Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 4 năm 2024 | 18:9

Nhiều địa phương lên phương án PCCC rừng mùa nắng nóng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, vào tháng 4-6/2024, nắng nóng sẽ xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ, sau đó mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Do vậy, hiều địa phương lên phương án phòng chống cháy, nổ trong mùa nắng nóng

Hơn 6.770 ha rừng ở Phú Quốc có nguy cơ cao xảy ra cháy

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết TP Phú Quốc đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết liệt phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng giai đoạn cao điểm mùa khô, với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra. Thống kê trên địa bàn TP Phú Quốc hơn 36.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp tự nhiên. Trong đó, có hơn 29.610 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng phòng hộ, với ba hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm úng phèn, rừng thường xanh rụng lá cây họ dầu.

Theo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, hiện có hơn 6.770 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao, dự báo cháy cấp năm, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Tập trung các biện pháp nâng cao công tác phòng, chống cháy rừng. Ảnh: QĐND.

Từ thực tế đó, Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc đang tiếp tục phối hợp với Vườn quốc gia Phú Quốc và chính quyền địa phương các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tăng cường PCCC rừng.Cạnh đó, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao trên các lâm phần. Từ đó, có thể xử lý kịp thời tình huống xấu xảy ra, PCCC theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Mặt khác, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để phát hiện xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm PCCC rừng. Đặc biệt, không chủ quan, lơ là trong giai đoạn cao điểm mùa khô đang diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, chính quyền TP Phú Quốc cũng đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC-CHCN các cấp; tổ đội PCCC cơ sở... với hơn 900 người tham gia. Trong đó, có 63 tổ, đội PCCC rừng cơ sở các xã, phường và 16 đội của các công ty, doanh nghiệp thuê môi trường rừng... luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Song song đó, TP Phú Quốc cũng đã thực hiện cày, ủi các đường băng cản lửa, đường cơ động phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy trên địa bàn các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu và Hàm Ninh; cách ly diện tích hơn 410 ha đồng cỏ ra khỏi rừng gỗ lớn.

Bố trí cắm 117 bảng nội quy bảo vệ rừng, bảng dự báo cấp cháy rừng, bảng cấm các hành vi xâm hại đến rừng, bảng hướng dẫn vào giếng, bồn chứa nước, hệ thống tháp canh lửa tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Thống kê từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn TP Phú Quốc xảy ra bảy vụ cháy rừng tại khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, tổng diện tích rừng bị cháy hơn 14 ha. Hiện trạng rừng bị cháy là dây leo, cây bụi, cây tràm nước tái sinh và rừng trồng tràm bông vàng. Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân cháy là do người dân đốt nhằm mục đích chiếm đất, sử dụng lửa bất cẩn của người dân...

Cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính một vụ. Ngoài ra, đối với bốn vụ cháy có diện tích thiệt hại vượt khung xử lý hành chính và có dấu hiệu hình sự tội hủy hoại rừng, các cơ quan chức năng phối hợp khám nghiệm hiện trường các vụ cháy, điều tra, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án theo quy định.

Chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả

Trước đó, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Điện Biên cho biết, với sự vào cuộc kịp thời, sự nỗ lực dập lửa cứu rừng của 863 người từ các lực lượng gồm: Công an, Quân đội, dân quân xã, thanh niên, nhân dân trên địa bàn và lực lượng Kiểm Lâm Điện Biên, đến 17 giờ cùng ngày, vụ cháy rừng xảy ra tại tiểu khu 562A thuộc địa phận xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa đã cơ bản được khống chế.

Theo thống kê nhanh, diện tích rừng bị cháy khoảng 42,17 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và một ít diện tích rừng trồng lâu năm. Trong đó, diện tích bị cháy thiệt hại cây rừng khoảng 0,97 ha, còn lại là cháy dưới tán không ảnh hưởng đến tầng cây chính của rừng.

Hiện, đám cháy đã được khống chế, tuy nhiên địa bàn vẫn trong tình trạng nắng nóng, gió to, tiềm ẩn nguy cơ lửa bùng phát. Trước tình hình trên, UBND huyện Tủa Chùa, bố trí lực lượng canh phòng điểm cháy bùng phát; đồng thời yêu cầu các thôn, bản tuyên truyền trên loa truyền thanh yêu cầu nhân dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống cháy rừng; sẵn sàng tham gia chữa cháy khi cháy xảy ra…

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Mường La (Sơn La), khoảng 9 giờ ngày 1/4, xảy ra đám cháy rừng tại bản Lướt, xã Ngọc Chiến thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, tổng diện tích đám cháy 2,5 ha rừng tự nhiên. Nguyên nhân cháy do người dân đốt thực bì làm nương để cháy lan vào rừng. Ngay khi phát hiện xảy ra cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo, huy động hơn 200 người thuộc các lực lượng và nhân dân trên địa bàn xã Ngọc Chiến tham gia chữa cháy. Đến 12 giờ 15 phút cùng ngày đám cháy được khống chế và tắt hoàn toàn.

