Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 4 năm 2024 | 13:13

Để xuất khẩu rau đạt 1,5 tỷ USD (Bài 2): Mục tiêu và những rào cản

Theo Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 1,0-1,5 tỷ USD.

Mục tiêu là vậy, song ngành rau đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện.

Bài 1: Sản xuất rau - lợi thế lớn

Năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD

Ngày 09/11/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Sản lượng rau cả nước đạt 23-24 triệu tấn (trong đó, sản lượng rau phục vụ chế biến khoảng 1,0-1,3 triệu tấn); trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn; tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 30% tổng diện tích gieo trồng rau cả nước; giá trị kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD.

Sản xuất rau tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, thiếu bền vững là một trong những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Định hướng phát triển đến năm 2030, diện tích rau cả nước đạt khoảng 1,2-1,3 triệu hecta (trong đó, nhóm rau chủ lực gồm rau cải các loại, dưa hấu, dưa chuột, hành, tỏi, rau họ đậu, ớt cay, cà chua); diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cả nước khoảng 360-400 nghìn hecta; trong đó, diện tích rau phục vụ chế biến khoảng 50-60 nghìn hecta phân chia theo các nhóm rau chủ lực và tập trung theo các vùng sản xuất.

Sản xuất nhỏ, thiếu bền vững

Những năm gần đây, rau và sản phẩm rau Việt Nam đã được chào đón ở nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Mặc dù vậy, thì chuỗi cung ứng rau an toàn ra thị trường ngoài nước vẫn đang đối diện với một số khó khăn, thách thức. Điểm mấu chốt không nằm ở việc không tìm được thị trường tiêu thụ mà ở việc số lượng và chất lượng rau chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nhập khẩu. Tại Việt Nam, nông dân là tác nhân chiếm đa số trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng rau nói riêng. Điều này là một trong các nguyên nhân cơ bản tạo nên thách thức về số lượng và chất lượng rau xuất khẩu.

Nông dân thường sở hữu diện tích gieo trồng nhỏ lẻ, manh mún, khó quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Do vậy, khi xuất khẩu đòi hỏi một số lượng lớn rau, đồng bộ về giống và quy cách là khá khó khăn khi phải gom từ nhiều nông hộ khác nhau.

Tại Bắc Giang, tỉnh này đã phê duyệt đến năm 2030, có 78 vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 7,2 nghìn hecta, trong đó, có 23 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, khi triển khai, gặp khá nhiều khó khăn.

Tại Lạng Giang, theo kế hoạch, huyện xây dựng 7 vùng sản xuất rau tập trung, tổng diện tích 610ha. Nhưng thực tế, một số xã gặp khó khăn trong tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất. Điển hình như tại xã Hương Sơn, địa phương chọn thôn Đồng Thủy để xây dựng vùng sản xuất rau với quy mô 30 ha, tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được. Theo ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng thôn Đồng Thủy, thôn có 365 hộ, phần lớn vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, mặc dù các cấp, ngành đã tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của sản xuất tập trung. Vùng sản xuất rau tập trung 24ha ở thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh cũng vẫn “trên giấy” vì ruộng đất manh mún.

Cùng với đó là điều kiện về cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống nhà màng, kho lạnh bảo quản. Do vậy, nếu gặp thời tiết bất lợi, sẽ mang lại rủi ro rất lớn. Sau khi thu hoạch không có hệ thống làm lạnh sơ bộ và kho lạnh sẽ dẫn đến sản phẩm rau tươi bị giảm chất lượng. Kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất rau an toàn được áp dụng chưa toàn diện do ảnh hưởng bởi lối tư duy và thói quen sản xuất cũ của người nông dân.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội, ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp.

Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, Việt Nam nhận được nhiều cảnh báo của các nước nhập khẩu về các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và gian lận về mã số vùng trồng… Nhiều nước nhập khẩu rau đang tăng tần suất kiểm tra đối với rau Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp quản lý chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông sản.

Chế biến sâu còn yếu

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, có tới 76% rau xuất khẩu đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Hiện, nước ta có 157 nhà máy chế biến rau công nghệ hiện đại công suất thiết kế đạt 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, hiện công suất hoạt động của nhiều nhà máy chỉ đạt 50-60% do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do nguồn nguyên liệu không ổn định.

