Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 8 năm 2023 | 16:9

Nông dân Đắk Nông phục hồi sầu riêng sau thu hoạch

Sau thu hoạch, việc chăm sóc phục hồi vườn sầu riêng là khâu vô cùng quan trọng. Đây là biện pháp khởi đầu, giúp cây lấy lại dưỡng chất, bảo đảm năng suất vụ sau.

Gia đình anh Lê Hồng Thảo, tổ dân phố Tân Tiến, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), có hơn 2 ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê. Vụ này, gia đình anh thu hoạch được hơn 8 tấn sầu riêng.

Dự tính, mùa vụ sau nếu chăm sóc tốt, vườn sầu riêng của anh sẽ tăng lên 20 tấn. Anh Thảo cho biết: “Sau khi thu hoạch xong, tôi tiến hành làm cành ngay. Sau đó là rửa vườn để loại bỏ nấm bệnh, tưới phân hữu cơ và tỉa ngọn cho cây”.

Anh Lê Hồng Thảo sử dụng phân hữu cơ để bón thúc cho vườn sâu riêng

Anh Thảo đã cắt tỉa những cành mọc vượt, cành khô, các tán lá dày, cành bị sâu bệnh gây hại nặng. Kể cả những cuống trái còn sót lại trên thân hay những cành mọc thấp anh cũng cắt bỏ.

Việc cắt tỉa được anh tiến hành thường xuyên, với khoảng hai tháng một lần. Qua đó, giúp vườn sầu riêng thông thoáng, thuận lợi trong việc chăm sóc. Quá trình cắt cành, tỉa tán còn giúp giảm tình trạng sâu đục thân, bệnh vàng lá, bệnh nứt thân xì mủ… trong vườn sầu riêng.

Theo anh Thảo, vườn sầu riêng sau thu hoạch bị suy kiệt nhiều. Do đó, cần chăm sóc đúng kỹ thuật để bảo đảm sầu riêng tăng năng suất vào vụ tới.

Thông thường, từ thời điểm này đến khi làm bông, cây sầu riêng sẽ ra 3 cơi ngọn. Nếu chăm sóc tốt, cứ 45 ngày cây sẽ cho ra một cơi ngọn. Như vậy, vườn cây mới đủ sức để nuôi trái mùa tới.

Ông Lầu A Ửng, thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết, sau quá trình thu hoạch, bón phân chính là giải pháp tốt nhất giúp cây sầu riêng hồi phục khả năng sinh trưởng.

Theo kinh nghiệm của ông Ửng, trước khi thu hoạch lần cuối từ 7 – 10 ngày, nhà vườn nên tiến hành bón phân để bổ sung chất dinh dưỡng cho sầu riêng. Trong đó, bón phân hữu cơ sẽ giúp sầu riêng nhanh chóng hồi phục và phát triển xanh tốt.

Bà con nên ưu tiên sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng bón cho sầu riêng. Giai đoạn này, vườn cây phát triển mạnh về lá, cành, rễ, nên cần bón nhiều đạm và lân.

Nhà vườn có thể bón phân theo tỷ lệ 1/2 lượng phân ure, 1/2 super lân, 1/4 lượng kali (bón vùi phân trong phạm vi tán), tùy theo tình hình phát triển của vườn sầu riêng. Đồng thời, bà con tiếp tục bón vôi để cân bằng độ PH cho đất.

Bà con nên bón phân trên bề mặt và cách gốc sầu riêng khoảng 40cm. Tránh bón phân trực tiếp lên gốc sầu riêng để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ.

Sau thu hoạch, nhiều vườn sầu riêng xuất hiện đốm xanh, rong rêu trên thân, cành, lá. Đây là dấu hiệu sầu riêng bị nấm tấn công. Do đó, nhà vườn nên tiến hành phun thuốc để diệt trừ nấm.

Bà con có thể sử dụng các chế phẩm vắc xin như Mantaxyl, Manco... kết hợp với siêu đồng (Cu) và phun cho sầu riêng để diệt trừ các loại nấm.

Theo Sở NN-PTNT, chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch là khâu rất quan trọng, giúp bảo đảm năng suất vụ tới. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý, quá trình chăm sóc sầu riêng cần tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi vì, sầu riêng Đắk Nông đang hướng tới thị trường xuất khẩu là chính.

Đắk Nông có trên 6.000 ha sầu riêng, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha; sản lượng hơn 24.000 tấn/vụ. Phần lớn người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất sầu riêng để đạt các tiêu chuẩn trong nước, xuất khẩu.

Theo baodaknong.vn

Ý kiến bạn đọc
Top