có diện tích trồng lớn nhất là hơn 10.000m², với 400 gốc bưởi... Toàn bộ diện tích bưởi Diễn tham gia mô hình được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai giám sát và hướng dẫn quy trình chăm sóc. Các hộ dân cam kết thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất và được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Tổng kinh phí được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ là hơn 303 triệu đồng.

Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê, cây bưởi sản xuất theo mô hình cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho quả đều, vỏ bóng đẹp, năng suất, chất lượng cao hơn so với diện tích bưởi Diễn trồng theo phương pháp truyền thống. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bưởi Diễn khó tiêu thụ nhưng bưởi trồng theo quy trình VietGAP vẫn hút khách, giá bán ra thị trường cao hơn giá bưởi trồng theo phương pháp cũ khoảng 3.000 đồng/quả.

Với quy mô 3ha trồng cam, hộ gia đình ông Chu Tiến Được, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cũng được ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình cây ăn quả VietGAP. Đến nay, sau 2 năm, mô hình đã khẳng định được giá trị của cây ăn quả chất lượng cao. Ông Chu Tiến Được chia sẻ: Trước đây năng suất quả loại 1 chỉ đạt 50%, sau khi áp dụng theo quy trình VietGAP năng suất quả loại 1 đã đạt 80%, giá bán cũng cao hơn từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg.

Để nâng cao chất lượng cây ăn quả, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ mang lại hiệu quả. Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà cho biết: Tính riêng năm 2022, mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao quy mô 12ha (có chứng nhận) đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng, hiệu quả kinh tế cao hơn 16-40% so với phương pháp truyền thống.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, năm 2022, đơn vị đã ban hành 9 kế hoạch đào tạo, tập huấn, tham quan học tập trồng mới cây ăn quả, thâm canh bưởi hữu cơ, bưởi GlobalGAP, bưởi VietGAP, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng cây ăn quả… Đơn vị cũng đã triển khai nhiều hoạt động như: Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất bưởi hữu cơ quy mô 3ha; xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn GlobalGAP; ứng dụng công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô hàng trăm héc ta.

Có một thực tế là, việc đầu tư phát triển vùng cây ăn quả vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, so với tiềm năng hiện có, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn hạn chế; các địa phương thiếu nguồn nhân lực để hỗ trợ quá trình sản xuất...

Bàn giải pháp mở rộng các vùng cây ăn quả chất lượng cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: Diện tích bưởi, chuối, cam, ổi… của huyện Gia Lâm đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP đạt khoảng hơn 200ha, tại các xã Cổ Bi, Kiêu Kỵ, Kim Sơn, Phú Thị… Huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ các xã, thị trấn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, quy hoạch vùng trồng, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật... Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Cùng với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất, thành phố sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2030 có 50-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng.

Hưng Yên: Mở rộng diện tích trồng rau màu vụ xuân

Vụ xuân năm nay, huyện Khoái Châu phấn đấu diện tích sản xuất các loại cây rau màu từ 2,3 nghìn ha đến 2,4 nghìn ha, gồm: Ngô xuân trên 500 ha, đỗ các loại trên 250ha, lạc xuân trên 350ha, rau màu các loại trên 450 ha, còn lại các cây rau màu khác. Đến ngày 5/2, người dân trên địa bàn huyện đã gieo trồng được gần 100ha rau màu các loại, trong đó, tập trung mở rộng diện tích sản xuất những cây trồng phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường, theo đúng mùa vụ.

Sản xuất cây rau màu ở xã An Vỹ (Khoái Châu).

Bên cạnh việc mở rộng diện tích sản xuất các loại cây rau màu, thời điểm này, một số diện tích cây rau màu như: Rau các loại, ngô vẫn đang cho thu hoạch với giá bán có lợi cho người sản xuất… Phát huy thế mạnh đất phù sa màu mỡ, từ nhiều năm nay, các xã trên địa bàn huyện sản xuất cây rau màu quanh năm như: Tứ Dân, Tân Dân, Đông Tảo, Thuần Hưng… Những ngày này, đến xã Tứ Dân, không khí sản xuất rau màu vụ xuân khá rộn ràng, tấp nập. Vụ xuân năm nay, toàn xã phấn đấu gieo trồng hơn 100 mẫu cây rau màu các loại, trong đó, tập trung sản xuất cải các loại, súp lơ… Ông Đỗ Đình Then, thôn Mạn Xuyên, xã Tứ Dân cho biết: Gia đình tôi duy trì diện tích hơn 5 sào sản xuất cây rau màu các loại quanh năm. Cây rau màu là cây trồng truyền thống ở địa phương, trung bình mỗi năm sản xuất được 4 - 6 lứa rau và chủ yếu được thương lái đến tận ruộng thu mua tiêu thụ, từ đó mang về thu nhập cho các hộ sản xuất từ 4 - 6 triệu đồng/sào/lứa. Không chỉ gia đình ông Then mà hầu hết các hộ dân ở thôn Mạn Xuyên, xã Tứ Dân đều tích cực phát triển sản xuất cây rau màu vụ xuân để nâng cao thu nhập. Để bảo đảm sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao, các hội, đoàn thể của xã đã tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ xuân, giới thiệu, liên kết hỗ trợ cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho người dân, thường xuyên khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến thời tiết, thị trường để chăm sóc, thu hoạch đúng thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế.