Tiếp đó, vào khoảng 15 giờ, ngày 2/4, tại Khu rừng phòng hộ thuộc xã Nặm Păm xảy ra đám cháy rừng tại bản Huổi Hốc. Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích đám cháy 1,9 ha; trong đó, 0,9 ha là rừng núi đá chưa có trữ lượng và 1 ha cỏ gianh, lau lách, không thiệt hại cây lâm nghiệp. Hơn 350 người gồm các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và nhân dân bản Huổi Hốc đã tham gia chữa cháy. Đến 7 giờ 50 phút ngày 3/4 đám cháy được khống chế và dập tắt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 2 khu vực đang có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan nhanh là Khu vực rừng của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 thuộc huyện Tân Hồng và Khu vực rừng Trại Động Cát ở huyện Tháp Mười. Đây là hai khu vực rừng đang phải chịu nắng nóng hơn 37 độ C, có nhiều vật liệu khô dưới chân tán rừng rất dễ cháy, nếu xảy ra cháy cực kỳ nguy hiểm khó dập tắt lửa. Ngoài ra, tại tỉnh còn có 3 khu vực dự báo có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp IV cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn ở Khu A1, A3, A4, A5 Vườn quốc gia Tràm Chim; Khu Di tích Gò Tháp (Khu vực sau đền thờ, khu kêu gọi đầu tư) và Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, huyện Tháp Mười, Khu vực cặp lộ kênh Hội kỳ nhất.

Từ đầu năm đến nay, 10 đơn vị, chủ rừng trong tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm nhập rừng khai thác trái phép tài nguyên rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các chủ rừng triển khai theo kế hoạch. Phương tiện, thiết bị… phục vụ chữa cháy rừng được trang bị đầy đủ đảm bảo công tác chữa cháy rừng được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Trước đó, ngày 22/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau nhận được tin báo của Chủ tịch UBND xã Khánh An phát hiện vụ cháy rừng xảy ra tại thửa đất của hộ gia đình, cá nhân (được giao đất theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP), thuộc ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh. Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện U Minh khẩn trương điều động 1 tổ máy bơm và 9 lực lượng chữa cháy, sau 20 phút đã có mặt tại hiện trường để tham gia cùng với lực lượng tại chỗ của UBND xã Khánh An thực hiện chữa cháy rừng. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, các lực lượng chữa cháy đã khoanh được đám cháy và dập tắt lửa hoàn toàn trên toàn diện tích các đám cháy.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Tại Thừa Thiên-Huế, dù mới bắt đầu mùa nắng nóng, nhưng nỗi lo cháy rừng đã hiện hữu đối với các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng. Với phương châm “phòng là chính”, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với các ban, ngành triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cháy rừng. Theo đó, tuần tra, giám sát tại các cánh rừng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để sớm ngăn chặn và xử lý nhanh gọn đám cháy khi vừa mới phát hiện.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Nam Bộ nắng nóng liên tục nhiều ngày. Thời tiết tỉnh Đồng Tháp trong 15 ngày tới tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35 độ C đến 37 độ C.

Ông Nguyễn Phước Thành, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, để chủ động trong phòng cháy, chữa cháy, Chi cục đề nghị các chủ rừng đưa nước vào rừng giữ ẩm, thường xuyên vận hành máy chữa cháy 2 lần/tuần; phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở, trạm chốt, đài quan sát. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, phát hiện cháy sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng…

Vào mùa nắng nóng hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024. Công tác kiểm tra tập trung vào phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy của chủ rừng; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và quy định hiệu lệnh khi có cháy xảy ra; tuyên truyền, gắn các bảng cấm lửa, cấm xâm nhập rừng; làm sạch thực bì để cản lửa; tổ chức tuần tra theo dõi ở những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; công tác trực phòng cháy chữa cháy 24/24 giờ của các chủ rừng trong mùa khô …

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 35.600 ha trong tổng số 45.679 ha rừng (chiếm 78%) đang bị khô hạn, nguy cơ cháy cao. Hiện tỉnh ghi nhận có hơn 15.460 ha rừng ở mức báo động cấp cháy nguy hiểm (cấp IV), hơn 12.500 ha rừng ở mức báo động cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Diện tích rừng bị khô hạn, có nguy cơ cháy cao tập trung phần lớn tại khu vực rừng của Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hạt Kiểm lâm Rừng cụm đảo Hòn Khoai và các địa phương có rừng trên địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Đề phòng, ngăn chặn xảy ra cháy rừng gây thiệt hại lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng túc trực, sẵn sàng ứng phó, chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài. Các đơn vị, chủ rừng tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia và có ý thức chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng từ nay đến kết thúc mùa khô; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các hộ dân. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.500 hộ dân đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các chủ rừng tăng cường phối hợp giữa các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và người dân trong việc theo dõi cảnh báo cháy rừng; kịp thời xử lý tình huống cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan; công bố đường dây nóng để người dân báo tình hình, diễn biến khô hạn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các địa phương có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt chú trọng các khu rừng ở phía Bắc bị ảnh hưởng do đợt rét đậm, rét hại vừa qua, tạo ra lớp vật liệu cháy lớn trong rừng.

Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước...

Cùng với đó, ác địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ plo, suckhoedoisong, baotintuc...)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động được nghỉ 5 ngày. Với thời gian nghỉ lễ khá dài, nhiều người dân Hà Tĩnh đã lựa chọn hành hương về địa chỉ đỏ, các khu di tích văn hoá, tâm linh trên địa bàn Hà Tĩnh để tri ân các anh hùng liệt sỹ, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

  • Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Vài năm trở đây, xu hướng du lịch tìm về với thiên nhiên, du lịch sinh thái đang thu hút giới trẻ và người dân Hà Tĩnh. Kỳ nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 năm nay nhiều hoạt động phiên chợ nông thôn, du lịch sinh thái, ẩm thực ven đô... mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

  • Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Tối 27/04, tại Công viên Thương Bạc (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), diễn ra khai mạc Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 với chủ đề “Ẩm thực Huế với bốn phương”.

Top