Đáng chú ý, các nhà máy chế biến khó đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu do việc sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng chưa đồng đều, ổn định. Sản xuất nhiều loại rau còn mang tính thời vụ. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa đảm bảo các thiết bị máy móc và công nghệ để chế biến với tần suất cao theo mùa vụ, cùng với đó còn thiếu và yếu về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng. Trình độ công nghệ, lao động còn thấp và yếu về khả năng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với sản phẩm chế biến sâu. Doanh nghiệp cũng gặp khó khi giá thuê mặt bằng, giá điện và các chi phí logistics cao và thiếu các thiết bị để phục vụ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đặc biệt là kho lạnh.

Phát triển ngành rau theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi.

Tại Hà Nội, thành phố hiện có hàng nghìn cơ sở chế biến nông sản, nhưng 98% quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu sản xuất thủ công. Số lượng dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại cũng như hệ thống kho bảo quản rất hạn chế. Điều này cho thấy chế biến nông sản của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng cũng như những đòi hỏi từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh), cho biết, Tráng Việt có hơn 200ha trồng rau, trong đó, khoảng 80ha trồng củ cải, sản lượng 12.800-17.500 tấn/năm. Có thời điểm củ cải vào thu hoạch chính vụ, sản lượng lớn, nông dân chỉ bán tươi nên khâu tiêu thụ rất khó. Trong khi đó, HTX chưa có vốn xây dựng nhà xưởng chế biến củ cải khô và việc tìm kiếm thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), phát triển ngành rau theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt, hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải bài toán dư thừa cục bộ nguồn cung.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ, trong khi đa phần doanh nghiệp chế biến rau quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Trong khi đó, nông dân chưa chú trọng công tác bảo quản, dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%. Đáng nói, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau sau thu hoạch phản ánh, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, những đơn vị còn lại quy mô vừa và nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.

Theo một số chuyên gia kinh tế, sản xuất rau của Việt Nam vẫn yếu ở khâu chế biến nên khi thị trường trong nước, nước ngoài giảm nhu cầu rau tươi sẽ xảy ra tình trạng giá giảm sâu, nguồn cung dư thừa và nông dân thua lỗ. Vấn đề này đã xảy ra nhiều năm nay và vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả, nhà nông luôn phải đối mặt với những rủi ro cận kề. Tại một số nước trong khối ASEAN, các loại rau tươi sẽ được phân loại để đưa đi xuất khẩu, còn lại sẽ được dùng làm nguyên liệu chế biến.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng rau cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến. Nếu giải quyết được chuyện này, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm từ rau đến với thị trường quốc tế.

Khó tiêu thụ do chưa có thương hiệu

Là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu “top” đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt nói chung, ngành hàng rau nói riêng vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bối cảnh này, vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt (trong đó có các sản phẩm từ rau) càng trở nên cấp bách. Bởi chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, nếu xây dựng được thương hiệu quốc gia cho các nông sản chủ lực của Việt Nam hiện nay, chắc chắn phần thu về của người nông dân, của doanh nghiệp và của đất nước, sẽ nhiều hơn.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản đã bàn rất lâu, nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nhà nước chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt. Vấn đề xây dựng thương hiệu rất quan trọng, mọi người đều có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu này.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế, nên bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và trên cơ sở thị trường 100 triệu dân nội địa. Chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước. Song song, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng vào sự thật là nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chúng ta cần phải có vùng sản xuất lớn, quản lý chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.

Liên quan tới thị trường tiêu thụ trong nước, hiện nay, việc tiêu thụ rau an toàn vẫn còn gặp khó khăn. Ở Hà Nội là một ví dụ. Toàn thành phố có 35 chuỗi tiêu thụ rau an toàn với 208 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng số lượng tiêu thụ qua hợp đồng đạt 42 tấn/ngày, trong khi đó sản lượng rau của Hà Nội đạt hơn 33.000 tấn/ngày. Việc sử dụng rau an toàn là nhu cầu của người tiêu dùng. Thế nhưng, vấn đề tiêu thụ rau an toàn vẫn là một thách thức để sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Vùng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội hình thành ngày một nhiều. Việc tìm khâu tiêu thụ rau an toàn được đề cập từ nhiều năm trước nhưng vẫn gặp khó khăn. Mặc dù các ngành chức năng của thành phố đã hỗ trợ người dân thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để đưa sản phẩm rau an toàn đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng, số lượng rau tiêu thụ không được bao nhiêu so với năng lực sản xuất của các HTX.

Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), cho biết,  HTX hiện trồng gần 50ha rau an toàn, trung bình mỗi ngày xuất bán 30-40 tấn. Để thúc đẩy khâu tiêu thụ, HTX đã kết nối với một số siêu thị, bếp ăn tập thể và mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại chợ Hà Đông. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ chỉ vào khoảng 60%, còn lại vẫn bán qua thương lái. HTX muốn mở thêm cửa hàng tại một số quận trong thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng tiền thuê cửa hàng khá cao, nếu chỉ bán rau thì thu không đủ bù chi.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, nhiều điểm bán rau an toàn của các HTX chưa được bố trí hợp lý, thuận tiện với người tiêu dùng nên kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh rau an toàn còn quá ít, quy mô hoạt động nhỏ. Trong khi đó, công nghệ chế biến, bảo quản rau an toàn còn lạc hậu và thiếu cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng sản phẩm. Hiện, toàn thành phố mới có 8 cơ sở chế biến rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày và 42 cơ sở chế biến nhỏ của các HTX, doanh nghiệp công suất trung bình 200-1.000 kg/ngày.

Yêu cầu ngày càng cao của thị trường

Nhận định về thị trường rau, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), lưu ý, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi. Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của nước này để tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu.

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Chúng ta thường nhắc đến tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh, mở rộng những thị trường mới. Tuy nhiên, trước khi muốn làm được điều đó, cần phải đảm bảo việc giữ được những thị trường truyền thống bấy lâu nay. Trong đó có thị trường Trung Quốc

Đại diện Bộ Công Thương thông tin, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau với tỷ trọng 53,7%. Tỉnh Vân Nam có đường biên giới với 4 tỉnh Việt Nam và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh và 4 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn nhiều điểm đáng tiếc, chưa được như kì vọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, thị trường Trung Quốc đã mở cửa. Tuy nhiên, về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao. Thứ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn.

Đối với EU, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tháng 8/2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dư địa tại thị trường EU còn rất lớn, hàng hóa Việt Nam mới chiếm 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm.

EU có khoảng 500 triệu dân, chiếm 6,2% trong tổng số 8 tỷ người toàn cầu, nhưng chiếm tới 45% nhu cầu rau thế giới, trong khi rau là mặt hàng thế mạnh nước ta, cũng chỉ chiếm khoảng 2 - 3% thị phần. Hơn thế nữa, ở châu Á, chỉ 4 nước có FTA với EU, gồm Việt Nam, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, nước ta không phải cạnh tranh nhiều với Nhật Bản, Hàn Quốc do 2 nước này không có rau nhiệt đới, còn Singapore là nước nhập khẩu rau. Vậy tại sao thị phần rau Việt Nam tại EU không lớn?

Nguyên nhân hàng đầu do rau là mặt hàng đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việt Nam chưa có vùng trồng đủ lớn bảo đảm chất lượng, nguồn cung ổn định cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, chứng nhận đạt tiêu chuẩn vào EU còn ít. Có nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực và công nghệ để vượt qua hàng rào kỹ thuật TBT hay SPS (Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật). Công nghệ bảo quản, chế biến còn hạn chế, bao bì nhãn mác đóng gói thiết kế chưa thực sự phù hợp thị hiếu của người EU. Ngoài ra, chi phí cho vận chuyển cao, ảnh hưởng tới giá thành phân phối sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước khác tại thị trường EU.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, chia sẻ, công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển rau của Việt Nam còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như châu Âu, Mỹ không còn tươi ngon, rất khó bán. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp chế biến không chỉ là phát triển dây chuyền sấy, ép nước… mà còn phải đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau.

Cùng về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, nhìn nhận, Việt Nam chưa có nhiều mô hình sản xuất rau tập trung với quy mô lớn nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém. Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP hay Global GAP còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng diện tích trồng trọt) nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn, đạt tiêu chuẩn để thực hiện các đơn hợp đồng xuất khẩu.

Bài 3: Những mô hình hay và kiến nghị

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Yên Bái thúc đẩy phát triển lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản

    Yên Bái thúc đẩy phát triển lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản

    Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, không để nông sản dư thừa và thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển, trong những năm qua, Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

  • Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chương trình và niềm tin, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; 49 năm sau nước nhà thống nhất, miền đất đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc đã đổi thay vượt bậc.

  • Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Một ngư dân ở Hà Tĩnh vừa thả lưới bắt được mẻ cá vàng dương (thường gọi là cá chim vàng), trọng lượng hơn 1,2 tấn, thu về hơn 300 triệu đồng.

Top