Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 10 năm 2023 | 20:46

Nhiều khó khăn trong quản lý mã vùng trồng sầu riêng

Thời gian gần đây, không ít lô hàng nông sản, trong đó có sầu riêng bị nước nhập khẩu trả về do vi phạm kiểm dịch thực vật. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn trong quản lý mã số vùng trồng.

Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng sầu riêng đạt thấp

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản.

Ảnh thu hoạch sầu riêng tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phân cấp cho các địa phương quản lý mã số vùng trồng từ tháng 3 năm nay, nhưng trên thực tế không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt.

Cả nước hiện có gần 7.000 mã số vùng trồng và hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp để phục vụ xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng như: sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn, lúa, xoài... Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng chỉ vào khoảng hơn 40%, cơ sở đóng gói là 17%.

Thách thức lớn trong quản lý mã số vùng trồng

Đắk Lắk hiện là địa phương trồng sầu riêng nhiều nhất cả nước với diện tích hơn 22.500 hecta, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 11.000 hecta. Tuy nhiên đến nay, mới có 49 vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số, tổng diện tích gần 2.200 hecta sản lượng đạt khoảng 45.200 tấn.

Gần đây, không ít lô hàng nông sản, trong đó có sầu riêng không được xuất khẩu do vi phạm về kiểm dịch thực vật. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn trong quản lý mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng sầu riêng VN-ĐLOR-0079 của ông Hưởng (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) và 61 hộ dân khác không hiểu vì sao đã bị một doanh nghiệp đánh cắp để xuất khẩu, trong khi sản lượng của gần 30 ha sầu riêng trong mã vùng trồng này chưa được bán cho đơn vị nào.

Hiện, diện tích trồng sầu riêng của Đắk Lắk chủ yếu xen canh, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Quang Yên.

"Có nhiều doanh nghiệp đã đến liên hệ và ký hợp đồng để thu mua nhưng tôi vẫn chưa ký xác nhận để họ xuất khẩu. Thông tin chính thống từ chính quyền địa phương là mã vùng trồng của chúng tôi đã được xuất bán qua Trung Quốc", ông Hồ Văn Hưởng, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk, cho biết.

Còn trường hợp của hợp tác xã Vạn Xuân lại khác,số lượng thương lái thu mua sầu riêng tăng cao bất thường và chào giá cao đã khiến không ít nông dân quay lưng với hợp tác xã và doanh nghiệp có hợp đồng liên kết từ đầu.

"Bà con có tâm lý lợi nhuận, nên xúc tiến thu mua là bà con muốn bán sớm cho an toàn. Bà con bán cho các thương lái nên không xây dựng được chuỗi giá trị đối với hợp tác xã với doanh nghiệp", ông Nguyễn An Thạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vạn Xuân, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, cho hay.

Nhiều cơ sở thu mua, kho, vựa sầu riêng không đúng quy định pháp luật đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hàng trăm container ra vào các cơ sở này mỗi ngày, với lượng thu mua sầu riêng rất lớn, khó xác định được lô hàng nào nằm ở mã vùng trồng nào, hay là sầu riêng giả mạo mã vùng trồng được trà trộn vào.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, thời gian qua, công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng đã được các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, việc cấp, quản lý và sử dụng mã vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh còn gặp 1 số khó khăn như: vùng sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết giữa đại diện vùng trồng với các đơn vị chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo, thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy định hướng dẫn từ trung ương trong quản lý sử dụng mã vùng trồng cũng như chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, cụ thể cũng ảnh hưởng đến vấn đề quản lý, sử dụng mã vùng trồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, đã gửi thông tin 133 mã vùng trồng diện tích gần 2.900 hecta và đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp mã vùng để xuất khẩu chính ngạch.

Còn vướng nhiều tiêu chuẩn để cấp mã vùng trồng

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần BVI chuyên về tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho biết, ngành sầu riêng của Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết.

