Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 12 năm 2022 | 13:30

Nhân rộng mô chăn nuôi dê sinh sản: Tuyên Quang định hình cách làm mới

Sau 9 tháng thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Bình An (Lâm Bình - Tuyên Quang), đàn dê phát triển tốt, sinh sản đạt trên 1,6 lứa/năm, trọng lượng dê con mới sinh đạt 2,3kg/con, hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với trước đây.

Xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản

Nuôi dê ở huyện Lâm Bình nói chung và xã Bình An nói riêng có từ lâu, tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự do. Các hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún, dê chủ yếu được thả trên đồi núi, mặt khác giống dê được nuôi ở đây là giống dê địa phương, mắn đẻ, thời gian mang thai ngắn, thích ứng tốt với điều kiện nuôi chăn thả ở miền núi, tốc độ tăng đàn nhanh, nhưng năng suất thấp và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để thay đổi tập quán cũ, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lâm Bình và UBND xã Bình An triển khai Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Bình An, huyện Lâm Bình”. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống, vật tư chăm sóc. 5 hộ được chọn là những hộ có chuồng trại, diện tích trồng cỏ, diện tích bãi chăn thả, nhân công lao động, vốn đối ứng... cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi dê và cam kết thực hiện theo đúng kỹ thuật.

Trong quá trình thực hiện, công tác kiểm tra luôn được quan tâm đảm bảo đàn dê phát triển, sinh trưởng tốt.

Dự án hỗ trợ vật tư thức ăn và 50 con dê giống lai Boer, trong đó có 5 con dê đực và 45 con cái, tổng trị giá hơn 342 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (mỗi hộ được hỗ trợ 9 con dê cái, 1 con dê đực). Trước khi nhận con giống, các hộ được tập huấn những kiến thức cơ bản trong nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh. Do vậy, các hộ nắm được kỹ thuật chăm sóc, đàn dê khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, được sự hướng dẫn thường xuyên của cán bộ chỉ đạo trong quá trình theo dõi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt.

Kết quả là, sau 9 tháng thực hiện mô hình, dê sinh sản đạt trên 1,6 lứa/năm, trọng lượng dê con mới sinh đạt 2,3kg, hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với trước đây. Mô hình đã giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Bình An; nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Đào tạo được đội ngũ cán bộ cơ sở và người chăn nuôi, đặc biệt là nâng cao trình độ, nhận thức trong chăn nuôi.

Nhân rộng mô hình

Theo bà Nguyễn Thị Kim, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, mô hình đã đạt yêu cầu đề ra, hiện đã nhân rộng được xấp xỉ 20% kế hoạch. Thời gian tới, sẽ giao quản lý số dê này cho địa phương theo hình thức nhân rộng, các hộ nhận 10 con dê sau này trả lại cho xã 10 con dê. Trước đây, nhận 9 con dê cái, 1 con đực thì nay trả lại 8 con cái, 2 con đực, để từ một hộ nhân thành 2 hộ, mỗi hộ được nhận 5 con (4 cái, 1 đực), tiếp tục F2, F3, F4 cũng vậy. Xã xây dựng kế hoạch này để thay thế dần đàn dê địa phương.

Anh Lý Hữu Chu (thôn Tân Hoa, xã Bình An), một trong 5 hộ tham gia dự án, cho biết, trước khi thực hiện, anh được hướng dẫn làm chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Hiện, cả 9 con dê đang mang thai, phát triển tốt. So với trước đây, chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc tốt nên dê khỏe mạnh, phát triểt tốt hơn. Do vậy, việc tăng đàn cũng ổn định hơn vì sức khỏe của dê tốt hơn.

Từ việc nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế chăn nuôi dê, người chăn nuôi thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, thu hút vốn và nhân công nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho người lao động, tạo nghề mới, tận dụng lao động phụ, giải quyết vấn đề dư thừa lao động trong nông thôn dựa trên ứng dụng thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giải quyết bất cập về môi trường do chăn nuôi gây ra thông qua công tác tập huấn, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang bàn giao dê giống và cám cho các hộ tham gia mô hình.

Với việc hỗ trợ dê giống tốt, ngoài những hộ tham gia mô hình hưởng lợi, một vài năm sau, người chăn nuôi trong vùng cũng được sử dụng giống tốt đó để nhân rộng và tạo tiền đề cho việc tăng sản lượng thịt một cách có định hướng.

Với những kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ kinh phí để Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai các mô hình thuộc dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022-2024 vào những năm tiếp theo trên địa bàn huyện Lâm Bình, để người dân được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật trong phát triển nuôi dê nói chung và nuôi dê lai sinh sản nói riêng.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Lâm Bình tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện mô hình và lồng ghép nguồn vốn phát triển sản xuất của địa phương để tổ chức các cuộc tham quan, học tập kết quả của mô hình và chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn. UBND xã Bình An tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện đảm bảo mục tiêu kế hoạch tăng quy mô đàn, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt dê và tăng cường thông tin, tuyên truyền về kết quả mô hình để nhân rộng ra các thôn trong toàn xã.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top