Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 9 năm 2023 | 14:15

Nông dân Bình Dương đồng lòng làm nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, Bình Dương không chỉ được biết đến là “thủ phủ” công nghiệp mà còn có những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều.

Để phát triển những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả  Bình Dương đã quy hoạch các khu công nghệ cao và có những chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, để không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Nông dân mạnh dạn chuyển đổi

Anh Nguyễn Văn Sơn, ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương vốn là cử nhân trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, anh mở trang trại Nam An trên diện tích hơn 30.000m2 ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) để trồng rau sạch.

Rau xấu và rau thừa, anh Sơn mua thêm heo rừng lai về nuôi. Thấy heo rừng lai mang lại lợi nhuận cao anh đã chuyển hẳn sang nuôi heo và tự chủ động hơn 80% thức ăn cho heo. Từ chuồng trại đơn giản, anh Sơn đầu tư lại theo hướng tự động ở các công đoạn nên giảm được nhân công và dễ kiểm soát đàn. Giờ đây, mỗi năm, trang trại Nam An doanh thu khoảng 60-70 tỷ đồng, lợi nhận từ 20-25%.

Một trang trại trồng chuối ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương

Anh Sơn cho biết, chi phí đầu tư trang trại tốn nhiều nhưng lợi nhuận không ổn định nên anh đã mở thêm xưởng sản xuất khép kín để làm ra các sản phẩm từ thịt heo, cung cấp ra thị trường.

“Thị trường ở Việt Nam rất bấp bênh và chưa có chính sách bảo hộ nông dân. Hiện, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa mang lại sự ổn định cho nông dân. Do đó, công ty đã sản xuất ra những sản đầu cuối để tăng giá trị nông sản lên, giúp ổn định giá cả cho sản phẩm mình tạo ra” - anh Sơn chia sẻ.

Với quan niệm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, những năm qua, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã có 73 hội viên tham gia trồng dưa lưới trên diện tích 20ha.

Các thành viên hợp tác xã không chỉ hỗ trợ nhau tìm đầu ra mà còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng công nghệ. Hiện nay, hội viên đã ứng dụng trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Israel, sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động và bán tự động… 

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long chia sẻ, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sản lượng tăng khoảng 30%, chi phí sản xuất giảm 20%, do đó hội viên đã mạnh dạn đầu tư cho dù chi phí bỏ ra ban đầu khá cao.

Theo ông Quyết: “Chúng tôi cũng đang tiến hành các bước chuyển đổi số theo chủ trương của Nhà nước. Hợp tác xã Kim Long thủ tục thuế đều sử dụng điện tử. Năm 2022, hợp tác xã cũng áp dụng nhật ký đồng ruộng điện tử bằng phần mềm của Nhật Bản tài trợ, từ đó khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc cây trồng dễ dàng, minh bạch”.

Nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân

Hiện Bình Dương có khoảng 5.763ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh có có 80 cơ sở được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (áo trắng) thăm diện tích trồng dưa lưới của hội viên (Ảnh: TL)

Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, Bình Dương đã quy hoạch 4 khu nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương với diện tích hơn 979ha.

Lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 974 trang trại với diện tích hơn 3.800ha. Bên cạnh những hộ nuôi riêng lẻ, Bình Dương có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn. Để hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả, tỉnh Bình Dương đã quan tâm, tạo điều kiện cho các trang trại.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương, chuyên nuôi bò sữa cho biết: “UBND tỉnh, cũng như các ngành, các cấp, trực tiếp là thú y và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ chúng tôi trong toàn bộ quá trình xây dựng dự án. Chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều như ưu đãi về thuế, tạo hành lang pháp lí thông thoáng để nhập máy móc thiết bị về lắp đặt, vận hành thuận lợi, không gặp khó khăn".

Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%.

Để đạt được kết quả này, Bình Dương cũng đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, nông dân được hỗ trợ vay ưu đãi đầu tư sản xuất với lãi suất thấp với thời hạn vay 8 năm.

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian tới, Hội tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Hội sẽ tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Ông Huy cho biết: “Hội nông dân tỉnh chúng tôi tiếp cận các chính sách của tỉnh để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi tích cực tuyên truyền, khai thác chính sách này để người dân có cơ hội được tiếp cận thông qua chương trình đối thoại với chính quyền, sở ngành, hay thông qua tọa đàm, diễn đàn để nông dân nắm bắt".

Để hỗ trợ nông dân chuyển đồi sản xuất sang ứng dụng công nghệ cao, Bình Dương đã chủ động hợp tác chặt chẽ, linh hoạt giữa 2 ngành khoa học- công nghệ và nông nghiệp. Tỉnh tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cho ra đời nhiều mô hình hay, cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Kiểm tra tình hình phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân tại Hà Nam

    Kiểm tra tình hình phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân tại Hà Nam

    Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa kiểm tra tình hình phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa Xxuân tại Hà Nam.

  • Cần hướng đi bền vững cho sầu riêng Kiên Giang

    Cần hướng đi bền vững cho sầu riêng Kiên Giang

    Toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 260ha trồng sầu riêng, sản lượng ước đạt 1.800 tấn/năm. Tuy sản lượng chưa nhiều so với các vùng trọng điểm khác, song, với hiệu quả kinh tế mà sầu riêng mang lại, rất cần hướng đi đúng và bền vững cho loại nông sản có giá trị cao này.

  • Làm giàu từ mô hình VAC

    Làm giàu từ mô hình VAC

    Với quyết tâm phát triển kinh tế, năm 2016, ông Nguyễn Văn Bích ở khu Xuân Quang, phường Yên Thọ (TX. Đông Triều - Quảng Ninh) mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp VAC (nuôi lợn, cá chạch và cây ăn quả).

  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top