Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 3 năm 2024 | 9:42

Nhà vườn Tân Phú chủ động phòng chống hạn mặn

Năm 2024, hạn mặn xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) đã chủ động phòng tránh hạn mặn, bảo vệ cây trồng.

Bà Cao Thị Chiên chia sẻ về giải pháp phòng chống hạn mặn năm 2024 của gia đình.

Tổ phó Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú Nguyễn Văn Út Tám chia sẻ: “Nhà vườn trồng sầu riêng ở địa phương luôn trong tư thế chủ động chuẩn bị những sản phẩm tẩy phèn, tẩy mặn để ứng phó hạn mặn, kịp thời đưa chất dinh dưỡng cho cây trồng. Chúng tôi thường xuyên đến các tổ hợp tác (THT) cây ăn trái trong từng ấp họp hàng tháng và triển khai cho nhà vườn giải pháp phòng tránh hạn mặn”.

Theo nhà vườn trồng sầu riêng, mỗi công vườn trồng trung bình từ 20 - 22 cây sầu riêng, tưới khoảng 800 lít nước/công/ngày (trung bình từ 30 - 40 lít/cây/ngày) lúc chưa hạn mặn. Khi hạn mặn xảy ra, điều chỉnh lượng nước và thời gian tưới hợp lý. Cụ thể khoảng 1 tuần/lần sẽ tưới cho cây trồng.

“Chúng tôi luôn nghe báo, đài thông tin và Trạm Khuyến nông cùng Đài Truyền thanh xã, ấp nhắc nhở trong việc thường xuyên tiến hành nạo vét kênh mương để trữ nguồn nước ngọt cũng như đậy kín cống nước. Ở đây, chúng tôi cũng đã thành lập Đội đậy cống cá nhân. Khi hạn mặn, chúng tôi sẽ tiến hành đóng cống lại để trữ nguồn nước ngọt dự trữ, nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hết giai đoạn hạn mặn, chúng tôi sẽ xả nguồn nước ngọt đã dự trữ trong mương vườn ra tự nhiên, nhằm giúp điều hòa nguồn nước”, bà Cao Thị Chiên, 71 tuổi, ngụ ấp Hàm Luông, xã Tân Phú bộc bạch.

Tổ trưởng THT sầu riêng ấp Hàm Luông Cao Thị Chiên cho biết: “Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú đã tuyên truyền, vận động hội viên, người dân địa phương tích cực bảo vệ môi trường sống và nguồn nước tự nhiên như: không được xả thải hay vứt rác bừa bãi xuống kênh, rạch. Tận dụng ao, hồ hay những vật dụng (bồn, lu, hũ, kiệu) của gia đình để trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất phòng khi hạn mặn kéo dài. Hiện tại, nhà vườn trồng sầu riêng cũng như người dân địa phương đã chủ động trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó với tình hình hạn mặn hàng năm.

Năm 2017, THT Sầu riêng ấp Hàm Luông được thành lập, với 11 tổ viên là nữ tham gia. Nay, THT có 55 tổ viên (42 nữ và 13 nam). Diện tích trồng sầu riêng trung bình từ 3.000 - 30.000m2/tổ viên. Tháng 12-2023, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam hỗ trợ kinh phí và phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cùng xã Tân Phú tiến hành xây dựng hồ chứa nước ngọt tại hộ bà Cao Thị Chiên. Hồ có sức chứa hơn 1.000m3 nước; kinh phí xây dựng hơn 280 triệu đồng; với thiết kế dài 32m, ngang (một đầu 6,5m và đầu còn lại 12m), sâu hơn 3,5m. Bà Chiên có 9.000m2 đất canh tác sầu riêng giống Ri6, thu hoạch 1 vụ/năm (từ 2 - 3 tấn/công), có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ths Lê Trí Nhân - Phó trưởng phòng Tư vấn dịch vụ nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác phòng chống hạn mặn của nhà vườn trồng sầu riêng cũng như người dân xã Tân Phú khá tốt. Người dân đã chủ động trữ nước ngọt trong mương vườn, bón phân hữu cơ, phun các loại phân bón lá để tăng cường sức đề kháng cho cây trồng. Bên cạnh đó, Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú cũng sâu sát cùng nông dân, phối hợp với cơ quan liên quan đến tận vườn của người dân để nắm tình hình và đề xuất những biện pháp hữu hiệu trong phòng chống hạn mặn.

 

Lê Đệ/Báo Đồng Khởi
Ý kiến bạn đọc
Top