Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 6 năm 2023 | 11:21

Những bước đi tiên phong và kết quả vượt trội trong tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang

Trong lĩnh vực nông nghiệp, người sản xuất lo lắng nhất là “được mùa, mất giá”, hay phải nhờ tới sự “giải cứu” của cộng đồng, người tiêu dùng. Trên thực tế đã có nhiều sản phẩm nông sản phải “giải cứu”.

Tuy nhiên, với quả vải, Bắc Giang là địa phương tiên phong với việc nói không với “giải cứu”, mặc dù vải thiều tại địa phương sản lượng lên tới gần 200.000 tấn, thời gian thu hoạch ngắn nhưng vẫn tiêu thụ tốt. Thành tựu này đạt được nhờ đâu?

Chất lượng là chìa khóa thành công

Với các sản phẩm nông nghiệp, chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là với thị trường khó tính. Nhận thức được vấn đề này, những năm qua,  Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng quả vải. Năm 2023, diện tích vải thiều của tỉnh là 29.700ha, sản lượng ước trên 180.000 tấn.

Để vải thiều bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường, nhất là phục vụ xuất khẩu, Bắc Giang duy trì 178 mã số vùng trồng vải thiều đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, với diện tích 16.694,9ha. Đồng thời, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp thêm 45 mã số vùng trồng, với diện tích 1.029,7ha nâng tổng số vùng sản xuất lên 223 vùng trồng, với diện tích 17.724,6ha; sản lượng ước  trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cùng đoàn công tác thăm vườn vải thiều của hộ ông Trần Văn Hành ở thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn.

Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vận động hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ việc kiểm dịch thực vật... của từng thị trường nhập khẩu để triển khai tổ chức vùng sản xuất đáp ứng các tiêu chí của các nước nhập khẩu đề ra, nhất là đối với thị trường cao cấp (Mỹ, Úc, Nhật Bản...).

Đặc biệt, để đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nhiều phân khúc thị trường, Bắc Giang chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương tập trung theo dõi, nắm bắt, chỉ đạo sâu sát hoạt động sản xuất, chế biến. Thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đảm bảo thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu; chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, bao bì tem nhãn, thùng xốp, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch theo yêu cầu của thị trường.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết, Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có của vải thiều Bắc Giang làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững; tạo thế mạnh, chỗ đứng vững chắc trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước. Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch rất bài bản cho quá trình sản xuất, luôn chú trọng mở rộng diện tích sản xuất vải thiều chất lượng cao, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng phục vụ tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xúc tiến tiêu thụ, yếu tố quyết định sự thành bại

Để vải thiều tiêu thụ thuận lợi, Bắc Giang đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài việc tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại hai huyện trọng điểm Tân Yên, Lục Ngạn, tỉnh còn thành lập các đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc); khảo sát thị trường các cửa khẩu của Lào Cai, Lạng Sơn, các chợ đầu mối phía Nam.

Làm việc với một số tỉnh, thành phố, hệ thống phân phối, chợ đầu mối… đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều cũng như các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Đồng thời, tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Mỹ.

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, năm nay dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn bình thường mới, các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các quốc gia được mở cửa nên dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu sẽ tăng. Hoạt động xuất khẩu tập trung chủ yếu vào thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông… Điểm mới trong hoạt động xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm nay là UBND tỉnh giao cho các địa phương trực tiếp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Việc tỉnh Bắc Giang chủ động tổ chức các hội nghị, xúc tuyến, quảng bá, góp phần tiêu thụ tốt hơn mỗi khi vụ vải thiều đến.

Theo đó, UBND huyện Tân Yên sẽ chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm; huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, lễ xuất hành vải thiều Lục Ngạn vào thị trường miền Nam và Trung Quốc.

Sở Công Thương cũng tổ chức một loạt sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Bên cạnh công tác xúc tiến tiêu thụ của chính quyền địa phương, người trồng vải cũng chủ động kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm. Điển hình nhóm hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) đã ký hợp đồng liên kết, bao tiêu quả vải với Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (TP. Hà Nội). Doanh nghiệp gắn thẻ cho từng cây vải, đồng thời hỗ trợ các hộ kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và thu mua toàn bộ sản lượng vải thiều của 13 hộ trong nhóm với giá ổn định.

Nói không với “giải cứu”

Việc sản xuất, xúc tiến, tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang đã trở thành điểm sáng, thể hiện rõ nhất vào vụ thu hoạch năm 2021, với sản lượng hơn 200.000 tấn. Quả vải chín đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mà Bắc Giang là tâm dịch “nóng” nhất  cả nước. Lường trước khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã chủ động các biện pháp linh hoạt, sáng tạo bảo vệ vùng vải thiều an toàn không Covid-19; kịp thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ, giúp người dân đưa quả ngọt vượt “bão” Covid-19.

Bắc Giang đã sớm chủ động xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải, trong đó tình huống dịch ảnh hưởng toàn diện, hoạt động nhỏ giọt, sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước 90%, xuất khẩu 10%. Đặc biệt, Bắc Giang đã chủ động kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở luồng xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi có giấy xác nhận an toàn do Chủ tịch UBND tỉnh cấp.

Đồng thời, đề nghị các các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp, kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố tích cực tham gia tiêu thụ nông sản của Bắc Giang.

Đáng quan tâm, Bắc Giang chủ động gửi thông điệp tới các cơ quan báo chí truyền thông, người tiêu dùng “nói không với giải cứu vải thiều” mà cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải thiều Bắc Giang. Bởi vì chất lượng nông sản này đã được khẳng định vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe vào nhiều thị trường khó tính và tỉnh có sự chủ động trong các phương án tiêu thụ.

Chia sẻ sau vụ thu hoạch, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết, có thể nói, vải thiều Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá, tiêu thụ tốt với doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. Cách tiếp cận mới của tỉnh là không nói “giải cứu” vải thiều ngay từ đầu vụ, bởi như vậy, giá sẽ sập xuống, không xuất khẩu, không bán được. Thay vào đó, cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải - đây là bài học với vải thiều nói riêng và nông sản nói chung.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top