Cụ thể, hiện trạng sản xuất sầu riêng của Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có các vùng nguyên liệu rộng lớn. Trình độ kỹ thuật canh tác của nông dân còn thiếu và yếu cả về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu cũng như kỹ thuật canh tác.

Nông dân cũng đang thiếu thông tin của thị trường về yêu cầu của sản phẩm, thông tin của thị trường về yêu cầu kỹ thuật theo quy định nhập khẩu. HTX, người dân trồng sầu riêng đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, mở rộng diện tích, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu chung giữa các tỉnh trong vùng chuyên canh cây sầu riêng nói chung về thông tin sản phẩm như: Giống sầu riêng, loại sản phẩm cung cấp ra thị trường, sản lượng bao nhiêu, thời gian thụ hoạch cụ thể... Ngoài ra cũng chưa có cơ sở dữ liệu cụ thể về nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngoài nước, các kênh phân phối chính… để thuận lợi trong việc tổ chức tiêu thụ.

Chính vì vậy, các nhà sản xuất là người dân, HTX ở các địa phương không thể biết để sản xuất hay mở rộng diện tích nhằm cung ứng phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, người dân, HTX thiếu tư duy chịu trách nhiệm, thiếu tính cam kết trong liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Người dân mong muốn Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk sẽ phát huy vai trò "chỉ huy", đưa vào cấp, quản lý, duy trì mã số vùng trồng một cách đúng nghĩa, hiệu quả thực sự.

“Những vấn đề trên đang cản trở ngành sầu riêng của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung phát triển. Hiệp hội sầu riêng ra đời nếu giải quyết được những nội dung trên thì sẽ giúp ngành hàng này sánh ngang với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia”, ông Trung chia sẻ.

Ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho rằng, ngành sầu riêng của chúng ta tương đối thuận lợi bởi phía Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch. Tuy nhiên sau một thời gian còn có những bất cập trong khâu thu mua nên giá cả của quả sầu riêng lên xuống bấp bênh, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng theo ông Huy, công tác thiết lập mã số vùng trồng còn thiếu tính chuyên nghiệp. Như ở một số nơi diện tích trồng xen canh rất phổ biến, hay quy trình sản xuất chưa được bài bản và tập chung. “Trước những tình hình còn bất cập hiện nay, chúng tôi rất mong muốn có Hiệp hội sầu riêng phát huy vai trò trong việc xây dựng một bộ quy tắc trong hoạt động chế biến, thu mua, xuất khẩu. Hiệp hội cũng là nơi để kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp để có điều kiện chia sẻ các thông tin như chất lượng hàng hóa, và tổ chức thu mua, tổ chức đóng gói và dự báo tình hình sản lượng của nước nhập khẩu”, ông Huy kiến nghị.

Còn theo bà Ngô Thị Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, sầu riêng Việt Nam có những lợi thế nhất định về vị trí địa lý cũng như một số thương hiệu đã được người tiêu dùng biết đến.

Tuy nhiên bà Vy cho biết, thực tế còn quá nhiều nỗi lo khi chúng ta chưa đồng bộ về chất lượng mà chỉ đang chạy theo lợi nhuận quá nhiều. Hiện nay, chúng ta cũng chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với quả sầu riêng xuất khẩu. Chính vì điều này nên đã xảy ra một số tiêu cực trong việc tiêu thụ.

“Hiệp hội sầu riêng được thành lập sẽ là điều kiện để có thể đưa ra được những tiêu chí bắt buộc về tiêu chuẩn sản phẩm để ngành sầu riêng phát triển. Tổ chức này cũng sẽ thay mặt doanh nghiệp, người dân đồng hành cùng nhà quản lý để kiểm soát về chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu quốc gia cho quả sầu riêng. Việc này cực kỳ quan trọng, vì bất kỳ người nào khi tham gia vào chuỗi liên kết dù là nông dân, HTX cũng đều hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của các hình thức chế tài trong mỗi phân khúc. Việc này sẽ giúp đồng bộ về chất lượng. Khi có được điều này, chúng ta mới phát huy hết được lợi thế mà ngành sầu riêng đang có”, bà Vy nói.

