Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024 | 14:49

Để xuất khẩu rau đạt 1,5 tỷ USD (Bài 3): Những mô hình hay và kiến nghị

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng nhằm phát triển bền vững, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, tập trung, cánh đồng rau mẫu lớn...

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD, bên cạnh giữ vững thị trường rau truyền thống, xúc tiến mở rộng thị trường mới..., ngành hàng rau màu còn rất nhiều việc phải làm, nhất là đẩy mạnh chế biến sâu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bài 1:  Sản xuất rau - lợi thế lớn

Bài 2: Mục tiêu và những rào cản

Trồng tía tô xuất khẩu thu tiền tỷ

Tía tô là một trong những loại rau được thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực rau an toàn đã đầu tư mở rộng diện tích trồng loại rau gia vị này xuất khẩu ổn định và đã đem lại nguồn thu nhập lớn hơn so với trồng các loại rau khác.

Nhờ sự giới thiệu của bè bạn ở nước ngoài, ông Nguyễn Duy Kính (trú ấp Xuân Đông, xã Cẩm Mỹ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã thuê hơn 5ha đất trồng thử nghiệm tía tô để xuất  sang Hàn Quốc.

Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên rau tía tô của ông trồng không lớn, sau khi tìm hiểu, ông Kính nhận thấy khí hậu ở Cẩm Mỹ nóng ẩm, trong khi ở Hàn Quốc lại khá lạnh. Vì thế, ông đã khắc phục bằng cách tăng độ ẩm của đất ở mức phù hợp cho cây.

Gia đình ông Kính thu hái lá tía tô xanh.

Theo ông Kính, lá tía tô đủ chuẩn xuất khẩu khi thu hoạch phải có chiều ngang 8-13cm. Vì là tập trung xuất khẩu, nên ông Kính chú trọng trồng rau tía tô theo phương pháp hữu cơ theo yêu cầu của đối tác Hàn Quốc. Mọi công việc từ làm đất, gieo hạt giống, tỉa lá, bắt sâu, bón phân, thu hoạch… đều phải làm bằng tay. Các yêu cầu trồng tía tô khắt khe này khiến ông Kính phải tốn khá nhiều nhân công.

Trung bình mỗi ngày thu hoạch lá tía tô, ông thuê  25-40 nhân công. Mỗi nhân công hái trung bình 15kg lá tía tô/ngày. Đợt cao điểm, nguồn lá tía tô đạt tiêu chuẩn, ông Kính có thể thu 1 tấn/ngày. Với cách thức trồng tía tô này, đến nay, ông  đã xuất khẩu hàng trăm tấn lá tía tô sang Hàn Quốc với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Ông tính, nếu trồng tía tô, mỗi năm có thể thu lãi khoảng nửa tỷ đồng/ha.

Giống như gia đình ông Kính, hộ anh Lê Văn Phương (xóm Việt Hùng, xã Đông Cao, TX. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) trồng tía tô xanh được Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Thịnh Cao bao tiêu sản phẩm để xuất sang Nhật Bản. Theo anh Phương, lá tía tô xanh được người dân Nhật Bản dùng để muối hoặc ăn kèm với các món như gỏi cá, sushi.

Anh Phương cho biết: “Gia đình chỉ đảm nhiệm việc trồng, chăm sóc và thu hoạch; còn việc cung cấp giống và tiêu thụ do Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Thịnh Cao thực hiện”. Chính vì thế, thu hoạch lá tía tô đến đâu công ty thu mua đến đó, gia đình không phải mang ra chợ bán.

Cũng theo  anh Phương, cây tía tô rất dễ trồng và chăm sóc, chi phí đầu tư không lớn như các loại rau khác. Thời gian thu hoạch lá tía tô xanh lại kéo dài 7 - 9 tháng.

Anh Phương cho biết, chỉ với 360m2 trồng tía tô xanh, sau thời gian trồng thử nghiệm, thấy  tía tô xanh cho hiệu quả cao và ổn định hơn so với các loại rau màu gia đình trồng trước đây.

Thu hái lá tía tô tại Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh.

Trang trại tía tô công nghệ cao ở xã Lâm Thao (Lương Tài - Bắc Ninh) đã thành công trong việc xuất khẩu lá tía tô sang Nhật Bản. Tháng 10/2016, Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh (Công ty May Hồ Gươm) đầu tư khoảng 150 tỷ đồng xây dựng trang trại trên diện tích 11,3ha. Ngoài 60.000m2 nhà kính trồng rau tía tô xanh, còn có các công trình phụ trợ khác, như nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh…

Mọi công đoạn chăm bón tía tô sau khi gieo trồng đều thuận theo tự nhiên như trang trại nuôi gà để bắt sâu, dùng đèn để bắt côn trùng, ruồi, muỗi... Việc chăm sóc hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, hoặc nếu có cũng chỉ là những loại không có độc tố cao và dưới sự chỉ đạo, giám sát của 4 chuyên gia Nhật Bản.

Ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc điều hành Công ty May Hồ Gươm, cho biết: Trang trại mỗi tuần xuất khẩu 1,5 triệu lá, bình quân 6 triệu lá/tháng (lá để 15 - 30 ngày vẫn giữ được màu xanh); giá 1 lá tía tô tại ruộng, mùa hè 300 đồng/lá, mùa đông 500 đồng/lá. 

Theo tính toán, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá/ha, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng/ha. Mỗi ngày trung bình trang trại cho thu hoạch khoảng 200.000 lá (tương đương khoảng 90kg) đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật.

Thu lãi lớn từ liên kết trồng cà rốt

Tại vùng trồng cà rốt của các thành viên trong HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Hải Dương), thời điểm này, cà rốt cho thu hoạch đợt cuối. Từ khi tham gia HTX, các thành viên không còn phải lo đầu ra như trước. Diện tích lớn, sản lượng nhiều nhưng khâu tiêu thụ thuận lợi hơn so với các loại rau màu khác.

Cà rốt được trồng ở Hải Dương và một số tỉnh lân cận sau khi thu về được chuyển đến xưởng sơ chế của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính. Tại cơ sở chế biến, cà rốt được rửa sạch qua 5 máy, sau đó qua bồn sục ozone, tiếp đó vào máy thổi để làm khô. Sau đó, cà rốt sẽ được chuyển ra băng chuyền, được công nhân chọn lọc để phân loại size tùy theo thị trường. Đến thời điểm này, HTX xuất khẩu được khoảng 40.000 tấn cà rốt.

Nhiều năm qua, nhờ sợi dây kết nối là HTX, cà rốt Hải Dương đã khẳng định được thương hiệu, chinh phục những thị trường khó tính, giúp hàng ngàn nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Riêng tại Hải Dương, hiện có khoảng 1.500 ha cà rốt, sản lượng khoảng 80.000 tấn. Hiện tại, 70% sản lượng cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu ; 30% còn lại tiêu thụ trong nước.

Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng thu hoạch cà rốt.  Ảnh: Vũ Sinh.

Trước khi vào vụ gieo trồng, HTX thông báo trên loa, hướng dẫn bà con cách trồng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như thế nào. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ cùng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm bón và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, trên 360 ha cà rốt đều đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Chính  bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và một phần xuất đi một số nước châu Âu.

HTX đã khuyến cáo bà con: Muốn làm giàu thì cần phải mở rộng vùng trồng, mang kiến thức khoa học của mình đi tới các vùng đất mới để trồng và tìm kiếm những thị trường tiềm năng.

Tỏi An Tân xuất ngoại

Ngoài lá tía tô, cà rốt được xuất khẩu, một số địa phương cũng đã xuất khẩu tỏi, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Thái Bình là vùng đất nổi tiếng với biệt danh “Quê hương 5 tấn” bởi vùng đất này chính là vựa lúa của Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nhiều loại rau đã trở thành sản phẩm chủ lực giúp bà con nông dân tăng thu nhập.

Là vùng sản xuất hành, tỏi có tiếng, người dân xã An Tân (Thái Thụy) đã liên kết với Công ty Xuất - nhập khẩu nông sản Thái Bình trồng và đưa tỏi  xuất sang Mỹ.

Nhiều năm qua, hành, tỏi trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông của người dân huyện Thái Thụy, trong đó có xã An Tân. Nhưng cây trồng này đã không ít phen lận đận, lao đao vì sự cạnh tranh của hành, tỏi Trung Quốc. Đưa sản phẩm tỏi xuất ngoại là hướng đi mới đem lại nhiều hy vọng cho nông dân nơi đây.

Trồng 1,2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) hành, tỏi, mỗi vụ gia đình ông Lê Tất Lộng (thôn An Cố Bắc, xã An Tân) thu về trên 100 triệu đồng. Ông Lộng cho biết: Là tỏi xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng cao, tôi được công ty, HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, trong đó sử dụng hoàn toàn phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đưa sản phẩm tỏi xuất khẩu đã và đang mang đến hy vọng giúp nông dân chúng tôi tiếp tục gắn bó và phấn đấu làm giàu từ cây trồng này.

