Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 4 năm 2024 | 10:35

Phát triển nguồn gen dược liệu na rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai dự án khoa học “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ (2019-2024)" nhằm xác định hiện trạng, đa dạng di truyền và giá trị sử dụng của nguồn gen, từ đó tìm ra giải pháp bảo tồn, phát triển loài cây dược liệu quý.

Đến nay, lực lượng kiểm lâm đã xây dựng được mô hình vườn ươm cây giống quy mô 50.000 cây giống/năm, 2 mô hình trồng na rừng quy mô tập trung và sản xuất được 3 tấn dược liệu na rừng đạt tiêu chuẩn cơ sở… 

Vườn ươm nhân giống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Ảnh: TTXVN phát

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết, lực lượng kiểm lâm đã điều tra, xác định hiện trạng phân bố, đặc điểm nông sinh học và giá trị sử dụng của nguồn gen na rừng trên 42 tuyến tuyến qua các khu rừng đặc dụng trong vùng núi Bắc Trung Bộ, thuộc khu vực các vườn quốc gia Bến En, Pù Mát, Phong Nha-Kẻ Bàng… Lực lượng chức năng lập các OTC (tuyến điều tra) để điều tra đặc điểm hình thái, sinh trưởng, đặc điểm tái sinh và cấu trúc lâm phần của cây na rừng, thu thập và xử lý tạm thời mẫu tiêu bản trên hiện trường, qua đó phát hiện 91 cây, trong đó tại Khu bảo tồn Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) 11 cây và Khu bảo tồn Pù Hoạt (tỉnh Nghệ An) 10 cây…

Nguồn vật liệu hom giống được xử lý và chấm thuốc kích thích ra rễ cây Na Rừng. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ cho cán bộ khuyến nông và người dân địa phương về quy trình kỹ thuật sản xuất giống na rừng theo hướng dẫn GACP-WHO. Các lớp tập huấn đều đạt được mục tiêu đề ra, giúp cán bộ và người dân tham gia nắm vững kiến thức để thực hành để triển khai nhân rộng.

Đến nay, lực lượng kiểm lâm đã xây dựng được vườn giống gốc diện tích 1 ha, với 200 cây giống gốc được lựa chọn từ các cây trội để cung cấp giống, còn 800 cây giữ lại để phục vụ nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất dược liệu cơ sở. Một mô hình vườn ươm cây giống quy mô 50.000 cây giống/năm cũng được xây dựng, trong đó có 25.000 cây giống từ gieo hạt, 25.000 cây giống từ giâm hom. Mô hình trồng na rừng tập trung cũng được xây dựng với quy mô 1 ha, mật độ 2.000-2.500 cây/ha… Cùng với đó, lực lượng kiêm lâm xây dựng được 3 quy trình nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, nhân giống bằng phương pháp giâm hom, trồng chăm sóc dược liệu na rừng theo hướng dẫn GACP-WHO.

Thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ cho đơn vị tiếp tục đăng ký thực hiện dự án thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ” nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác, phát triển nguồn gen các loài này một cách bền vững và hiệu quả.

Quả Na Rừng. Ảnh: TTXVN phát

Theo Báo cáo của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, loài Na rừng (Kadsura coccinea (Lem) A.C.Smith (K.chinensis Hance)) thuộc họ Ngũ vị - Schisandraceae. Đây là loại cây leo có nhánh mọc trườn, phiến lá hình xoan, dài 6-10 cm, rộng 3-4 cm. Cây ra hoa tháng 5-6, ra quả tháng 7-8. Loài cây thuốc quý này, rễ có vị cay ấm, có tác dụng hành khí chỉ thống. Đặc biệt, rễ cây na rừng có tác dụng trị viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày, hành tá tràng, phong thấp đau xương, đau bụng trước khi hành kinh...

Trên thế giới, cây thường mọc tại các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar. Tại Việt Nam, cây phân bố tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Việc triển khai dự án sẽ giúp thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện. Từ đó, đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây quý hiếm tại khu rừng Xuân Liên và các khu bảo tồn khác.

 

https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-nguon-gen-duoc-lieu-na-rung-tai-cac-tinh-bac-trung-bo-20240409174653271.htm

Nguyễn Nam (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
  • Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chương trình và niềm tin, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; 49 năm sau nước nhà thống nhất, miền đất đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc đã đổi thay vượt bậc.

  • Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Một ngư dân ở Hà Tĩnh vừa thả lưới bắt được mẻ cá vàng dương (thường gọi là cá chim vàng), trọng lượng hơn 1,2 tấn, thu về hơn 300 triệu đồng.

  • Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Cư Drăm là xã vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp. 5 năm trở lại đây, nhờ trồng dứa mà nhiều gia đình ở Cư Drăm đã có cơ hội để thoát khỏi đói nghèo.

Top