Mã vùng trồng phải đi vào thực chất

Mới đây, việc UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thành lập Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đã khiến nhiều HTX, doanh nghiệp kỳ vọng tổ chức này sẽ gắn kết, giúp ngành hàng này phát triển, đặc biệt trước mắt là thúc đẩy việc xây dựng, quản lý và duy trì mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 4 mã vùng trồng với diện tích 49,5ha sầu riêng xuất khẩu. Đây là một trong những HTX được cấp mã vùng trồng đầu tiên của cả nước nhưng một số thời điểm còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông cho biết, khi cấp mã vùng trồng, đơn vị đã liên kết với một doanh nghiệp để thu mua sầu riêng cho các thành viên. Tuy nhiên, đến gần thời điểm thu hoạch, một số công ty đã liên hệ trực tiếp với thành viên HTX đưa ra giá cao hơn khiến người dân muốn... "đòi lại" mã vùng trồng để tự mua bán!

Theo ông Chiến, việc này khiến cho mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp bị đứt. “Hiệp hội sầu riêng ra đời cần có giải pháp điều tiết làm sao để giá sầu riêng ổn định. Tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp chịu lỗ 1 - 2 tỷ đồng để mua sản phẩm với giá cao nhằm khẳng định uy tín cũng như lôi kéo nông dân.

Ngoài ra, cần có phương án quản lý, xây dựng mã vùng trồng như thế nào để sản phẩm đưa ra thị trường chất lượng đồng nhất. Hiện nay, việc xây dựng mã vùng trồng diễn ra ồ ạt, tập trung đăng ký nhưng không quản lý được, thậm chí có nơi đăng ký mang tính phong trào, không có nhu cầu hoặc không có định hướng xuất khẩu cũng đăng ký mã số vùng trồng rồi để đó chứ không thực chất hướng tới xuất khẩu. Người dân, doanh nghiệp chỉ mới tập trung đăng ký mã vùng trồng, còn việc duy trì các quy định kỹ thuật về vùng trồng, về chất lượng sản phẩm ra sao sau khi được cấp mã vẫn còn bỏ ngõ.

Bên cạnh việc quản lý mã vùng trồng còn bất cập, doanh nghiệp, nông dân, HTX của nước ta vẫn còn lúng túng, mù mờ về thông tin thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh.

"Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ra đời nếu giải quyết được các vấn đề này thì tôi nghĩ ngành sầu riêng Đắk Lắk sẽ phát triển”, ông Chiến nói.

Tương tự, bà Hạ Thị Hà Huyền, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Vạn Xuân (huyện Cư Kuin) cho rằng, thị trường Trung Quốc mở cửa cho phép xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt trong đó có ngành hàng sầu riêng là một bước chuyển mình lớn.

Theo bà Huyền, HTX đồng hành, hướng dẫn cùng người sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có việc thiết lập mã vùng trồng, quy trình canh tác theo quy định của nước nhập khẩu. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, HTX cũng gặp một số khó khăn như việc trồng xen canh, diện tích nhỏ lẻ cho nên việc lập, xét duyệt hồ sơ mã vùng trồng còn chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Việc HTX liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp diễn ra cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân như hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để đạt chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng mã vùng trồng cần có những thoả thuận hợp lý, phù hợp, tránh các trường hợp tranh chấp. Đặc biệt hiện thị trường đang bị bỏ ngõ, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

“Chúng tôi kỳ vọng sự ra đời của Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk có thể giải quyết được các vấn đề nổi cộm trên để người dân và HTX yên tâm sản xuất, cùng nhau tạo nên một thương hiệu nông sản Việt vươn tầm quốc tế”, bà Huyền đặt niềm tin.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top