Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 3 năm 2023 | 10:13

Ngành Nông nghiệp Si Ma Cai nỗ lực vượt khó

Những năm qua, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã tạo điều kiện cho nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ôn đới

Tính đến nay, toàn huyện Si Ma Cai có 1.467 ha cây ăn quả ôn đới, chủ yếu là lê và mận được trồng tại hầu hết các xã, thị trấn. Để nâng cao giá trị cây ăn quả, năm 2023, huyện Si Ma Cai dự kiến sẽ, mở rộng thêm 250 ha cây ăn quả, quy hoạch thành vùng tập trung tại xã Lùng Thẩn, Quan Hồ Thẩn, Cán Cấu, Nàn Sín, Thào Chư Phìn.

Xã Quan Hồ Thẩn triển khai trồng cây ăn quả ôn đới.

Cây lê và cây mận được huyện Si Ma Cai xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phát triển thành vùng nông nghiệp hàng hóa gắn với việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết 10 - NQ/TU 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện Si Ma Cai chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tập trung triển khai kế hoạch; rà soát, thống kê nhu cầu trồng của người dân và khảo sát đặc điểm, các điều kiện tự nhiên.

Để tạo điều kiện cho người dân trong xây dựng mô hình kinh tế, huyện Si Ma Cai đã vận dụng các nguồn lực, chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng cây ăn quả ôn đới 17 triệu đồng/ha; đồng thời hỗ trợ người dân giống cây trồng, một số trang thiết bị, vật tư nông nghiệp.

Đến thời điểm này, toàn huyện đã triển khai trồng được 10 ha cây ăn quả ôn đới. UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương, tích cực hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cây; đồng thời chăm sóc diện tích cây ăn quả đã trồng từ những năm trước.

Nông dân liên kết trồng kiệu làm hàng hóa

Để giúp nhân dân phát triển sản xuất hàng hóa, từ giữa năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã tham mưu cho UBND huyện liên kết với Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thực phẩm Xuất khẩu Hùng Sơn (Hải Dương) thực hiện mô hình sản xuất củ kiệu vụ thu đông năm 2022.

Diện tích kiệu trồng vụ thu đông năm 2022 tại xã Bản Mế sắp cho thu hoạch củ.

Mô hình triển khai trồng 9 ha kiệu tại thị trấn Si Ma Cai, xã Quan Hồ Thẩn và xã Bản Mế. Đến nay, cây kiệu phát triển tốt chuẩn bị cho thu hoạch củ.

Người dân tham gia mô hình được vay củ giống để sản xuất (1kg giống trả 1,2kg củ tươi cắt dài từ 5 - 7 cm, sạch đất). Công ty ký hợp đồng cam kết thu mua toàn bộ giống người dân sản xuất ra với giá 7.000 đồng/1kg không phân loại. Đồng thời, cho người dân ứng tiền đầu tư sản xuất 500.000 đồng/1 sào; hỗ trợ 50.000 đồng/1 sào để người dân chủ động phòng trừ sâu bệnh hại. 

Năm nay, Công ty tiếp tục liên kết với các hộ dân trồng thêm 2 ha kiệu trên địa bàn huyện Si Ma Cai. Đến nay, các hộ dân đã tiến hành xuống giống. Nếu mô hình trồng kiệu thành công, thời gian tới, Công ty tiếp tục liên kết với nông dân, mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Si Ma Cai lên 20 ha. 

Hơn 36 ha cây cát cánh đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có đầu ra

Người dân ở các xã của huyện Si Ma Cai đang khá lo lắng bởi 36,5 ha trồng cây cát cánh đã đến kỳ thu hoạch nhưng hiện chưa có đơn vị, thương lái đến thu mua.

Cây cát cánh trồng trên vùng đất Si Ma Cai phát triển tốt.

Diện tích cây cát cánh được người dân Si Ma Cai xuống giống trồng từ tháng 11/2021, tập trung ở các xã: Lùng Thẩn, Cán Cấu, Nàn Sán, Quan Hồ Thẩn với khoảng 50 hộ tham gia. Toàn bộ diện tích cây cát cánh trên do các hộ dân tự mua giống về trồng thay thế trên đất trồng ngô kém hiệu quả và diện tích đất đồi trước đây để trống.