Ông Mai Đức Nhường, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy An (xã An Tân), cho biết: Mỗi năm, thành viên của HTX trồng 140 - 180ha hành, tỏi. Năm nay, tổng diện tích cây vụ đông của HTX đạt 264ha, trong đó gần 150ha hành, tỏi. Cùng với kinh nghiệm thâm canh của người dân nên diện tích và năng suất hành, tỏi của An Tân luôn đứng đầu huyện Thái Thụy. Để nâng cao giá trị hành, tỏi, cùng với việc tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2022, HTX quy hoạch vùng 10ha trồng tỏi, liên kết tiêu thụ với Công ty Xuất  - nhập khẩu nông sản Thái Bình. Tham gia liên kết sản xuất, công ty hỗ trợ kỹ thuật và một phần phân bón cho nông dân. Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, trong quá trình trồng và chăm sóc, nông dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học trong phòng, trừ sâu bệnh. Năm ngoái, đơn hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với gần 15 tấn tỏi thành phẩm. Năm nay, do thời tiết ít mưa, dự kiến năng suất hành, tỏi giảm so với mọi năm, tuy nhiên, giá bán cao hơn trung bình nhiều năm.

Tận dụng tốt lợi thế, đảm bảo chất lượng và đẩy mạnh chế biến sâu

Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Nga. Theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng là nhờ vào việc Việt Nam đã ký kết được nhiều Nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác. Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của các thị trường này, trong đó có yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm….Muốn sản phẩm rau xuất khẩu sang các thị trường khó tính và có yêu cầu cao, cần phải xây dựng những quy định để bảo đảm có nguồn cung cấp bền vững, đặc biệt phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến.

Ứng dụng công nghệ chế biến rau xuất khẩu.Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đó, trước hết, cần xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng cao. Thứ hai, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau quả. Thứ ba, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thứ tư, phát triển hệ thống logistics ngành rau quả và công nghiệp phụ trợ cho xuất khẩu rau quả. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm rau quả  để nâng cao sức cạnh tranh thông qua phát triển hạ tầng cơ sở và logistics: Thiết lập trung tâm logistics sản phẩm nông sản tại các vùng, địa phương có các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đầu mối giao thông vận tải phát triển để kết nối với các trung tâm sản xuất rau quả nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và giảm chi phí lưu thông hàng hóa; Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển hệ thống logistics theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ rau quả; Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả; phát triển các loại bao bì đóng gói rau quả tươi và sản phẩm chế biến thân thiện môi trường, các loại phụ gia thực phẩm, chất bảo quản rau quả đảm bảo an toàn thực phẩm...

Qua cảnh báo của Trung Quốc mới đây về một số rau quả bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, người dân, doanh nghiệp còn chủ quan, vẫn chỉ nghĩ Trung Quốc chỉ kiểm tra về các loại dịch hại bên ngoài sản phẩm.

Qua đây cũng cảnh tỉnh người dân, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến đối tượng dịch hại mà phải quan tâm cả các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

Ông Nguyên khuyến cáo, nông dân cần chú ý trồng theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bởi sản xuất theo VietGap khi có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón thì được đảm bảo về thời gian cách ly. Khi sản phẩm thu hái, sẽ đảm bảo an toàn.

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, những tháng đầu năm, doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu rau quả. Hiện doanh nghiệp đang tập trung cho xuất khẩu các sản phẩm như cà rốt, sầu riêng, dừa tươi… và nhiều sản phẩm rau củ sang Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cả 2 thị trường trọng điểm của doanh nghiệp đều đang có sự tăng trưởng khá tốt. Mùa nào, rau quả đó, các sản phẩm được doanh nghiệp đẩy mạnh chào tới các khách hàng từ sản phẩm tươi đến chế biến sâu.

“Từ đầu năm, doanh nghiệp đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang làm việc, ký kết các hợp đồng các sản phẩm rau quả chế biến sâu, như chuối tẩm phủ các vị socola, matcha,…,”ông Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.

Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết, hiện doanh nghiệp cũng đang cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp chuẩn bị đón “sóng” xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đã sẵn sàng. Song doanh nghiệp nhận thấy phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm thì mới đưa sản phẩm cho đối tác.

“Xác định sang thị trường nào thì chắc thị trường đó, nên khi đưa sản phẩm sang thị trường mới, doanh nghiệp phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Khắc Tiến cho hay.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào cũng như quá trình canh tác. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Cơ quan chức năng địa phương phối hợp với Cục hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật.

Cùng với đó là tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.

Có như vậy chúng ta mới có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra là xuất khẩu rau đạt 1-1,5 tỷ USD vào năm 2030.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

Top