Phát huy thế mạnh, mỗi địa phương trong huyện Khoái Châu lại lựa chọn những cây rau màu khác nhau để phát triển sản xuất. Nếu như xã Tứ Dân người dân tập trung sản xuất rau màu các loại, ở xã Tân Dân, người dân kết hợp sản xuất rau màu như ngô, đỗ các loại. Còn ở xã Thuần Hưng, từ nhiều năm nay, cây gia vị là hành lá đã trở thành cây trồng mang lại nguồn thu khá cho nhiều hộ dân địa phương. Vụ xuân này, cây hành lá được người dân trong xã duy trì sản xuất với diện tích hơn 40ha. Đây là cây trồng từ khi xuống giống chỉ khoảng 45 ngày đã cho thu hoạch một lứa, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua tận ruộng đến đó. Trừ các khoản chi phí cho thu lãi 2,5 - 4 triệu đồng/sào/lứa. Để nâng cao năng suất, thu nhập, thời gian qua, các hộ trồng hành lá trong xã đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, đầu tư đường điện vào tận chân ruộng…

Đồng chí Lưu Quang Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Với kinh nghiệm của nông dân nhiều năm sản xuất cây rau màu các loại nên hiện nay, nhiều diện tích sản xuất cây rau màu trên địa bàn huyện được thương lái, các đơn vị thu mua chủ động liên kết với nông dân để đến thời kỳ thu hoạch tổ chức thu mua tại ruộng tạo thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo người dân chủ động vừa thu hoạch vừa cải tạo đất để tiếp tục sản xuất các lứa cây rau màu tiếp theo, theo dõi diễn biến của thời tiết để thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, chủ động tiêu, thoát nước, thực hiện che chắn, bảo vệ diện tích cây mới trồng, tăng cường sản xuất các loại cây rau màu đang được thị trường ưa chuộng. Chủ động lựa chọn những cây trồng phù hợp với tập quán canh tác, mở rộng diện tích sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP để bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định…

Thanh Hóa: Thực hiện các giải pháp phát triển con nuôi chủ lực

Tỉnh Thanh Hóa lựa chọn phát triển 5 loại con nuôi chủ lực gồm: bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn, gia cầm và trâu thịt. Theo đó, để nâng cao năng suất, chất lượng của các loại con nuôi chủ lực, ngành nông nghiệp và các địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển chăn nuôi theo chuỗi...

Mô hình chăn nuôi gà lông màu tại thôn Long Linh Ngoại, xã Trường Xuân (Thọ Xuân).

Thọ Xuân là địa phương có số lượng đàn gà lông màu lớn với hơn 700 nghìn con, tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Hồng, Trường Xuân... Những năm qua, để nâng cao chất lượng con nuôi, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi theo hướng tập trung, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, khép kín; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nuôi theo quy trình VietGAHP; tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định, nhất là đối với gà nuôi quy mô theo hướng công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ lựa chọn các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trong đó người chăn nuôi bổ sung thức ăn cho gà đủ hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất cũng như cho ăn đúng giờ để đảm bảo gà lông màu phát triển khỏe mạnh, đẹp lông, đẹp mã. Do gà thường mắc bệnh về đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nên huyện thường xuyên khuyến cáo chủ đàn vật nuôi giữ nhiệt độ phù hợp trong trại gà; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để bảo vệ môi trường. Theo đó, mô hình chăn nuôi gà lông màu ngày càng phát triển, người dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô nuôi, ứng dụng khoa học- kỹ thuật và các loại máy móc hiện đại vào sản xuất.

Bên cạnh đàn gà lông màu, huyện Thọ Xuân còn chú trọng phát triển các con nuôi lợi thế khác như bò thịt, lợn ngoại hướng nạc... với các trang trại khép kín, có máng ăn, máng uống tự động. Các xã, thị trấn cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện chuyển giao công nghệ phối giống nhân tạo cho đàn vật nuôi để tạo ra các con lai có năng suất, chất lượng cao, như bò lai Sind, Brahman, bò Úc, trâu Murrah... Hệ thống hạ tầng giao thông đến các khu vực chăn nuôi cũng luôn được huyện quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn, phương tiện phục vụ chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi với các doanh nghiệp, như Công ty Happy Farm, Công ty Nông sản Phú Gia...

Đối với đàn trâu và bò thịt chất lượng cao, các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Cẩm Thủy... đã chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong việc chọn tạo giống. Mỗi năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thụ tinh nhân tạo được khoảng 27 nghìn liều tinh bò; 2,5 nghìn liều tinh trâu Murrah Ấn Độ; tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 63%; du nhập một số giống bò BBB, Droughtmaster, RedAgus và tinh đông lạnh để phối giống với đàn bò cái nền lai Zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò. Các biện pháp đã được áp dụng, như: sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc, sử dụng tinh bò BBB phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt, sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah để phối giống cho đàn trâu cái... Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 - 30%.

Tuy nhiên, để phát triển đàn vật nuôi chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân chủ trương, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh để người dân có kế hoạch lựa chọn các loại con nuôi phù hợp với phát triển sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển chăn nuôi, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho việc phát triển các con nuôi chủ lực có quy mô lớn. Bên cạnh đó, hướng dẫn, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi theo hướng VietGAHP... Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn súc, gia cầm. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn; chuyển giao và áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật thực hiện thụ tinh nhân tạo để tăng số lượng đàn bò sữa và bò thịt chất lượng cao, kết hợp chọn lọc với lai tạo và du nhập các giống vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với từng vùng, từng địa phương...

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top