Cây cát cánh trồng trên vùng đất Si Ma Cai được đánh giá phát triển tốt và năm ngoái việc tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, diện tích cát cánh trồng niên vụ 2021 - 2022 đã bước vào mùa cho thu hoạch, nhưng hiện nay, nông dân đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, do chưa có đơn vị, thương lái đến thu mua.

Nỗi buồn cây dược liệu

Trong 21 chỉ tiêu phấn đấu của huyện Si Ma Cai năm 2022, chỉ có 1 chỉ tiêu không hoàn thành là phát triển cây dược liệu. Năm 2022, huyện Si Ma Cai thực hiện được 38,62 ha, bằng 42,9% kế hoạch giao và bằng 82,9% so với năm 2021.

Ông Trần Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Ngay từ đầu năm, trung tâm đã mời một số doanh nghiệp trong nước đến khảo sát điều kiện tự nhiên, đánh giá tiềm năng phát triển, tuy nhiên các doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Diện tích trồng cây dược liệu Si Ma Cai năm 2022 chỉ đạt 42,9% so với kế hoạch được giao.

Việc phát triển cây dược liệu đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, kỹ thuật cao, trong khi đó, nguồn hỗ trợ sản xuất còn thấp, dẫn đến người dân không thiết tha với cây dược liệu. Phần lớn diện tích cây dược liệu hiện nay trên địa bàn huyện là cát cánh (hơn 30 ha), trồng chủ yếu ở xã Nàn Sín và xã Lùng Thẩn, còn lại một phần nhỏ là diện tích cây đương quy, tam thất và cây dược liệu khác.

Một nguyên nhân nữa khiến việc trồng dược liệu khó khăn là sự tụt hậu về nghiên cứu sản phẩm và đầu tư công nghệ chế biến. Hầu hết sản phẩm từ dược liệu ở dạng thô, chủ yếu là phơi khô hoặc ngâm rượu, rất ít sản phẩm tinh chế, đóng gói, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, trên địa bàn huyện duy nhất có Hợp tác xã Mản Thẩn (xã Quan Hồ Thẩn) chế biến dược liệu theo dạng sản phẩm sấy khô, túi lọc, đóng gói có bao bì, nhãn mác. Mặc dù đã đưa các sản phẩm dược liệu Si Ma Cai lên sàn giao dịch điện tử nhưng lượt người xem thì nhiều mà lượt người mua thì rất ít.

Cây cát cánh đã đến vụ thu hoạch nhưng rất khó về đầu ra, nông dân đang tự tìm các kênh tiêu thụ. Giá cát cánh trên thị trường bấp bênh, giá thu mua bình quân khoảng 15 nghìn đồng/kg. Như vậy, người trồng chỉ lấy công làm lãi. Trước đây, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đến thu mua cát cánh vì đây là dược liệu dùng cho sản xuất các sản phẩm chữa ho, nhu cầu rất cao. Giờ đây, đại dịch đã được kiểm soát và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã khuyến cáo nhưng người dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

Năm 2022, khép lại với nhiều trăn trở cho việc duy trì và phát triển vùng dược liệu trên địa bàn huyện Si Ma Cai. Kinh tế dược liệu vẫn chưa đóng góp tương xứng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Làm thế nào để nâng cao giá trị dược liệu, chế biến sâu thay vì xuất thô đang là vấn đề đặt ra cho huyện nghèo này.

Ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: Huyện xác định cây dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai. Do vậy, sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu; thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, vận động các hợp tác xã và người dân trên địa bàn tích cực trồng cây dược liệu. Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2025 và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Huyện Si Ma Cai sẽ tiếp tục mời các doanh nghiệp có tiềm lực để khảo sát thực tế, lập dự án đầu tư sản xuất dược liệu. Trường hợp không tìm được nhà đầu tư, huyện sẽ báo cáo tỉnh chuyển sang dự án hỗ trợ cộng đồng thông qua các tổ liên kết hợp tác sản xuất.

Ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân khôi phục lại diện tích dược liệu (đương quy, đẳng sâm) trước đây. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền các xã hướng dẫn người dân kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc cây dược liệu, đồng thời định hướng nông dân liên kết thành tổ hợp tác, hình thành vùng trồng cây có quy mô, diện tích lớn để đầu ra được tập trung.

V.N (tổng hợp - nguồn baolaocai.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top